Phát triển mô hình kinh tế nông thôn mới

ĐỖ HUẤN 28/07/2016 09:04

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011 - 2015), TP.Hội An tập trung xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, kinh tế mới, chủ yếu tập trung dựa trên các làng nghề truyền thống, các tiềm năng đặc trưng của địa phương.

Xây dựng các mô hình sinh thái

Đề án hỗ trợ sản xuất rau sạch tại thôn Thanh Đông được chính quyền xã Cẩm Thanh triển khai thực hiện từ năm 2013 với sự tham gia theo hình thức tổ hợp tác của cộng đồng dân cư, kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau. Mô hình bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, diện tích sản xuất từ 6 sào lúc ban đầu nay đã tăng lên gần 10,5 sào, năng suất đạt gần 1,3 tấn/sào, không tính nguồn thu từ bán vé tham quan, bình quân thu nhập đạt 800 nghìn đồng/sào/tháng. Ông Phạm Mèo (thôn Thanh Đông) cho biết: “Năm 2014, khi vừa học vừa làm thì sản lượng và thu nhập trung bình, đến năm 2015 - 2016 sản lượng thu được cao dần lên. Từ đó sản phẩm hữu cơ này được khách hàng ưa chuộng vì rau sạch không dùng thuốc hóa học. Người ta mua quá nhiều, chúng tôi ở đây sản xuất ra không kịp”.

Du khách trải nghiệm đời sống người nông dân ở Cẩm Thanh. Ảnh: MINH HẢI
Du khách trải nghiệm đời sống người nông dân ở Cẩm Thanh. Ảnh: MINH HẢI

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Cẩm Thanh không chỉ xây dựng mới mô hình sản xuất rau sạch mà còn phát triển nhanh ngành dịch vụ du lịch - thương mại nhờ gắn kết với tiềm năng sinh thái vùng sông nước và nghề tranh - tre dừa nước truyền thống. Hoạt động du lịch cộng đồng, nhất là ở rừng dừa Bảy mẫu chuyển biến mạnh. Hiện toàn xã có 30 cơ sở dịch vụ du lịch đang hoạt động gồm 3 khách sạn, 9 biệt thự, 10 homestay, 8 khu dịch vụ - du lịch - nhà hàng. Ngoài ra còn có 1 khách sạn, 19 cơ sở biệt thự và 14 homestay đang đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm nay để phục vụ lượng khách lưu trú ngày càng tăng. Tổng số lượt khách lưu trú tại các cơ sở đạt khoảng 60.000 lượt người. Doanh thu trên lĩnh vực này đạt 64 tỷ đồng. Đời sống nhân dân tiếp tục được ổn định và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng hằng năm, đạt khoảng 25,8 triệu đồng trong năm 2015.

Phát huy giá trị sản xuất nông nghiệp

Cùng với Cẩm Thanh, xã Cẩm Hà cũng được thành phố chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Từ nguồn vốn phát triển sản xuất, Cẩm Hà cũng đã đầu tư 553 triệu đồng để thực hiện dự án áp dụng giống lúa mới trung và ngắn ngày, hỗ trợ quật giống cho hộ nông dân có thu nhập thấp, hỗ trợ giống rau cho nông dân Trà Quế. Cùng với việc hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng đến các hoạt động khuyến nông cho nghề trồng hoa cây cảnh và làng rau truyền thống Trà Quế, kết hợp với phát triển du lịch thương mại để nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Kim Sáu - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hà cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất cây quật, rồi hỗ trợ về vốn, về cây giống và từng bước phục tráng cây quật để tạo điều kiện cho nông dân sản xuất. Mô hình thứ hai là làng rau Trà Quế. Chúng tôi đã đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng để quy hoạch làng rau. Hỗ trợ về giống, tập huấn chương trình sản xuất rau hữu cơ và một số chương trình khác để giúp nông dân Cẩm Hà tăng thu nhập. Thu nhập bình quân từ đầu người năm 2011 chỉ 11 triệu đồng, đến cuối năm 2015 đạt 26,9 triệu đồng”.

Không chỉ riêng ở 2 xã Cẩm Thanh và Cẩm Hà mà trong chương trình xây dựng nông thôn mới, hằng năm Phòng Kinh tế TP.Hội An cũng đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân, ngư dân ở các xã thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ sản xuất cho nông dân, ngư dân. Từ những mô hình sản xuất mới, chính quyền thành phố đã khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp tham gia khai thác các tour - tuyến phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm sản xuất, làm nghề, khám phá cảnh quan sinh thái, đời sống văn hóa làng quê, tổ chức chợ quê, ẩm thực làng nghề... Hoa, cây cảnh Hội An không chỉ là sản phẩm phục vụ thú chơi mỗi khi tết đến xuân về mà còn được người trồng cung cấp quanh năm để phục vụ trưng bày, sắp đặt trong các không gian sân vườn, nhà thờ, nội thất gia đình, cơ quan, công sở... Ruộng lúa ở Hội An còn mang lại giá trị là tạo cảnh quan, tạo cho du khách trải nghiệm đời sống người dân. Bắp nếp Cẩm Nam vốn nổi tiếng ở giá trị thực phẩm tươi được chế biến thành các món ăn độc đáo, càng được nâng cao giá trị hơn và ngày càng khẳng định thương hiệu. “Những mô hình đó bên cạnh mục đích lớn nhất là làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay, thì nó còn những ý nghĩa tích cực khác. Đó là nếu đi theo con đường phát triển đô thị sinh thái, làm du lịch sinh thái thì những ngành nghề, những lĩnh vực mà chúng ta chọn đã bảo vệ bền vững môi trường, tức là không đi ngược lại quy luật của tự nhiên và ứng xử một cách có văn hóa đối với tự nhiên, đối với con người” - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng nói.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển mô hình kinh tế nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO