Phát triển nghề cá: Nhìn từ dịch vụ hậu cần

NGUYỄN QUANG VIỆT 19/06/2015 11:37

Hiệu quả kinh tế của nghề khai thác hải sản ở Quảng Nam chưa cao do chi phí sản xuất quá lớn mà đầu ra chưa ổn định. Dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh sẽ có gì mới trong thời gian đến để cải thiện việc này?

Hiệu quả kinh tế chưa tương xứng

Trong vòng 5 năm qua (2010 - 2015), đội tàu đánh bắt xa bờ của Quảng Nam đã tăng gấp đôi (từ 180 lên 360 chiếc). Sở hữu tàu lớn, năng lực sản xuất được nâng lên nên sản lượng khai thác hải sản ngày càng tăng (năm 2010, sản lượng khai thác hải sản đạt 52 nghìn tấn, năm 2014 tăng lên 80 nghìn tấn). Sản lượng khai thác tăng nhưng hiệu quả kinh tế chưa tương xứng. Điệp khúc được mùa, mất giá liên tục xảy ra, trong khi đó chi phí sản xuất gia tăng. Tại cảng cá xã Tam Quang (Núi Thành), để có đủ nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho mỗi chuyến biển dài ngày, đa số ngư dân phải mua từ chủ cầu cảng tư nhân đồng thời là các đầu nậu thu mua hải sản bằng hình thức ký nợ. Giá cả các mặt hàng mua theo kiểu này thường cao hơn thị trường. Trong khi đó, khi cập bờ, ngư dân phải bán lại sản phẩm cho các đầu nậu là chủ cầu cảng, giá bao giờ cũng thấp.

Khu hậu cần nghề cá được thành lập sẽ giúp ngư dân ổn định đầu ra sản phẩm. Ảnh: N.Q.V
Khu hậu cần nghề cá được thành lập sẽ giúp ngư dân ổn định đầu ra sản phẩm. Ảnh: N.Q.V

Vòng luẩn quẩn bị khép chặt cả đầu vào lẫn đầu ra khiến không ít ngư dân gặp khó khăn, hiệu quả chuyến biển giảm sút. Nhưng nếu không mua vật tư, nhu yếu phẩm bằng cách ký nợ thì ngư dân phải vay nóng để trang trải chi phí cho chuyến biển. Cái lợi của việc này là không phải phụ thuộc về đầu ra sản phẩm, nhưng lãi suất vay lại quá cao. Mặt khác, khi ngư dân tiêu thụ sản phẩm, các tư thương liên kết với nhau o ép. Nhiều ngư dân chia sẻ, ngư trường mỗi ngày một thu hẹp, rất khó có những chuyến biển khai thác được sản lượng lớn; nhưng khi thuyền chở đầy khoang thì giá trị kinh tế cũng không tăng lên tương xứng do phụ thuộc vào thị trường, trong khi đó chi phí cho chuyến biển thì vẫn không đổi.

Phát triển hạ tầng, dịch vụ

Tận dụng cơ hội, tăng đầu tư hậu cần
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về triển khai Nghị định 67, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, nghề cá của Quảng Nam đang đi vào quỹ đạo chung của nghề cá cả nước là đang phát triển đến giới hạn về lượng. Điều quan trọng là phải có chuyển biến về chất trong thời gian đến. Muốn vậy, Quảng Nam phải có cách để giúp ngư dân nâng cao giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển, cơ cấu hợp lý đầu vào và đầu ra. Để giúp các tỉnh, thành ven biển giải quyết khó khăn về vốn đầu tư các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, Trung ương triển khai Nghị định 67. Quảng Nam cần tận dụng thời cơ này để đề xuất đầu tư hình thành khu hậu cần nghề cá lớn mạnh, phù hợp với tiềm lực và tốc độ phát triển của nghề cá trong thời gian dài hạn theo dự báo khoa học, chính xác, tránh lặp lại “vết xe đổ” là đầu tư cảng cá Tam Giang chỉ phục vụ duy nhất nghề câu mực khơi.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, quan niệm về phát triển nghề cá đã dần được thay đổi trong thời gian qua. Trước đây ngư dân đóng được tàu công suất lớn, rồi thu được sản lượng khai thác cao ở mỗi chuyến biển đã là quá mừng rồi; nhưng hiện nay, điều cần kíp là phải bảo quản sản phẩm sau khai thác thế nào cho đảm bảo chất lượng theo tiêu chí xuất khẩu. Hậu cần nghề cá phải được đầu tư đồng bộ để đáp ứng chủ trương phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Theo ông Tấn, chi phí sản xuất của ngư dân quá cao mà đầu ra luôn bị ép giá là thực trạng chung của nghề cá. Điều này bắt nguồn từ thực tế, Quảng Nam chưa hề có khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Một khi “nút thắt” này được tháo gỡ thì chưa tạo được động lực để khuyến khích ngư dân mở rộng quy mô sản xuất. “Chúng tôi đang đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu lên Chính phủ đầu tư trung hạn thành lập 2 khu dịch vụ hậu cần trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Hai khu dịch vụ này phân bố tại 2 địa phương có nghề cá phát triển là Tam Quang (Núi Thành) và Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Khi 2 khu hậu cần nghề cá được đầu tư, các vướng mắc ở cả đầu vào lẫn đầu ra cơ bản sẽ được giải quyết” - ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, hiện ở Duy Nghĩa đã có âu thuyền Hồng Triều, tại đây sẽ được đầu tư cảng cá quy mô 100 lượt tàu cá có công suất vài trăm sức ngựa cập cảng mỗi ngày. Tại cảng cá này, Quảng Nam sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, hình thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó vừa thu mua hải sản vừa cung ứng nhu yếu phẩm cho ngư dân theo giá thị trường. Ở Tam Quang, theo Nghị định 67, cũng sẽ được đầu tư cảng cá có quy mô 100 lượt tàu công suất lớn cập cảng mỗi ngày, kết nối với khu neo đậu tàu cá An Hòa. Tại đây, Quảng Nam cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thu mua hải sản và cung ứng dịch vụ. Khi được ra đời, khu hậu cần nghề cá sẽ thúc đẩy sản xuất bằng cách ổn định giá đầu vào, thu mua sản phẩm và có thể chế biến tại chỗ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Chủ trương của Quảng Nam là sẽ đầu tư đồng bộ hậu cần nghề cá trên bờ và cả trên biển. Đến thời điểm này, trong số 92 tàu cá được Trung ương phân bổ theo Nghị định 67, Quảng Nam sẽ có 9 tàu thực hiện hậu cần nghề cá trên biển. Theo đó, 9 tàu cá này sẽ thu mua hải sản trong quá trình sản xuất của ngư dân tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và cung cấp các nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas… với giá bán như ở đất liền, phục vụ quá trình bám biển dài ngày của ngư dân.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển nghề cá: Nhìn từ dịch vụ hậu cần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO