Phát triển nền nông nghiệp - đô thị

Xuân Phú 04/03/2013 09:06

Nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố là mục tiêu được TP.Tam Kỳ đặt ra trong đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - đô thị giai đoạn 2007-2015.
Kết quả bước đầu

Thành phố càng phát triển kéo theo diện tích đất nông nghiệp càng bị thu hẹp dần. Vì vậy, để phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp địa phương trong giai đoạn mới, UBND TP.Tam Kỳ đã ban hành đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - đô thị giai đoạn 2007-2015. Theo ông Phạm Cưu - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, 5 năm qua, thành phố đã tập trung rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho một số vùng sản xuất tập trung. Đến nay, đã có 8 địa phương gồm Tam Thăng, Trường Xuân, Hòa Thuận, Tam Ngọc, Tam Phú, An Phú, Hòa Hương và Tân Thạnh xây dựng đề án phát triển kinh tế nông nghiệp - đô thị với kế hoạch triển khai cụ thể.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng đông đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng đông đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Về quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung rau quả thực phẩm an toàn, 8 vùng được xét nghiệm có đủ điều kiện sản xuất và hiện 3 vùng đang thực hiện chuyển đổi sản xuất đem lại hiệu quả cao là đồng Lò Ngao (phường Tân Thạnh), đồng Hến phường Hòa Thuận), đồng Thao Lao (xã Tam Phú). Thành phố còn đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất như cải tạo đồng ruộng tại xã Tam Ngọc, nâng cấp hệ  thống thủy lợi tại nhiều địa phương. Phương án sắp xếp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố cũng được quan tâm. Hiện tại, toàn thành phố có 11 cơ sở giết mổ (5 gia cầm, 6 gia súc) và đến năm 2015 sẽ tiếp tục thu hẹp lại chỉ còn 5 cơ sở để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó cơ sở giết mổ tại phường Trường Xuân đã được đầu tư nâng cấp khang trang.

Qua 5 năm triển khai đề án Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp -  đô thị (2007-2012), TP.Tam Kỳ đã đầu tư hơn 26 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ sản xuất. Ngoài ra, bên cạnh chính sách của trung ương và tỉnh, thành phố còn thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho bà con nông dân chuyển đổi phát triển sản xuất với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng và áp dụng các mô hình sản xuất, các chương trình khuyến nông - khuyến ngư, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hàng năm, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân. Ông Cưu cho biết, ngoài các giống lúa lai, lúa chất lượng cao ngày càng được mở rộng, bà con nông dân tại nhiều xã, phường còn chọn mô hình sản xuất đậu phụng giống mới, môn sáp, hoa lily, nấm rơm, nấm bào ngư, dưa gang trái vụ hay dưa hấu, dưa gang F1. Trong khi đó, xuất hiện nhiều trang trại nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, nuôi heo rừng lai, thỏ giống mới, nhím, nhông, kỳ đà, ba ba, nuôi tôm nước lợ… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - đô thị là xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông hộ. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng thành phố, đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu rau an toàn cho vùng rau phường Trường Xuân, thương hiệu cho sản phẩm thịt và trứng gà sạch cho hộ ông Nguyễn Hồng Hà (xã Tam Thăng) và hiện nước mắm Tam Thanh đang làm thủ tục để được công nhận. Bên cạnh đó, thành phố đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân mở quầy bán sản phẩm tại các chợ, chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp - phát triển nông thôn thành phố mở 2 quầy bán rau tại Trung tâm Thương mại (phường An Mỹ).

Hướng đến sản xuất  tập trung

Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, hiện tại nền nông nghiệp ven đô thành phố dần được hình thành gắn với việc mở rộng, phát triển hệ thống dịch vụ thương mại để trực tiếp tiêu thụ sản phẩm. Điều đó chứng tỏ chủ trương phát  triển nông nghiệp - đô thị của thành phố là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp, đón đầu phục vụ cho thương mại, dịch vụ của kinh tế đô thị, làm thay đổi về giá trị trong cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, giúp bà con nông dân tăng thu nhập.

Tuy nhiên, thực tế các vùng sản xuất tập trung sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất cầm chừng, nhỏ lẻ, chưa tạo được sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao. Hơn nữa, diện tích đất nông nghiệp của thành phố chủ yếu nằm ở vùng đông bị phân tán, manh mún, đất đai bạc màu, nước tưới khó khăn, thường nhiễm mặn nên quá trình chuyển đổi sản xuất không dễ. Ngoài ra, một số khu vực còn vướng vào quy hoạch phát triển đô thị, Khu Kinh tế mở Chu Lai khiến nông dân chưa mạnh dạn đầu tư. Vì vậy, theo ông Hưng, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, đảm bảo an toàn. Để làm được điều này, thành phố sẽ tập trung rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch các  vùng sản xuất; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Thành phố đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững những thương hiệu đã được công nhận và xây dựng các thương hiệu như dưa hấu, sản phẩm làng nghề bún Phương Hòa, đóng sửa tàu thuyền thôn Tân Phú, chiếu cói Thạch Tân... Đồng thời, xúc tiến xây dựng chợ đầu mối tại phường Trường Xuân, phối hợp với siêu thị Co.opMart để tạo điều kiện tiêu thụ nông sản, khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất.

Xuân Phú

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển nền nông nghiệp - đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO