Thông qua các lớp đào tạo nghề cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ để cơ sở sản xuất tiếp cận và ứng dụng thiết bị công nghệ vào sản xuất, Thăng Bình đang hướng đến phát triển ngành chế biến nông sản để nâng cao thu nhập cho nông dân.
Sữa bắp “Đất Quảng” được sản xuất theo quy trình vô trùng, hướng đến sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: S.T |
Sống trong cảnh mẹ góa con côi, nhiều năm trước chị Nguyễn Thị Năm (thôn Vịnh Giang, xã Bình Nam) phải tất tả ngược xuôi nuôi 2 con ăn học. Bao năm loay hoay nơi đất khách với nhiều công việc khác nhau, chỉ đến khi các con đã ra trường, chị mới lại về quê ở hẳn và bắt đầu lập nghiệp. Cơ duyên đưa đẩy khi trong một chuyến vào TP.Hồ Chí Minh chị được tiếp cận với nghề chế biến sữa bắp. Tự mày mò rồi học thêm kiến thức từ các lớp đào tạo nghề do hội LHPN giới thiệu, năm 2016 chị Năm đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, đăng ký nhãn hiệu. Sữa bắp “Đất Quảng” đã ra đời với tâm huyết của người phụ nữ miền biển đầy nghị lực này. Những chai sữa bắp đầu tiên gắn liền với những chuyến tự đi giới thiệu sản phẩm của chị ở Đà Nẵng, Huế.
Rồi may mắn cũng mỉm cười khi người tiêu dùng đã thích cái màu vàng nhạt, mùi thơm của bắp nguyên chất và đồng ý đặt hàng số lượng lớn. Tạo được thị trường, chị Năm mạnh dạn vay mượn gần 200 triệu đồng để mua xe tải vận chuyển. Nhưng, liên tục những phản hồi không tốt khi sản phẩm không đảm bảo được chất lượng như trước đó. Thua lỗ, phải bán xe bởi sữa khi không sử dụng chất bảo quản sẽ không giữ được lâu khi vận chuyển đường dài. Rút kinh nghiệm, chị đầu tư thùng xốp và đá để bảo quản. Hiện sữa bắp của gia đình chị đã có mặt ở hầu khắp huyện Thăng Bình, đem lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, điều chị đang băn khoăn là nguyên liệu. “Do bắp ở địa phương tinh bột nhiều, làm sữa sẽ không ngon nên tôi phải nhập bắp sữa, bắp ngọt ở tận An Giang. Vì vậy thời gian đến, tôi dự định sẽ vào tận nơi, học hỏi cách làm để về quy hoạch trồng nguyên liệu tại chỗ trên chính đất quê mình” - chị Năm cho biết.
Cũng hoàn cảnh đơn chiếc, chị Nguyễn Thị Đào (thôn Hiền Lương, xã Bình Giang) chọn sản phẩm chả sạch để khởi nghiệp. Cuối năm 2017, được tham gia khóa học làm chả sạch do Hội LHPN huyện phối hợp với Trường Cao đẳng lương thực thực phẩm Đà Nẵng tổ chức, chị Đào cùng 2 phụ nữ khác lập cơ sở ngay tại nhà. Để làm ra được sản phẩm chả sạch, an toàn cho người tiêu dùng, các chị phải chọn thịt heo ở địa phương ngay khi vừa mới mổ ra. Nhớ lại những ngày đầu mới làm, chị Đào cho biết: “Chả làm ra không được như ý, thịt bị “đứng”, không được dẻo, không thể nhồi được. Nhiều lần như vậy, chúng tôi tự rút ra rằng, bởi vì mình không sử dụng chất bảo quản nên nếu sử dụng thịt “nguội” đã mổ lâu sẽ bị như thế”. Vì vậy, mỗi ngày các chị phải dậy từ 1 giờ sáng để đến tận lò mổ, tự tay chọn những thớ thịt mông vừa mới mổ ra. Có khi đến trễ, phải chấp nhận chờ đến lượt sau. Theo chị Đào, làm chả sạch, đòi hỏi lắm công phu, từ chọn nguyên liệu chính là thịt đến các gia vị. Mỳ chính phải mịn, đường phải là đường vàng, tiêu phải là tiêu Tiên Phước. Mua thịt về rửa sạch, phơi khô, sấy sơ rồi mới xay. Gia vị khi nêm phải đúng loại và đủ số lượng. Làm đến 5h giờ sáng thì ai về nhà nấy, mỗi người lại tất bật với những công việc khác nhau. Nhờ đó, đã mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho những phụ nữ nông thôn như các chị.
Mới đây, chị Năm, chị Đào được Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình hỗ trợ kinh phí để đầu tư dây chuyền tự động sản xuất sữa bắp và máy xay thịt. Ông Trương Công Thuận - Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, từ nguồn khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ của tỉnh và huyện, địa phương đã hỗ trợ hơn 700 triệu đồng cho các cơ sở sản xuất trang bị máy móc, thiết bị. Những trường hợp được hỗ trợ, dẫu khó khăn nhưng điều kiện để được nhận chính sách hỗ trợ chính là hiệu quả của mô hình và trên hết là ý chí quyết tâm của các chủ cơ sở sản xuất. “Thăng Bình đang có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn gắn liền với phát triển nông nghiệp. Qua đó, khai thác, phát triển tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại địa phương” - ông Thuận nói.
THU SƯƠNG - TRUNG THỰC