Phát triển mô hình kinh tế trang trại - gia trại: Nhiều trở lực

NGUYỄN SỰ 08/04/2016 08:37

Những năm qua, mô hình kinh tế trang trại (TT) - gia trại (GT) đã có chuyển biến tích cực, góp phần tạo bước đột phá cho lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phát triển mô hình này vẫn còn gặp rất nhiều trở lực.

Hàng loạt khó khăn

Theo ông Phạm Văn Ảnh - chủ một TT ở xã Đại Quang (Đại Lộc), thì loại hình kinh tế TT thường sử dụng diện tích đất thuê, thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào sự thỏa thuận của đôi bên. Do là đất thuê nên các chủ TT không dám mạnh dạn đầu tư đưa công nghệ vào sản xuất để tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, vì là đất thuê, các chủ TT không có “bìa đỏ” nên không có gì thế chấp cho ngân hàng để vay vốn mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi đó, nhiều ý kiến  cho rằng, đất TT phần lớn nằm ở những vùng xa xôi. Nếu có “bìa đỏ” thì các chủ TT cũng khó vay được số vốn lớn vì khi ngân hàng tiến hành kiểm tra, thẩm định tài sản, họ thường định giá đất rất thấp. Mà, tài sản thế chấp có giá trị thấp thì hẳn nhiên là không vay được nhiều vốn.

Trang trại  nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Bùi Việt Tín (Tam Thăng, Tam Kỳ) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Bùi Việt Tín (Tam Thăng, Tam Kỳ) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chung quanh chuyện vốn vay, ông Võ Hồng Sơn - chủ một TT ở Đại Lộc nói: “Lâu nay, thủ tục vay vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế TT - GT hết sức rườm rà. Ngân hàng buộc phải có tài sản thế chấp; phương án sản xuất phải có tính khả thi cao. Như đã biết, đất đi thuê thì làm sao có “bìa đỏ” để thế chấp. Còn mới bắt tay vào làm mô hình, sao các chủ TT dám nói chắc nịch là phương án sản xuất đó rất khả thi, bởi lâu nay lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi luôn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro”. Còn ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước nêu ý kiến: “Do quá dè dặt đối với những chủ TT - GT nên các ngân hàng luôn đưa ra định mức cho vay rất thấp và thời gian trả nợ ngắn. Một chủ GT chỉ được vay 50 triệu đồng, với số tiền đó thì không đủ nuôi 10 con heo giống hoặc 2 - 3 con bò sinh sản. Trong khi đó, thời hạn vay chỉ tối đa 18 tháng. Nếu nuôi giâm để sản xuất giống thì heo hoặc bò chưa kịp đẻ là chủ GT đã phải lo ôm tiền đi trả nợ cho ngân hàng. Mà, heo, bò chưa đẻ thì biết mang thứ gì đi bán để lấy tiền tất toán?”. Cũng theo lời ông Tứ, hiện nay thủ tục hành chính quá rắc rối đã gây không ít khó khăn cho các chủ TT - GT chuyên sản xuất con giống. Ông Tứ nói: “Theo quy định, con giống bán trên thị trường bắt buộc phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì thế, trước khi xuất bán con giống, các chủ TT - GT phải mời thú y cơ sở đến để xác nhận. Tuy nhiên, có một thực tế là, đội ngũ thú y cơ sở này vui thì đến mà buồn thì không!”.

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay các kênh vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay các kênh vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trừ một số ít TT có thực hiện liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp cung ứng đầu vào và giải quyết đầu ra, lâu nay phần lớn các chủ TT trên địa bàn tỉnh phải loay hoay tìm kiếm đầu ra của sản phẩm nên gặp không ít khó khăn vì thường bị tư thương ép giá. Còn một vấn đề nữa khiến nhiều người bức xúc là, trong khi các chủ TT không có đất để đầu tư sản xuất hàng hóa thì hàng loạt dự án quy hoạch phát triển công nghiệp cứ “treo” mãi. Ông Nguyễn Thanh Tuấn ở xã Tam Hiệp (Núi Thành) nói: “Hiện nay, tôi có 2 mô hình kinh tế TT với tổng diện tích 30 nghìn mét vuông. Tuy rằng đất của tôi có “bìa đỏ” nhưng do nằm trong quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai nên tôi không thể bỏ ra số tiền lớn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kiên cố tại các TT của mình. Thử hỏi, quy hoạch gì mà từ năm 2009 đến giờ vẫn không động đậy?”.

Tháo gỡ bằng cách nào?

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, kinh tế TT - GT là một trong những thế mạnh để Quảng Nam phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản theo hướng hàng hóa. Những năm qua, nhờ ban hành nhiều cơ chế, chính sách thiết thực nên đã tạo động lực cho nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực khai hoang cải tạo vườn tạp, phát triển vườn đồi - vườn rừng, xây dựng mô hình kinh tế TT với quy mô ngày càng lớn. Đặc biệt, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo phương thức sản xuất tập trung đạt giá trị cao. Ông Muộn nói: “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ được tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi, được chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến nên người dân đầu tư phát triển mạnh mô hình kinh tế TT - GT. Không kể loại hình GT, qua khảo sát đánh giá mới đây cho thấy, toàn tỉnh đã có 130 TT đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN&PTNT. Trong đó, có 110 TT chăn nuôi, 5 TT thủy sản, 4 TT lâm nghiệp, 11 TT tổng hợp. Số TT này tạo việc làm thường xuyên cho gần 500 lao động nông thôn. Theo thống kê, bình quân vốn đầu tư của 1 TT là hơn 1,7 tỷ đồng, bình quân diện tích đất sử dụng của 1 TT là 5,1ha và doanh thu bình quân hằng năm của 1 TT là không dưới 1,9 tỷ đồng”.

Tại diễn đàn đối thoại phát triển kinh tế TT - GT do UBND tỉnh vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, để mô hình kinh tế này phát triển mạnh và bền vững, cần nhanh chóng giải quyết hàng loạt vấn đề. Theo ông Nguyễn Mười - chủ một TT ở xã Duy Tân (Duy Xuyên), thời gian tới những đơn vị liên quan cùng chính quyền các địa phương phải chú trọng quy hoạch, bố trí quỹ đất phục vụ cho việc phát triển kinh tế TT - GT, nhất là đối với các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh. Còn ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần giao cho Hội Nông dân tỉnh đứng ra tín chấp để các chủ TT - GT được vay những kênh vốn ưu đãi nhằm có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, các cơ quan tín dụng cần giảm bớt những thủ tục không cần thiết, đồng thời tăng định mức cho vay và kéo dài thời gian trả nợ đối với những dự án, mô hình kinh tế TT - GT.

Trong khi đó, ông Lê Duy Đức ở xã Bình Nam (Thăng Bình) đề xuất tỉnh cần có những cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp lớn về địa phương đầu tư xây dựng những cơ sở sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn có chất lượng để các chủ TT - GT mua sản phẩm tại chỗ nhằm giảm bớt chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế. Theo nhiều đại biểu, yêu cầu mang tính bắt buộc là phải tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học để việc sản xuất mang lại năng suất, chất lượng cao và ổn định đầu ra của sản phẩm. Đồng thời tập trung nhân rộng loại hình bảo hiểm vật nuôi và dịch vụ thú y trọn gói nhằm giúp các chủ TT - GT yên tâm sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, mô hình kinh tế TT - GT là một trong những hướng phát triển chủ lực của lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, góp phần rất lớn trên tiến trình xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Trí Thanh cho rằng, những đề xuất, kiến nghị vừa nêu là rất xác đáng và cho biết UBND tỉnh sẽ khẩn trương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian sớm nhất…

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển mô hình kinh tế trang trại - gia trại: Nhiều trở lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO