Nghề khai thác hải sản đang tồn tại nhiều bất cập, nhiệm vụ trước mắt là cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) và lâu dài là phát triển nghề cá trách nhiệm, bền vững dù phải gặp nhiều khó khăn.
Vướng từ nhiều phía
Toàn tỉnh hiện có 683 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để đánh bắt hải sản đúng quy định, nhưng đến nay ngành thủy sản mới chỉ cấp cho 233 tàu cá. Điều này khiến nhiều năm qua hải sản sau khai thác của ngư dân Quảng Nam không thể chế biến xuất khẩu, giảm giá trị.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn gần 400 tàu cá chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, không chỉ vi phạm quy định mà tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trong quá trình khai thác hải sản trên biển, nhất là các vùng biển xa như Trường Sa, Hoàng Sa.
Từ năm 2018 đến nay, ngành thủy sản đã xử phạt hành chính 216 vụ việc sai phạm của ngư dân Quảng Nam với số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, đã xử phạt 28 trường hợp với số tiền 420 triệu đồng. Trong số các sai phạm, có 2 tàu cá của ngư dân Quảng Nam vượt ra khỏi vùng biển Việt Nam để đánh bắt hải sản trái phép ở nước ngoài.
Ông Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá Quảng Nam cho biết, từ ngày 22.3.2022 trở về trước, việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá thuộc về Chi cục Thủy sản.
Sau khi tiếp nhận kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá thực hiện đăng kiểm đúng quy định.
Đơn vị sẽ bố trí đầy đủ cán bộ, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị để thực hiện đăng kiểm đúng quy định, đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tàu cá khi ra khơi sản xuất.
Quảng Nam hiện có 2.753 tàu thuyền khai thác hải sản nhưng chỉ 1.057 tàu thuyền được ngành thủy sản cấp giấy phép. Trong đó, ở vùng lộng, tàu thuyền đã được cấp phép sản xuất chỉ chiếm 46,7% (340 giấy phép), còn vùng bờ chỉ có 7,1% (95 giấy phép).
Ngoài ra, toàn tỉnh còn 23 tàu cá có chiều dài từ 15m chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Ngư dân Nguyễn Đô (phường Thanh Hà, Hội An) - chủ tàu gỗ có chiều dài 17m cho biết, theo quy định tàu cá phải lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng do hành nghề lưới chuồn ở tuyến lộng nên sẽ cải hoán tàu xuống còn dưới 15m để không phải lắp đặt GSHT.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Bộ NN&PTNT cho rằng, bất cập của nghề cá Quảng Nam có nguyên nhân từ lỗ hổng quản lý. Theo quy định, tàu cá trước khi cập cảng phải thông báo trước 1 giờ, những tàu không thông báo mà vẫn cập cảng sẽ bị phạt hành chính, nhưng đến nay ở Quảng Nam chưa có trường hợp vi phạm nào bị xử lý.
Qua đối chiếu hồ sơ, có sự không trùng hợp giữa sản lượng tàu cá đánh bắt được và ghi lại ở Ban quản lý cảng cá. Có không ít trường hợp tàu cá không đủ điều kiện để xuất bến nhưng vẫn được ra khơi là trách nhiệm của lực lượng biên phòng. Trong khi đó, Văn phòng Kiểm soát nghề cá không đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực, máy móc.
Khẩn trương khắc phục
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, EC cảnh cáo “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam hồi tháng 10.2017 vừa là một chế tài xử phạt vừa là cơ hội để khuyến khích Việt Nam thay đổi cách phát triển nghề cá.
Nước ta đã có những bước tiến lớn trong xây dựng những khuôn khổ pháp lý mới như đã ban hành Luật Thủy sản có hiệu lực từ năm 2019 gắn với thực hiện cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là động thái tích cực.
Chống khai thác IUU đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên, cần sự cam kết mạnh mẽ từ cơ quan quản lý tới từng ngư dân. Bởi vậy, công tác tuyên tuyền, vận động ở Quảng Nam cần được thực hiện mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh, để gỡ “thẻ vàng” thủy sản, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, số lượng ngư dân trên mỗi phương tiện, sản lượng hải sản, vùng đánh bắt hải sản, thời gian đánh bắt hải sản là rất cần thiết.
Cần nâng cao vai trò của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá, Văn phòng Kiểm soát nghề cá Quảng Nam, trong đó ưu tiên đầu tư, hoàn chỉnh về số lượng cán bộ, tăng thời gian tập huấn, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ đội ngũ thực thi nhiệm vụ.
Về quản lý nghề cá, theo ông Nguyễn Quang Hùng, Quảng Nam cần đầu tư đồng bộ máy móc, thiết bị để chuyển đổi dần quản lý nghề cá theo truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin.
Chuyển nhật ký khai thác bằng giấy sang nhật ký khai thác điện tử; chuyển quản lý tàu cá bằng giấy sang hệ thống cơ sở dữ liệu; truy xuất nguồn gốc điện tử; nhất là kết nối hoàn chỉnh, bảo đảm thông tin kết nối thông suốt, đồng bộ giữa tỉnh với Trung ương và các lực lượng liên quan.
“Quảng Nam chưa thể truy xuất nguồn gốc hải sản là bất cập cần phải tháo gỡ. Lực lượng Biên phòng cần nâng cao trách nhiệm, kiên quyết không cho tàu cá không đáp ứng yêu cầu ra khơi” - ông Nguyễn Quang Hùng nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để góp sức cùng cả nước thực hiện tốt các khuyến cáo của EC về gỡ “thẻ vàng” thủy sản, đơn vị sẽ phối hợp, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến cũng như khi lên cá tại cảng.
Ngành thủy sản sẽ theo dõi, giám sát thường xuyên hơn các hoạt động của tàu cá trên biển, nhất là tàu cá đánh bắt hải sản ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ngăn chặn tàu cá sản xuất trái phép ở vùng biển nước ngoài.