Xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những bước đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về đào tạo, thu hút nhân tài, bước đầu gặt hái được một số kết quả khả quan.
Đầu tư mạnh cho trường chuyên
Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam không có trường THPT chuyên. Xuất phát từ yêu cầu tạo nguồn để tiếp tục đào tạo trở thành nhân tài, năm 2002, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được thành lập (đóng tại Tam Kỳ). Không dừng lại ở đó, sau 10 năm, thêm một ngôi trường chuyên nữa được ra đời là Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (đóng tại Hội An).
Các học viên là cán bộ nguồn của các sở, ban, ngành theo học lớp tiếng Anh do Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh tổ chức. |
Đến nay, Quảng Nam là một trong số rất ít tỉnh, thành phố trên cả nước thành lập 2 trường THPT chuyên, cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo những học sinh có học lực vượt trội; đồng thời tạo nguồn cho việc xây dựng đội ngũ tri thức đầu ngành cho tỉnh và đất nước. Quảng Nam cũng tập trung đầu tư ngân sách, mỗi ngôi trường gần 200 tỷ đồng để các trường có cơ ngơi khang trang, tiện nghi phục vụ việc dạy và học hiện đại và hiện nay cả 2 đã đạt chuẩn quốc gia. Với một địa phương còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư các ngành khác khá lớn nhưng tỉnh vẫn dành ra một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng 2 trường chuyên theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa.
Song điều đáng nói hơn là Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên các trường chuyên của tỉnh nhằm xây dựng và phát triển các trường chuyên thành trường có chất lượng giáo dục cao. Năm 2011, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 12 (ngày 19.7.2011) quy định một số chính sách đối với học sinh và giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. So với nhiều địa phương khác trên cả nước, Nghị quyết 12 được coi là chính sách mang tính ưu đãi vượt trội của tỉnh trong việc khuyến khích, hỗ trợ cho học sinh. Đến năm 2016, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 31 (8.12.2016) quy định chính sách đối với học sinh và giáo viên các trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021. Có sự thay đổi về chính sách song mục đích cuối cùng vẫn là tạo ra sự thu hút, khuyến khích học sinh giỏi trên địa bàn tỉnh vào học tại trường THPT chuyên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, ngoài chính sách quy định chung của Nhà nước, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh trường chuyên, hơn 4 năm qua ngân sách tỉnh đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng cho 2 trường chuyên; trong đó hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ cho học sinh. Nhờ đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào của các trường chuyên ngày càng được nâng lên. Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia những năm gần đây, Quảng Nam đều có trên 50% thí sinh dự thi đạt giải và đã có giải nhất, nhiều giải nhì cấp quốc gia, từng bước tạo được thương hiệu riêng cho tỉnh. Đến nay, đã có hơn 50 cựu học sinh trường chuyên đang du học, nghiên cứu sinh ở nước ngoài, một số ra trường trở về công tác tại các địa phương trong tỉnh.
Nhân lực chất lượng cao
Tháng 3.2014, UBND tỉnh tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam và Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Có 2 tiến sĩ, 5 thạc sĩ nhiều năm làm công tác giảng dạy, quản lý tham gia thi tuyển. Đây là lần đầu tiên tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh theo Quyết định 2222 (ngày 19.7.2013). Theo ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ, việc tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý Trường Đại học Quảng Nam và Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam là bước đột phá về công tác cán bộ của tỉnh, thực hiện cơ chế mới về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý với mong muốn tìm được đúng người tài, đức và đặt vào đúng chỗ để họ phát huy năng lực, sở trường của mình, góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. |
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm bằng việc ban hành một loạt cơ chế, chính sách về đào tạo, thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh; hỗ trợ cán bộ, công chức đi học sau đại học; thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh. Thời gian qua Quảng Nam đã ban hành rất nhiều đề án liên quan đến công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Về chính sách đào tạo, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện đồng loạt các đề án như cử học sinh tốt nghiệp THPT giỏi, xuất sắc của tỉnh đi đào tạo đại học ở nước ngoài theo Quyết định 13 (ngày 12.5.2014) của UBND tỉnh; thu hút bác sĩ, bác sĩ có trình độ sau đại học theo Quyết định 04 (ngày 4.3.2014); đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú theo Quyết định 05 (ngày 7.3.2014) của UBND tỉnh; cử sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của tỉnh đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài theo Quyết định 36 (ngày 30.12.2013) của UBND tỉnh. Riêng về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh cũng đã có các đề án như cử cán bộ, công chức, viên chức giỏi, xuất sắc đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài theo Quyết định 36 (ngày 30.12.2013) của UBND tỉnh; cử cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đi đào tạo thạc sĩ ở trong nước theo Quyết định 37 (ngày 30.12.2013) của UBND tỉnh.
Với chính sách thu hút và đào tạo đầy hấp dẫn đã góp phần giúp cho Quảng Nam bước đầu xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng. Tính đến nay, đã thu hút hơn 150 bác sĩ, bác sĩ nội trú, 32 người có trình độ sau đại học về làm việc tại tỉnh; tuyển dụng 520 sinh viên tốt nghiệp đại học để đào tạo lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trước khi bố trí công tác tại các xã, phường, thị trấn; tuyển chọn được 4 học sinh giỏi, xuất sắc Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tốt nghiệp THPT cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài, 2 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đi học thạc sĩ ở nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh đã cử 721 cán bộ, công chức đi học sau đại học (gồm 54 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 528 thạc sĩ và 139 bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I, bác sĩ nội trú)…
Vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chẳng hạn như chưa đủ lực để kéo các chuyên gia, cán bộ chuyên môn giỏi về tỉnh công tác, nhiều sinh viên xuất sắc là con em Quảng Nam chưa mặn mà với việc về quê hương làm việc, song có thể nói những kết quả trong thời gian qua đã cho thấy vùng đất Quảng Nam đầy năng động bước đầu đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển.
XUÂN PHÚ