Lần đầu tiên một hội nghị do Sở VH-TT&DL tổ chức nhằm tìm giải pháp phát triển môn cầu lông đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, chuyên môn, các câu lạc bộ trong cả tỉnh.
Sôi nổi nhưng tự phát
Theo ông Trần Sô - Trưởng Phòng Nghiệp vụ TD-TT Sở VH-TT&DL, đến nay cả tỉnh có 48 câu lạc bộ (CLB) cầu lông. Ngoài ra, còn có khá nhiều CLB ở các địa phương hoạt động sôi nổi và có sự đóng góp lớn vào phong trào chung của tỉnh nhưng chưa “danh chính ngôn thuận” do chưa làm thủ tục pháp lý để công nhận. Cầu lông cũng là môn thể thao có điều kiện cơ sở vật chất thuộc loại hùng hậu nhất với 513 sân tập, nhà tập. Đáng chú ý, 16/18 huyện, thị, thành phố, 13 cơ quan, đơn vị, trường học có nhà thi đấu thể thao dành cho tập luyện môn cầu lông. Hàng năm, khá nhiều giải cầu lông đã được mở ra tạo sân chơi cho các vận động viên; trong đó giải cầu lông các CLB tỉnh Quảng Nam do Sở VH-TT&DL phối hợp với Liên đoàn Cầu lông tỉnh tổ chức là giải đấu có truyền thống (đã 10 lần tổ chức) và quy mô khá lớn (gần 400 vận động viên). Đặc biệt, các CLB trong thời gian qua đã chú trọng đến công tác đào tạo vận động viên trẻ, theo đó các vận động viên có điều kiện tham gia thể hiện tài năng của mình tại giải cầu lông các CLB tỉnh và giải cầu lông thiếu nhi TP.Tam Kỳ mở rộng. Qua đó, tạo nguồn vận động viên cho các đội tuyển trẻ tỉnh tham gia các giải toàn quốc và có được những kết quả khả quan như 12 huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016 (lần đầu tiên có 6 huy chương vàng), hay huy chương đồng tại giải Cầu lông thiếu niên toàn quốc 2016 và 6 vận động viên được tuyển chọn vào thi đấu giải các cây vợt thiếu niên trẻ xuất sắc nhất toàn quốc.
Phong trào cầu lông ở Quảng Nam khá sôi nổi nhưng còn mang tính tự phát, cần có những giải pháp căn cơ để phát triển. Ảnh: TƯỜNG VY |
Trong khi cầu lông phong trào phát triển khá mạnh thì việc đầu tư cho cầu lông thành tích cao còn rất hạn chế. Năm 2003 mới thành lập bộ môn cầu lông tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh. Tuy nhiên, do điều kiện sân bãi tập luyện không đảm bảo nên chỉ được một thời gian ngắn, môn cầu lông buộc phải giải thể. Từ năm 2015 đến nay, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh bắt đầu thực hiện kế hoạch đào tạo vận động viên trẻ tuyến cơ sở tại Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ với số lượng 15 - 20 em độ tuổi 11 - 15. Đây là việc làm cần thiết và hữu ích, giúp cho các vận động viên trẻ ở các địa phương có điều kiện tập luyện, phát triển tài năng. Và thực tế qua kết quả tại Hội khỏe Phù Đổng 2016 hoặc giải cầu lông thiếu niên toàn quốc vừa qua cho thấy, sự đầu tư phát triển hiện nay là đúng hướng, phát huy hiệu quả.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Hội An là một trong những địa phương có phong trào cầu lông phát triển thuộc hàng nhất tỉnh. Đến nay, địa phương có 91 sân tập cầu lông, 4 CLB hoạt động khá quy củ và chuyên nghiệp. Hội An cũng đã thành lập Hội Cầu lông thành phố với 100 hội viên đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động cũng như phát triển phong trào, với rất nhiều giải đấu hàng năm được tổ chức sôi nổi, thu hút khá đông vận động viên tham gia tranh tài. Ngoài việc tổ chức giải, Hội Cầu lông TP.Hội An đang có kế hoạch tổ chức đào tạo, huấn luyện vận động viên theo từng lứa tuổi để tạo nguồn lực lượng tham gia các giải đấu cấp tỉnh và cao hơn. |
Nói về những tồn tại, hạn chế của phong trào cầu lông trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Trần Sô cho rằng cầu lông phát triển theo hướng tự phát từ đam mê, ham thích của người tập mà chưa có sự định hướng mang tính chiến lược với phương thức tổ chức hoạt động bài bản. Theo ông Sô, lực lượng thanh thiếu nhi, học sinh hiện nay cũng rất yêu thích và tham gia tập luyện môn cầu lông khá nhiều, song chưa được quan tâm, tạo môi trường để thi đấu, phát triển năng khiếu. “Thời gian tới Sở VH-TT&DL sẽ tích cực phối hợp với Liên đoàn Cầu lông tỉnh, ngoài việc tổ chức giải cầu lông CLB truyền thống còn đưa giải cầu lông thanh thiếu niên vào hệ thống thi đấu hàng năm của tỉnh. Cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị đầu tư cho môn cầu lông; động viên CLB đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ, năng khiếu nhằm phát hiện tài năng” - ông Sô đưa ra giải pháp.
Cũng như các môn thể thao khác, việc đẩy mạnh xã hội hóa là yêu cầu bức thiết để phát triển môn cầu lông. Dẫn thực tế từ nhiều vận động viên cầu lông thành tích cao trên cả nước, chẳng hạn như trường hợp tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh, ông Phan Văn Hạ - Hiệu trưởng Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh cho rằng, vai trò của gia đình, doanh nghiệp đối với sự phát triển của vận động viên cầu lông rất quan trọng vì ngân sách nhà nước khó có thể kham nổi. Ngay như việc tham gia giải cầu lông thiếu niên toàn quốc tại Huế vừa qua của đoàn vận động viên Quảng Nam, gia đình (gồm 15 vận động viên) đã hỗ trợ phần lớn nguồn kinh phí cho con em đi lại, ăn ở trong những ngày thi đấu. Thậm chí nhiều phụ huynh còn tạm nghỉ công việc để đi theo động viên con em mình thi đấu. Từ năm 2015 đến nay, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam thực hiện đào tạo vận động viên môn cầu lông tuyến cơ sở tại Nhà Văn hóa thiếu nhi Tam Kỳ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của trường chỉ dừng ở mức hỗ trợ một phần nhỏ cho công tác đào tạo, phần còn lại đều do gia đình vận động viên trang trải.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - Hồ Tấn Cường, để môn cầu lông phát triển, thời gian tới cần tập trung đầu tư cho phong trào ở cơ sở, trong đó lấy sự phát triển của các CLB làm trung tâm. Trường học, đối tượng học sinh, sinh viên, thanh thiếu nhi là lực lượng nòng cốt trong phát triển môn cầu lông. Sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở xã, phường, thị trấn để người dân tập luyện và thi đấu cầu lông. Bên cạnh ngân sách nhà nước, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút ngày càng nhiều các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp tham gia đầu tư, hỗ trợ phong trào.
TƯỜNG VY