Phát triển nghề nuôi dúi ở Đại Lộc

THÁI CƯỜNG 20/11/2019 14:02

(QNO) - Dễ nuôi, ít công chăm sóc nhưng lại có giá trị cao, dúi rừng đang được nhiều hộ dân huyện Đại Lộc chọn nuôi để phát triển kinh tế.

Ông Lê Văn Sáng (thôn Quảng Đại, xã Đại Cường) chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho thanh niên huyện Đại Lộc. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Ông Lê Văn Sáng (thôn Quảng Đại, xã Đại Cường) chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho thanh niên huyện Đại Lộc. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Thu nhập cao

Ông Lê Văn Sáng (thôn Quảng Đại, xã Đại Cường) nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Cường. Năm 2016 khi về hưu, ông tìm đến các cơ sở nuôi dúi rừng để tìm hiểu mô hình này. “Lúc mới nghỉ hưu, tôi cũng tính đến việc nuôi bò làm kinh tế nhưng nhận thấy sức khỏe không cho phép, diện tích vườn nhà chật nên quyết định chọn nuôi con dúi. Đây là con vật nuôi mới và có thể nuôi ở những không gian hẹp, không quá tốn công như các loài khác” - ông Sáng nói.

Ông Sáng cho hay, nuôi dúi không phải dùng đến thuốc thú y vì loài này có sức đề kháng rất cao. Thức ăn chính khá đơn giản và dễ kiếm như các cây thuộc họ tre, mía, cỏ voi. Dúi sinh sản khá nhanh, 1 năm 1 dúi mẹ đẻ khoảng 4 lứa, mỗi lứa 3 - 5 con. Về chuồng trại cũng không cần đầu tư nhiều.

Tính đến thời điểm hiện tại, đàn dúi của ông Sáng đã lên đến 100 con, trong đó có 50 con giống sinh sản và đã xuất bán nhiều lứa, thu lợi hàng chục triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế cho riêng mình, ông Sáng còn chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu mô hình đến các hội viên cựu chiến binh, thanh niên trên địa bàn huyện.

Từ mô hình của ông Sáng, ông Mai Văn Bảo (thôn Ô Gia, xã Đại Cường) cũng đến tìm hiểu và mua giống về nuôi tại vườn nhà. Ông Bảo cho biết: “Nhận thấy việc nuôi dúi rất đơn giản, ít dịch bệnh và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi heo, gà nên ban đầu tôi mua 10 cặp về nuôi thử. Đến nay đàn dúi phát triển tốt, có nhiều cá nhân đặt mua nhưng không đủ để cung cấp. Thời gian đến tôi tiếp tục gầy đàn và mở rộng diện tích nuôi”.

Liên kết chăn nuôi

Trước thực trạng con dúi trong tự nhiên đang dần khan hiếm và các mô hình nuôi dúi còn manh mún, chưa có sự gắn kết giữa người nuôi, mới đây, 9 thành viên gồm 6 thanh niên, 1 cựu chiến binh, 1 cựu giáo chức và 1 hội viên nông dân đã liên kết thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi dúi Đại Lộc. Qua đó tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật, con giống, đầu ra…

Ra mắt THT chăn nuôi dúi Đại Lộc. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Ra mắt THT chăn nuôi dúi Đại Lộc. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Anh Huỳnh Thế Toàn - Tổ trưởng THT cho biết, hiện tại, khi liên kết các hộ thành viên, tổng đàn dúi của THT hơn 800 con. “THT được thành lập để từng bước nâng cao việc phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng tập trung. Tạo việc làm và tăng nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên; đồng thời tìm kiếm các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm phát triển THT lớn mạnh” - anh Toàn nói.

Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc - anh Mai Thanh Sang cho hay, trong thời gian qua, mô hình chăn nuôi của THT chăn nuôi dúi Đại Lộc là địa chỉ chuyển giao kỹ thuật, học tập kinh nghiệm được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tìm đến. Đây là mô hình THT làm kinh tế mới mẻ đối với huyện do thanh niên làm chủ, có khả năng mang lại hiệu quả cao và có thể nhân rộng.

“Thời gian đến, Huyện đoàn Đại Lộc sẽ giúp THT hoàn thành thủ tục đăng ký chăn nuôi đối với động vật đặc thù. Hỗ trợ, hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn vay và đề xuất các công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện có cơ chế hỗ trợ về nguyên vật liệu để THT đầu tư xây dựng, mở rộng chuồng trại chăn nuôi...” - anh Sang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển nghề nuôi dúi ở Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO