Làm gì để phát triển môn bóng bàn và định hướng ra sao trong thời gian đến là nội dung hội nghị vừa được Sở VH-TT&DL tổ chức.
Bóng bàn là một trong những môn thể thao phổ biến và được nhiều người yêu thích. Điều kiện cơ sở vật chất không yêu cầu tốn kém nhiều kinh phí (1 bàn bóng bàn và các dụng cụ khác kèm theo trung bình khoảng 5 triệu đồng); cũng không đòi hỏi người chơi có thể lực tốt như nhiều môn thể thao khác. Vì vậy, phong trào bóng bàn thường phát triển tập trung trong lực lượng cán bộ, công nhân viên chức. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều câu lạc bộ (CLB) ở các cơ quan, đơn vị như Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Cục Thuế Quảng Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh… Ở các địa phương như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành, Đại Lộc, Hiệp Đức, phong trào bóng bàn cũng khá sôi động, chủ yếu trong lực lượng thanh niên, học sinh.
Giải bóng bàn TP.Tam Kỳ mở rộng năm 2015 do CLB Tiểu La Tam Kỳ tổ chức thu hút nhiều tay vợt đến từ các CLB trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.VY |
Dễ chơi nhưng khó phát triển
Theo ông Trần Sô, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể dục - thể thao Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện có 34 CLB bóng bàn đang hoạt động với khoảng 1.000 người tham gia tập luyện. Trong đó, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An và thị xã Điện Bàn là 3 địa phương có địa điểm tập luyện nhiều nhất với tổng số 29 địa điểm. Về công tác tổ chức thi đấu, ông Sô cho biết 2 năm một lần, Sở VH-TT&DL tổ chức giải bóng bàn các nhóm tuổi toàn tỉnh. Năm 2016, giải được tổ chức tại Điện Bàn thu hút 130 vận động viên (VĐV) của các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ban, ngành tham gia. Bóng bàn học đường cũng được ngành GD-ĐT duy trì trong chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Nam (cấp THCS và THPT). Sở cũng đã phối hợp với các CLB trong tỉnh cử đoàn VĐV tham gia thi đấu tại các giải khu vực, toàn quốc; trong đó CLB Bóng bàn TP.Tam Kỳ từ năm 2006 đến nay thường xuyên tham gia các giải khu vực tại Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa… “Tuy phong trào có phát triển, song tỉnh chưa đầu tư cho bóng bàn thành tích cao. Từ năm 2015, Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể dục - thể thao tỉnh mới có kế hoạch đào tạo VĐV tuyến cơ sở tại TP.Tam Kỳ với số lượng 15 - 20 em ở độ tuổi 11 - 15” - ông Sô cho biết.
Theo ông Sô và nhận định chung của nhiều người, phong trào bóng bàn trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng tự phát từ sự đam mê, ham thích của người chơi, chứ chưa có định hướng và sự hỗ trợ từ ngành thể dục - thể thao. Bởi vậy, phần lớn các CLB mạnh và hoạt động khá sôi nổi hiện nay như CLB Tiểu La Tam Kỳ, Núi Thành Victory đều do một số anh em say mê bóng bàn thành lập. Anh Nguyễn Chí Dân - Chủ nhiệm CLB Bóng bàn Núi Thành Victory cho rằng, con số 1.000 người tập luyện bóng bàn trong khi dân số của tỉnh 1,5 triệu người là một tỷ lệ quá thấp so với nhiều môn thể thao khác. “So với một số môn khác, điều kiện cơ sở vật chất của môn bóng bàn không đòi hỏi nhiều nhưng không phải không tốn kém. Nếu như môn cầu lông, 2 người chỉ cần có 2 cây vợt là có thể tập luyện với nhau được còn bóng bàn yêu cầu phải có bàn” - anh Dân phân tích. Rõ ràng, môn bóng bàn, nói như nhiều người là dễ chơi nhưng không dễ tìm chỗ để chơi!
Lo cho phong trào trước
Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, bóng bàn là một trong những môn thể thao phổ biến nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh phong trào còn rất hạn chế, mang tính tự phát của người chơi. Do đó, chủ trương của ngành trong thời gian tới là tập trung phát triển phong trào ở cơ sở, trong đó đẩy mạnh phát triển CLB bóng bàn trong trường học, trung tâm VH-TT xã, phường. Hàng năm, Sở VH-TT&DL duy trì giải các nhóm tuổi nhằm động viên phong trào, phát hiện tài năng; tích cực phối hợp với các CLB tổ chức đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên, thành lập các đội tuyển tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc. Về đào tạo VĐV năng khiếu, bên cạnh khuyến khích các CLB mở lớp năng khiếu, Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể dục - thể thao tỉnh có kế hoạch tăng chỉ tiêu đào tạo tuyến cơ sở.
Đồng tình với định hướng phát triển của ngành, Chủ nhiệm CLB Bóng bàn Núi Thành Victory Nguyễn Chí Dân cho biết, hiện nay số lượng người tập luyện môn bóng bàn quá ít. Vì vậy, hãy khoan tính đến công tác đào tạo thành tích cao mà cần tập trung phát triển phong trào, mở rộng ra địa bàn cả tỉnh. Bản thân các CLB cũng phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức giải, tạo điều kiện cho VĐV cọ xát, đồng thời góp phần phát động phong trào ra nhiều người. “CLB chúng tôi cũng mới thành lập, đến nay tổ chức mỗi năm 2 giải và tích cực tham gia các giải do CLB trên địa bàn tỉnh mở. Nếu mỗi CLB tổ chức 2 giải/năm thì với 4 CLB lớn của tỉnh hiện nay (gồm Tiểu La Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và Núi Thành Victory) hàng năm đã có 8 giải đấu bên cạnh giải của tỉnh.
Từ đó, tạo ra không khí sôi nổi, góp phần quảng bá môn bóng bàn đến với người dân” - anh Dân nói. Đề cập khía cạnh dài hơi hơn, theo ông Phạm Văn Ba - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT thị xã Điện Bàn, Sở VH-TT&DL cần xây dựng kế hoạch phát triển môn bóng bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 để cơ sở có căn cứ xây dựng chương trình hoạt động. Là đơn vị tham gia đào tạo VĐV năng khiếu trong 2 năm qua, ông Phan Văn Hạ - Hiệu trưởng Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể dục - thể thao tỉnh cho rằng hãy từ từ nói đến bóng bàn đỉnh cao mà nên tập trung lo cho phong trào một thời gian nữa. “Điều kiện của tỉnh chưa có (cả huấn luyện viên lẫn cơ sở vật chất). Trong khi đó đào tạo năng khiếu bóng bàn phải từ 6 - 7 tuổi, mà lứa tuổi này thì không ai cho con em mình xa gia đình để học bóng bàn. Vì vậy thời gian qua trường thử nghiệm đào tạo tại cơ sở để các em không phải tập trung về ăn ở tại trường nhưng kết quả không như mong đợi” - ông Hạ chia sẻ.
TƯỜNG VY