Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp: Chưa tạo bước đột phá mạnh

NGUYỄN SỰ 25/10/2017 13:42

Những năm qua, mô hình hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến rõ nét, được xem là đòn bẩy trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mô hình này vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế…

nhiều HTXNN mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư cho nhà nông. Ảnh: VĂN SỰ
nhiều HTXNN mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư cho nhà nông. Ảnh: VĂN SỰ

Nỗ lực chuyển đổi mô hình

Sau khi triển khai thí điểm thành công tại HTXNN Ái Nghĩa vào năm 2013, đến nay toàn bộ 18 HTXNN ở Đại Lộc đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Theo đó, hầu hết HTXNN của địa phương này đều nỗ lực đa dạng hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh với đầy đủ dịch vụ nông nghiệp cốt yếu như làm đất, thu hoạch, thủy lợi, bảo vệ thực vật; đồng thời mở thêm một số loại hình dịch vụ mới như cung ứng nước sạch, thu gom rác thải… Đặc biệt, phần lớn các đơn vị đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp tổ chức cho nông dân sản xuất nhiều loại giống lúa, bắp lai, đậu xanh… theo phương thức hàng hóa, bao tiêu đầu ra sản phẩm. Nhờ vậy, quy mô sản xuất có sự hợp tác giữa nhà nông - doanh nghiệp không ngừng tăng lên.

Nếu năm 2013 toàn huyện có 1.100ha đất sản xuất lúa giống và dưới 100ha đất canh tác bắp lai, đậu xanh theo mô hình liên kết thì năm 2017 đã tăng lên 1.600ha lúa giống và 560ha đậu xanh, bắp lai. Năm 2016 doanh thu bình quân của các HTXNN ở Đại Lộc đạt hơn 6 tỷ đồng/đơn vị, tăng 75,2% so với năm 2013; tổng lãi trước thuế đạt bình quân 172 triệu đồng/đơn vị, tăng gần 20% so với năm 2013. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đánh giá: “Từ năm 2013 đến nay, dù gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai gây ra, đặc biệt là giá cả thị trường biến động mạnh nhưng đa số HTXNN ở địa phương vẫn giữ vững sự ổn định, hoạt động có hiệu quả, thể hiện rõ vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”.

Mới đây, tại hội nghị đánh giá tình hình chuyển đổi và hoạt động của các HTXNN ở Quảng Nam, ông Trần Thanh Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho hay, hiện toàn tỉnh có 158 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 97 đơn vị cũ đăng ký lại, 50 HTX mới thành lập và 11 HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 không có khả năng củng cố, phải giải thể. Hoạt động của các HTXNN trong 5 năm trở lại đây chủ yếu tập trung vào những dịch vụ chính như thủy lợi, làm đất, thu hoạch, cấp nước sinh hoạt, tín dụng nội bộ... “Theo khảo sát, giai đoạn 2013-2016, hằng năm doanh thu bình quân của 1 HTXNN trên toàn tỉnh đạt gần 2,8 tỷ đồng và lợi nhuận bình quân khoảng 74 triệu đồng/đơn vị/năm. Trong khi đó, thời điểm chưa có Luật HTX 2012, mỗi năm doanh thu bình quân của 1 HTXNN đạt 2,5 tỷ đồng và lợi nhuận bình quân chỉ đạt 59,3 triệu đồng/đơn vị/năm. Nhìn chung các HTXNN đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững” - ông Diệp nói.

Còn nhiều hạn chế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, HTXNN là mô hình kinh tế có tác động rất lớn đến quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thời gian tới chính quyền các địa phương phải tập trung xây dựng đề án phát triển HTXNN gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Muốn mang lại thành công lớn, nhất thiết phải chú trọng việc rà soát, đánh giá lại thực trạng để có cơ sở đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo những điều kiện cơ bản cho HTXNN hoạt động, nhất là về đất đai, nhân sự và định hướng phát triển.

Theo ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn, một số HTXNN tuy đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 nhưng nhìn chung phương thức hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét, tư duy còn nặng về hành chính, bao cấp, không phù hợp với cơ chế thị trường. Số thành viên HTX đông nhưng phần lớn cao tuổi (từ đơn vị cũ chuyển sang) nên việc đóng góp, xây dựng HTX có nhiều hạn chế. Ông Châu nói thêm: “Hiện nay, đa số HTXNN mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, chưa chú trọng tìm đầu ra tiêu thụ nông sản cho nông dân. Từ đó, chưa hỗ trợ mạnh cho việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, địa phương chưa xây dựng được những mô hình HTX hoạt động trên các lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, cây dược liệu phù hợp với tiềm năng phát triển của Quảng Nam”.

Một số ý kiến khác cho rằng, mặc dù đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 nhưng nhiều HTXNN vẫn còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Không ít HTXNN chưa tập trung giải quyết công nợ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Còn ông Trần Thanh Diệp nhận định, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX năm 2012 và các văn bản liên quan mới chưa sâu sát cơ sở, nhất là nông dân và các thành viên khác của HTX. Nhà xưởng, trang thiết bị của nhiều HTXNN đã xuống cấp và lạc hậu, thậm chí có đơn vị chưa có trụ sở làm việc ổn định nên rất khó thực hiện việc liên doanh liên kết, mở rộng hoạt động sản xuất. Đặc biệt, mức vốn bình quân của các HTXNN thấp và chủ yếu là vốn tài sản cố định đã sử dụng lâu năm. Do đó, đa số HTXNN thiếu vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, trong khi hầu hết đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các chính sách tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn, việc huy động vốn từ thành viên lại quá hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của HTX. “Chất lượng nguồn nhân lực của các HTXNN cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Mặc dù thời gian qua trình độ của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các HTXNN có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập so với cơ chế quản lý mới. Tư duy phát triển sản xuất - kinh doanh không theo kịp sự phát triển của cơ chế thị trường, thiếu tính nhạy bén và năng động trong khâu tổ chức, điều hành hoạt động. Trong khi đó, hầu hết cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì chẳng mặn mà với chuyện về công tác lâu dài tại các HTXNN”.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp: Chưa tạo bước đột phá mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO