Phát triển nghề cá ở các xã bãi ngang ven biển: Hoàn thiện cơ sở hậu cần

VIỆT NGUYỄN 22/05/2018 09:03

Thiếu bến cá, khu neo đậu tàu cá, khiến cho nghề cá ở các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, do đó cần đầu tư, kiện toàn các yếu tố hậu cần, tạo điều kiện phát triển trong thời gian đến.

Bến cá Tân An không đáp ứng được nhu cầu mua bán, vận chuyển hải sản. Ảnh: V.N
Bến cá Tân An không đáp ứng được nhu cầu mua bán, vận chuyển hải sản. Ảnh: V.N

Thiếu và yếu

Xã bãi ngang ven biển Tam Tiến (Núi Thành) hiện có 457 phương tiện khai thác hải sản, trong đó, có 76 tàu cá công suất lớn sản xuất xa bờ. Tổng sản lượng hải sản ngư dân trong xã khai thác được mỗi năm xấp xỉ 10 nghìn tấn, tuy nhiên việc trao đổi, mua bán, vận chuyển chỉ diễn ra ở bến cá duy nhất được đầu tư hết sức sơ sài, bố trí ở thôn Phước Lộc. Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho rằng, hậu cần thiếu và yếu là một trong những nguyên nhân khiến nghề cá của địa phương phát triển chưa xứng với tiềm năng hiện có. “Bến cá ở thôn Phước Lộc có từ lâu đời, hình thành tự phát, rất yếu kém nhưng chưa được xây dựng, kiện toàn lại.

Gọi là bến cá nhưng lại không có chỗ cập bờ cho tàu cá, không có cầu cảng, giao thông đường đất nên rất khó khăn trong việc vận chuyển hải sản vào bờ khi tàu cập bến cũng như vận chuyển đi nơi khác” - ông Nguyễn Giúp nói. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã Tam Tiến không có khu neo đậu cho tàu cá. Vào mùa mưa bão, ngư dân lai dắt phương tiện, tìm nơi neo đậu an toàn quanh các kênh, lạch, sông ngòi, rất khó khăn lại không đảm bảo an toàn. Theo ông Giúp, nghề cá muốn phát triển phải được đầu tư từ bờ để đảm bảo các yếu tố hậu cần. Rất mong các cơ quan chức năng cho chủ trương để xã phối hợp với huyện, khảo sát, rà soát, lập hồ sơ, thủ tục đầu tư bến cá và khu neo đậu tàu cá, giúp ngư dân sản xuất hiệu quả hơn.

Tại Thăng Bình, xã bãi ngang ven biển Bình Minh có nghề cá phát triển nhất huyện nhưng cũng chưa được đầu tư bến cá, khu neo đậu tàu cá. Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, bến cá Tân An hình thành tự phát trong thời gian qua là địa điểm tập kết, mua bán, vận chuyển hải sản duy nhất trên địa bàn. Bến cá Tân An quá chật hẹp, không được đầu tư đường sá, không có bãi rác, khu tập trung và xử lý nước thải nên ô nhiễm môi trường đã nghiêm trọng trong thời gian qua. “Rất mong UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí để địa phương đầu tư, nâng cấp bến cá Tân An, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tập kết, mua bán, vận chuyển hải sản của người dân xã Bình Minh mà còn cho các xã bãi ngang ven biển khác như Bình Dương, Bình Hải, Bình Nam” - ông Hoàng Châu Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói.

Theo ông Sơn, trên địa bàn huyện Thăng Bình hiện không có khu neo đậu tàu cá. Cứ vào mùa mưa bão, ngư dân rất vất vả đưa tàu thuyền đến neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) vừa rất tốn công lại không thể yên tâm. Mong tỉnh cho chủ trương đầu tư khu neo đậu tàu cá ở xã Bình Dương, thuận lợi cho neo đậu tàu cá của ngư dân trên địa bàn.

Cần đầu tư

ThS. Lương Tình - Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, Chính phủ đã ban hành chính sách về đầu tư hậu cần nghề cá đối với các hạng mục thiết yếu như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Qua khảo sát, khu vực bãi ngang ven biển tại Quảng Nam có các hậu cần nghề cá rất sơ sài, vì thế, các ngành chức năng cần tiếp cận cơ chế của Trung ương, của tỉnh, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, kiện toàn lại hệ thống cầu cảng, bờ kè, đê chắn sóng, nạo vét luồng lạch giúp tàu thuyền ra vào cảng thuận tiện hơn.

Ở các bến cá, cảng cá, cần trang bị hệ thống phao tiêu, đèn báo hiệu, hệ thống thông tin liên lạc chuyên dụng, giúp ngư dân yên tâm hơn trong mùa mưa bão. “Trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên vào mùa mưa bão tại Quảng Nam, việc đầu tư, kiện toàn các khu neo đậu tàu cá là hết sức cấp thiết. Hải sản bị o ép đầu ra vì thế cần đầu tư, hoàn thiện cảng cá, bến cá để ngư dân ổn thỏa hơn đầu ra hải sản. Hải sản được vận chuyển, trao đổi, lưu thông thuận lợi khi bến cá, cảng cá được đầu tư bài bản sẽ giúp ngư dân nâng cao giá trị hải sản sau thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế lớn sau chuyến biển” - ThS. Lương Tình nói.

TS. Phạm Đi - Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, vấn đề tam nông đang được các cấp, các ngành, các địa phương trên phạm vi toàn quốc đánh giá lại hết sức căn cơ, rõ ràng. Đối với khu vực bãi ngang ven biển, vấn đề cần kíp lúc này là ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường. Làm sao để nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển là bài toán khó, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Có điều, để ngư dân sản xuất thuận lợi hơn, đạt hiệu quả hơn, cần phải đầu tư, kiện toàn lại hệ thống hậu cần nghề cá, coi đó là đòn bẩy thúc đẩy phát triển. “Do khả năng huy động vốn thấp nên nhiều ngư dân trước khi đi biển đã phải vay nóng của đầu nậu rồi khi về, không những bán lại hải sản với giá thấp mà còn phải trả lãi rất cao, làm sao thu được giá trị kinh tế ổn định được.

Các ngành chức năng của tỉnh cần xem xét, thành lập, phát huy vai trò của các tổ chức nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã, tổ hợp tác nghề cá, giúp ngư dân huy động được vốn đầu tư đi biển rồi về thu mua lại hải sản, chế biến tại chỗ để xuất khẩu hoặc sơ chế, bán lại cho các cơ sở chế biến hải sản, nâng cao giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển” - TS. Phạm Đi nói. Để các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ hợp tác, hợp tác xã nghề cá phát huy vai trò “bà đỡ” của ngư dân, theo TS. Phạm Đi, Nhà nước cần phải đầu tư, kiện toàn, kết nối lại các yếu tố hậu cần phục vụ nghề cá như bến cá, cảng cá, khu neo đậu tàu cá để nâng cao khả năng tương tác, phát huy hiệu quả cao.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển nghề cá ở các xã bãi ngang ven biển: Hoàn thiện cơ sở hậu cần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO