Phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021: Còn nhiều băn khoăn

THÀNH CÔNG 13/07/2023 04:35

Quảng Nam vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến sinh kế đồng bào vùng thủy điện, quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Nhiều kiến nghị vừa được nêu ra tại cuộc làm việc mới đây của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với đoàn giám sát của Quốc hội.

Nhiều kiến nghị được Quảng Nam đề xuất với đoàn giám sát của Quốc hội về phát triển năng lượng.
Nhiều kiến nghị được Quảng Nam đề xuất với đoàn giám sát của Quốc hội về phát triển năng lượng.

Lo sinh kế cho dân vùng thủy điện

Qua rà soát, hiện nay Quảng Nam có 40 dự án thủy điện có trong quy hoạch với tổng công suất thiết kế hơn 1.775MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 6.183 triệu kWh. Trong đó có 10 dự án thủy điện bậc thang do Bộ Công Thương lập, thẩm định, phê duyệt và 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh lập được HĐND thông qua trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 29/40 công trình thủy điện có trong quy hoạch đã vận hành phát điện với tổng công suất thiết kế hơn 1.500MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5.500 triệu kWh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 4 công trình thủy điện nhỏ không thuộc quy hoạch với tổng công suất 8,9MW; các công trình này được đầu tư xây dựng từ rất lâu trước khi có các yêu cầu về thực hiện quy hoạch.

Với vai trò điều tiết giảm lũ cho mùa mưa và chống hạn mùa khô, các thủy điện tại Quảng Nam được đánh giá “đóng góp nhiều, tạo được hiệu quả lớn hơn so với hạn chế”. Đại diện Sở Công Thương cho hay, một trong những vấn đề hiện tại cần giải quyết là tạo sinh kế bền vững cho người dân lòng hồ thủy điện.

Quảng Nam đã triển khai hỗ trợ sinh kế cho dân vùng hồ thủy điện nhưng quá trình thực hiện nổi lên một số vướng mắc về khai thác đa chức năng trên lòng hồ thủy điện. Trong đó, nếu khai thác phục vụ du lịch thì rất hiệu quả, nhưng pháp lý còn chồng chéo.

Nhiều thủy điện được đánh giá đã “cơ bản đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du mùa mưa và chống hạn mùa khô”. Ảnh: T.C
Nhiều thủy điện được đánh giá đã “cơ bản đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du mùa mưa và chống hạn mùa khô”. Ảnh: T.C

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thông tin, trước đây, mảnh đất ở vùng lòng hồ các thủy điện là đất sản xuất màu mỡ nhất của người dân vùng núi. Họ đã phải di dời đến các vùng không có điều kiện canh tác thuận lợi như trước đây, nhường lợi ích để phục vụ các dự án.

“Tôi cho rằng Quốc hội cần có cơ chế để các nhà máy thủy điện có trách nhiệm lâu dài với dân thuộc phạm vi di dời, để dân gắn bó với thủy điện. Người dân phải được tham gia cùng các tổ chức khác, khai thác các giá trị đa mục tiêu gắn với thủy điện. Hiện nay, dù đồng bào đã tái định cư nhưng đời sống chưa ổn định lâu dài, cần có những chính sách phù hợp” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị.

Xem xét quy trình vận hành liên hồ

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa ban hành kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ (quy trình 1865), UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chủ động tính toán và phối hợp với các chủ đập thủy điện xây dựng kế hoạch xả nước qua phát điện phù hợp với tình hình thời tiết, nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện và nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ du.

Theo ông Tý, do ảnh hưởng của triều cường, khu vực hạ du sông Thu Bồn thường xuyên bị mặn xâm nhập sâu vào nội địa với nồng độ cao, mặc dù nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đã vận hành xả nước qua phát điện với lưu lượng đảm bảo theo quy trình.

Đặc biệt, trong mùa cạn từ năm 2019 - 2021, tình hình mặn xâm nhập trên sông Thu Bồn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên và TP.Hội An.

Đối với mùa lũ, xảy ra kịch bản mực nước tại các trạm thủy văn thấp hơn mức báo động 2, hạ du chưa ngập lớn, nhưng lưu lượng về hồ vượt ngưỡng phải vận hành cắt giảm lũ. Điều này đang là hạn chế, làm giảm dung tích phòng lũ để cắt đỉnh lũ.

Ngoài ra số lượng trạm quan trắc ở các hồ chứa thủy điện còn thưa, công tác dự báo lũ về hồ chưa kịp thời, số liệu dự báo tại các thời điểm chưa thống nhất nên ảnh hưởng rất lớn trong công tác tính toán vận hành điều tiết hồ trong mùa lũ và công tác cảnh báo ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn. Ngoài ra, có những yếu tố đặc thù chưa được xem xét trong quy trình 1865.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá cao những kết quả tích cực trong triển khai chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của Quảng Nam trong thời gian qua, trong đó có việc quản lý, vận hành các thủy điện.

Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan đến những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư dự án phát triển năng lượng; bổ sung các mô hình bảo đảm sinh kế cho người dân.

“Đối với phát triển năng lượng tái tạo, tỉnh chú ý, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn sát sao với các địa bàn vì chuyển đổi đất rừng, đất ruộng cho một số loại hình dự án năng lượng tái tạo sẽ để lại hệ lụy lớn.

Về thủy điện, tỉnh cần đánh giá sâu thêm tác động tích cực, hạn chế của thủy điện; chú ý bảo đảm sinh kế của người dân trên cơ sở khai thác tiềm năng mặt nước hồ thủy điện, dưới tán rừng; bổ sung đánh giá về quy trình vận hành liên hồ chứa trên các dòng sông. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, xem xét và báo cáo Quốc hội để có những điều chỉnh trong thời gian tới” - ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021: Còn nhiều băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO