Phát triển ngành dệt may: Cần giải pháp đồng bộ

Đặng Hùng (thực hiện) 29/04/2013 08:41

Sự ra đời của các doanh nghiệp (DN) dệt may góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, DN dệt may hiện vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Bàn về định hướng phát triển ngành dệt may trên địa bàn tỉnh trong những năm đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết:
Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 DN may công nghiệp, thu hút 15.590 lao động, kim ngạch xuất khẩu ngành may chiếm tỷ trọng hơn 20% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và trên 720 hộ dệt cá thể, sản phẩm vải lụa thành phẩm đạt khoảng 58 triệu mét vuông, giải quyết việc làm cho trên 3.800 lao động. Nhiều DN dệt may đã cố gắng đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới và cải tiến dây chuyền thiết bị công nghệ, cải thiện mối quan hệ giữa chủ DN và người lao động, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường... Mặc dù gặp không ít khó khăn song hầu hết DN dệt may đều duy trì được sản xuất, từng bước đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Giá trị sản xuất của các DN dệt may năm 2012 ước đạt 3.000 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh. Ngành dệt may không chỉ đóng góp giá trị sản lượng khá lớn cho toàn ngành công nghiệp, đây còn là một trong những ngành đang thu hút nhiều lao động nhất hiện nay.

Ngành dệt may phát triển góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp. Ảnh: ĐẶNG HÙNG
Ngành dệt may phát triển góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp. Ảnh: ĐẶNG HÙNG

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng ngành dệt may Quảng Nam vẫn đang đối mặt những thách thức không nhỏ. Vậy thách thức chủ yếu là gì và nguyên nhân do đâu, thưa ông?

  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu:

Vấn đề đáng lo hiện nay là hầu hết DN dệt may trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất hàng gia công cho các DN nước ngoài nên bị lệ thuộc về thị trường và chịu nhiều thua thiệt hơn so với DN sản xuất làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn). Nhiều DN chưa ký được hợp đồng xuất khẩu trực tiếp nên vẫn phải ký hợp đồng thông qua các DN xuất khẩu đầu mối khác. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may tuy lớn nhưng chủ yếu là hàng gia công, giá trị gia tăng rất thấp. Nhìn chung năng suất lao động của các DN dệt may còn thấp, sản phẩm chưa đa dạng. Nguồn nhân lực của ngành dệt may vốn được coi là thế mạnh của tỉnh thì nay nhiều DN đang rơi vào cảnh thiếu lao động, nhất là các DN trên địa bàn thành phố. Hầu hết DN đều thiếu vốn sản xuất, song thủ tục vay vốn rất khó khăn và lãi suất quá cao khiến DN không dám vay để đầu tư.

UBND tỉnh và Tập đoàn Dệt may Việt Nam ký kết triển khai dự án thành lập trung tâm dệt may Quảng Nam.
UBND tỉnh và Tập đoàn Dệt may Việt Nam ký kết triển khai dự án thành lập trung tâm dệt may Quảng Nam.

PV: Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung mới đây, UBND tỉnh và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã ký kết triển khai dự án thành lập trung tâm dệt may Quảng Nam. Định hướng nào để tận dụng cơ hội lớn này?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu:

Triển khai các giải pháp thu hút ngành dệt may về nông thôn
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, trong những năm gần đây Quảng Nam đã có chủ trương vận động DN, đặc biệt các DN may về đầu tư ở nông thôn. Việc đưa ngành may về nông thôn là một trong những cách tốt nhất huy động nguồn lực xây dựng khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh, trong đó trọng tâm là các xã nông thôn mới. Do vậy, để thu hút và khuyến khích các DN đầu tư trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở triển khai đồng bộ giải pháp thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các chính sách về đất đai, mặt bằng, thuế, tín dụng, đào tạo lao động...  nhằm tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực và phát triển sản xuất, thị trường tiêu thụ ổn định; giúp DN yên tâm sản xuất.

Mục tiêu hợp tác đầu tư hình thành trung tâm dệt may Quảng Nam với các nhà máy thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các nhà máy may làm vệ tinh tại các địa phương là nhằm tạo điều kiện góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, đồng thời đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra trong nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam từ nay đến năm 2020, có tính đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Quảng Nam sẽ quy hoạch khoảng 10.000ha trồng cây nguyên liệu bông, trong đó giai đoạn đầu sẽ triển khai trồng khoảng 2.000ha cây bông. Dự kiến, năm 2020 doanh thu từ sản xuất của các nhà máy may sẽ đạt từ 4 - 5 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 200 triệu USD và giải quyết việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động. Trên cơ sở đó, sẽ tiến hành quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu và các dự án về trồng cây nguyên liệu, cây bông trên địa bàn của tỉnh. Hình thành các trung tâm dệt may, các khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may.

PV:Theo ông, những năm tới Quảng Nam cần đề ra các giải pháp gì để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành dệt may?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu:

Theo quy hoạch định hướng đầu tư phát triển từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tiêu dùng trong nước. Trong giai đoạn này, dệt may vẫn là ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội khác, cần được ưu tiên phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đảm bảo tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững, hiệu quả.    

Phát triển dệt may phải gắn với tổng thể chiến lược phát triển công nghiệp chung của cả nước và đặt trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập và hợp tác quốc tế. Phát triển theo hướng đa dạng hóa sở hữu, đa dạng hóa quy mô và loại hình DN; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển. Đầu tư phát triển dệt may theo hướng chuyên môn hóa, sử dụng công nghệ mới, hiện đại để tạo bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm. Trong những năm đến, Quảng Nam sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đào tạo, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống người lao động, đặc biệt là đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao. Tập trung thu hút mọi nguồn lực trong nước và đầu tư hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực của mạng lưới cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Khuyến khích và tạo điều kiện để các tập đoàn kinh tế, các DN trong và ngoài nước tham gia tích cực vào quá trình đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật. Đào tạo theo định hướng gắn với nhu cầu lao động, cung cấp lao động có chất lượng về tay nghề, sức khỏe, có kỷ luật, tác phong công nghiệp, có văn hóa… Đào tạo theo các tiêu chuẩn nghề và các tiêu chuẩn chất lượng đối với công tác đào tạo nghề cũng như đối với hệ thống đào tạo nghề phù hợp điều kiện hội nhập quốc tế để có được đội ngũ công nhân đạt trình độ ngang tầm khu vực. Đặc biệt ưu tiên đào tạo cho đội ngũ lao động trẻ các ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh như ngành thiết kế thời trang, điện tử, tự động hóa, cơ khí chế tạo máy… để làm chủ các công nghệ được chuyển giao. Phát triển và nâng cao năng lực của các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các khu vực phát triển công nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đặng Hùng (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển ngành dệt may: Cần giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO