Phát triển mô hình trồng cây măng tây

PHAN VINH 28/08/2017 09:14

Là một cán bộ khuyến nông, nhận thấy cây măng tây có thể đem lại hiệu quả kinh tế khả quan, anh Phan Văn Lực (26 tuổi, ở tại xã Điện Thọ, Điện Bàn) đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình với mong muốn phát triển kinh tế và giúp nông dân địa phương có thêm hướng canh tác mới.

Tin liên quan

  • KHỞI NGHIỆP - SÁNG TẠO
Anh Lực thường xuyên đến thăm và tư vấn kỹ thuật cho các thành viên trong Tổ hợp tác măng tây xanh an toàn Điện Dương. Ảnh: P.V
Anh Lực thường xuyên đến thăm và tư vấn kỹ thuật cho các thành viên trong Tổ hợp tác măng tây xanh an toàn Điện Dương. Ảnh: P.V

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế, anh Lực về làm việc tại Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn). Lúc bấy giờ, đơn vị đang nghiên cứu áp dụng việc trồng cây măng tây ở các xã vùng đông như Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc và Điện Nam Đông. Theo ông Phạm Thành Chung - Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn, lúc bấy giờ, dù Điện Bàn là một huyện có tỷ trọng ngành nông nghiệp lớn, nhưng ở các xã vùng đông, người dân chủ yếu trồng các cây nông nghiệp ngắn ngày, cho thu nhập không cao vì đặc thù đất cát. Trong khi đó, ở tỉnh Ninh Thuận, trên diện tích đất cát như vậy, cây măng tây được trồng rất nhiều và cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu và học tập mô hình ở tỉnh Ninh Thuận về, anh Lực được đơn vị giao phụ trách theo dõi và hướng dẫn cho 2 hộ dân trồng thí điểm cây măng tây.

Qua quá trình đó, anh thấy cây măng tây được trồng ở vùng cát Điện Dương sinh trưởng và phát triển rất tốt, cho năng suất thu hoạch đúng với các tiêu chí đề ra ban đầu. Tuy sản phẩm măng tây có giá rất cao và nhu cầu thị trường khá lớn nhưng nguồn cung của người dân lúc bấy giờ quá ít nên không thể đặt vấn đề với các điểm thu mua. “Vì vậy, muốn có đầu ra ổn định thì chúng ta phải chủ động được việc cung cấp sản phẩm, phải tăng diện tích trồng. Nhưng xây dựng mô hình măng tây thì cần nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn, phải có hệ thống tưới tự động và mua giống ban đầu. Trong khi người dân hạn chế về vốn thì tôi nghĩ ngay đến việc mình phải bắt tay vào đầu tư và làm, bởi tôi thấy được tiềm năng phát triển kinh tế từ cây măng tây, đồng thời muốn nông dân mạnh dạn đầu tư thì mình phải đi đầu làm gương” - anh Lực chia sẻ. Nói là làm, anh Lực đã vay 170 triệu đồng để đầu tư trồng măng tây trên diện tích 4.000m2 tại khối phố Tân Khai, phường Điện Dương.

Dù đã có thời gian nghiên cứu, học tập mô hình và trực tiếp hướng dẫn người dân trồng thí điểm nhưng khi bắt tay vào trồng cây măng tây, anh Lực gặp không ít khó khăn. Cây măng tây đã được trồng nhiều trên cả nước, sinh trưởng và phát triển được trong điều kiện thời tiết khác nhau. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình trồng cây thực phẩm này từ tỉnh Ninh Thuận về đến Quảng Nam thì gặp phải trở ngại. Đặc thù về điều kiện tự nhiên ở 2 địa phương khác nhau, nên áp dụng cùng phương pháp không mang lại hiệu quả cao. Cây măng tây bị bệnh khô vằn lá nên thời gian thu hoạch bị chậm trễ, thay vì 6 tháng thì phải đến gần 9 tháng anh Lực mới có thể thu hoạch lứa đầu tiên. Anh chia sẻ: “Tôi nghiên cứu và tính toán lại thời gian tưới lâu hơn để khắc phục nguy cơ lây lan mầm bệnh. Đồng thời quan sát thường xuyên hơn để phát hiện cây bệnh rồi chủ động thực hiện cắt tỉa sớm. Tuy nhiên, một khó khăn nữa mà bất kỳ một người cán bộ nào tham gia làm kinh tế cũng gặp đó là quỹ thời gian dành cho mô hình hạn hẹp, dù thuê nhân công nhưng vẫn không đảm bảo. Vì vậy, tôi buộc phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan và tranh thủ thời gian còn lại để chăm vườn”.

Hiện tại, mô hình của anh Lực cho ra khoảng 300kg măng tây thành phẩm mỗi tháng, cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Với giá bán khoảng 90 nghìn đồng/kg măng tây, mỗi tháng, sau khi trừ hết chi phí, anh thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ một hộ dân có mong muốn trồng măng tây nhưng thiếu vốn đầu tư bằng việc góp 50% chi phí ban đầu. Hiện anh là Tổ trưởng tổ hợp tác măng tây xanh an toàn Điện Dương với 14 thành viên. Theo đó, anh phụ trách hướng dẫn kỹ thuật, thu gom và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các thành viên trong tổ. Nhờ vậy, đã có nhiều hộ cải thiện đời sống nhờ việc trồng măng tây. Ông Phạm Ba (ở thôn Tân Khai, xã Điện Dương) là người được anh Lực tư vấn, giúp đỡ để tiếp cận với mô hình trồng cây măng tây. Trước đây, trên diện tích 1.500m2 đất cát của mình, ông Ba chỉ trồng được 1 vụ bắp cho thu nhập khoảng 4  triệu đồng. Tháng 11.2016, ông đầu tư trồng măng tây, đến nay, thu nhập hằng tháng của ông khoảng 3 triệu đồng.

Khoản vay đầu tư ban đầu là 170 triệu đồng đến nay đã được anh Lực trả hết. Vì không có nhiều thời gian chăm sóc và sâu sát vườn nên sắp tới, để tăng thu nhập và giúp đỡ nhiều hộ dân cải thiện kinh tế, anh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết với mình. “Đồng thời tôi đang hướng sản phẩm măng tây của tôi cũng như tổ hợp tác đạt được tiêu chuẩn VietGAP để tăng sự tin cậy của khách hàng và tìm kiếm, mở rộng thị trường. Có như vậy, việc trồng cây măng tây ở vùng đông thị xã Điện Bàn mới ổn định và có tương lai, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây” - anh Lực chia sẻ.

PHAN VINH

TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP – SÁNG TẠO”

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển mô hình trồng cây măng tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO