Phát triển nguồn lợi vì sinh kế của ngư dân

VIỆT NGUYỄN 06/04/2023 06:36

Nguồn lợi thủy hải sản trên địa bàn tỉnh bị suy giảm mạnh trong thời gian qua nên trước mắt cần tái tạo, phát triển, xa hơn là bảo tồn biển để giữ gìn sinh thái và phục vụ sinh kế của người dân.

Cộng đồng cư dân ven biển xã Tam Tiến tham gia cùng ngành thủy sản thả cá giống xuống khu vực biển rạn Bà Đậu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cộng đồng cư dân ven biển xã Tam Tiến tham gia cùng ngành thủy sản thả cá giống xuống khu vực biển rạn Bà Đậu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thả tôm, cá tái tạo nguồn lợi

Nhận thông tin ngành thủy sản tổ chức thả 600 nghìn con tôm sú giống xuống khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, Hội An) để tái tạo, phát triển nguồn lợi, ông Đặng Thành Tâm - Giám đốc Công ty Eco Tour dừa Bảy Mẫu Hội An hào hứng tham gia. Ông Tâm tài trợ 2 chiếc thuyền để chở đoàn đi thả tôm giống.

Theo ông Tâm, nguồn lợi thủy sản ở khu vực rừng dừa Bảy Mẫu đã bị suy giảm mạnh trong thời gian qua. Bằng chứng là quá trình đánh bắt của người dân xã Cẩm Thanh và lân cận hiếm khi thu được những loại cá quen thuộc trước đây như cá móm, cá dìa, cá mú. Trong khi đó, các loài cá quý hiếm như cá dò, cá hồng, cá nâu, cá căng, cá tráp, cá khế nguy cơ không còn.

Người dân đã khai thác giống các loài thủy sản quá mức nên nguồn lợi suy giảm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng: “Cần bổ sung nguồn lợi thủy sản trong các thủy vực tự nhiên như quanh rừng dừa Bảy Mẫu để gia tăng số lượng cá thể, quần đàn phục vụ khai thác thủy sản. Và hơn hết là cần tạo chuyển biến nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn”.

Ngay sau khi thả tôm sú giống, ngành thủy sản thả 12 nghìn con giống cá chim, cá đối, cá dìa xuống khu vực biển rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến, Núi Thành).

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nói, thả cá giống để tái tạo nguồn lợi, quan trọng hơn là tuyên truyền, vận động, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi hải sản. Một khi nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về phát triển nguồn lợi hải sản thì sẽ bảo vệ được môi trường biển, đa dạng sinh thái biển, nhất là sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân.

Tính đường dài bảo tồn biển

Các kết quả điều tra, nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy nguồn lợi thủy hải sản, hệ sinh thái thủy sinh, môi trường sống của các loài thủy hải sản suy giảm mạnh, nhất là vùng ven bờ.

Ngành thủy sản thả tôm sú giống ở khu vực rừng dừa Bảy Mẫu để tái tạo nguồn lợi . Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành thủy sản thả tôm sú giống ở khu vực rừng dừa Bảy Mẫu để tái tạo nguồn lợi . Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bởi vậy Bộ NN&PTNT triển khai chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 với mục tiêu phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 5% so với giai đoạn 2016 - 2020; phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển; tăng diện tích vùng biển được bảo tồn lên hơn 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trên cơ sở quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi, ngành thủy sản đang phân bố lại các không gian bảo tồn, bảo vệ, vùng cấm, vùng phục hồi hệ sinh thái, không gian cho khai thác bền vững phù hợp với cơ cấu nghề nghiệp, đối tượng và năng lực nghề cá.

Trên cơ sở chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 của bộ NN&PTNT, Quảng Nam xây dựng các mô hình đồng quản lý trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giao quyền quản lý cho tổ cộng đồng ở các địa phương ven biển.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, Quảng Nam tập trung mở rộng các khu bảo tồn, đầu tư phục hồi các rạn san hô, tảo biển, tái sinh loài nguy cấp, quý hiếm, giảm cường lực khai thác, giảm tàu khai thác ven bờ. Về chuyển đổi nghề, giúp ngư dân có nghề mới không phải đánh bắt hải sản hoặc tiếp cận nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển nguồn lợi vì sinh kế của ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO