Huyện Đông Giang định hình hướng đi bền vững cho nông - lâm nghiệp bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực, đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo thu nhập, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Kết quả bước đầu
Ở các xã Jơ Ngây, Mà Cooih và Kà Dăng, cây lòn bon bản địa chủ yếu mọc tự nhiên, quanh vườn nhà với quy mô phân tán nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng thấp, chưa tạo ra nguồn thu nhập cho người dân
“Năm 2015, UBND huyện giao Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện thực hiện dự án cải tạo năng suất, chất lượng lòn bon bản địa với 133 hộ tham gia. Chúng tôi dùng biện pháp kỹ thuật tác động vào 2.090 cây.
Sau một thời gian, lòn bon sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, đặc biệt tán cây phát triển rộng, chất lượng được cải thiện cho năng suất 200 - 250kg/cây” - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đông Giang, ông A Lăng Ôi chia sẻ.
Đến thời điểm này, người dân đang chăm sóc 14ha cây lòn bon mọc tự nhiên hoặc trồng trong vườn nhà, mang lại thu nhập ổn định.
Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập, giảm nghèo bền vững. Chẳng hạn với chè dây, loại đặc sản bản địa này mọc phân tán trong rừng khoảng 30ha và đã khoanh nuôi.
Ngoài ra, việc trồng tập trung, thâm canh cũng được thực hiện tại xã Tư và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Sản phẩm “chè dây Ra zéh” hiện có mặt trên thị trường. Là sản vật bản địa, ớt Ariêu ở xã Mà Cooi dần trở thành sản phẩm hàng hóa, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ven sườn đồi, người dân trồng chuối với tổng diện tích 750ha, năng suất đạt khoảng 200 tạ/ha. Cây chuối cho giá trị kinh tế tương đối cao, với lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha/năm.
Gần đây, huyện triển khai các dự án cải tạo nâng cao năng suất chất lượng giống, vì vậy mà sản lượng, chất lượng chuối cao hơn hẳn. Thực hiện dự án quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đông Giang cho trồng mới 65,6ha đinh lăng, ba kích tím, đảng sâm. Các loại cây như cao su, mây, quế Trà My cũng được trồng, đang sinh trưởng tốt.
Tìm hướng đi bền vững
Ông Hồ Quang Minh chia sẻ, Đông Giang sẽ đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và vùng nguyên liệu, dược liệu tập trung, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, liên kết sản xuất một cách bền vững.
Vận dụng linh hoạt, lồng ghép nguồn vốn các chương trình để phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách. Trong đó, huyện lưu ý nghiên cứu, tuyển chọn các loài cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa, có khả năng chống chịu gió bão, sạt lở.
Chuyển mạnh và hướng đến không trồng cây keo gần dân cư, sườn đồi, nơi có nguy cơ sạt lở cao để trồng cây ăn quả dài ngày. Ưu tiên trồng rừng tập trung, từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu.
Bám định hướng trên, Phòng NN&PTNT Đông Giang cho biết sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt chủ trương, chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Chú trọng hỗ trợ và đầu tư, tạo mối liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Xúc tiến và hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp. Huyện quan tâm tổ chức lại các mô hình, hình thức sản xuất nông nghiệp.
Như với trồng trọt, địa phương ưu tiên liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân tại các vùng sản xuất lúa rẫy Ba Trăng và lúa nhe mùa nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng cao, vừa bảo tồn nguồn gen giống. Rà soát, bố trí lại vùng sản xuất cây ăn quả với quy mô lớn khoảng 2.500ha.
Trên cơ sở quy hoạch sẵn có, Đông Giang tiếp tục nghiên cứu để bảo tồn và mở rộng vùng trồng cây dược liệu như hương nhu, dã quỳ, khúc khắc. Đánh giá lại kết quả trồng đảng sâm, ba kích, sa nhân thời gian vừa qua để có cơ sở phát triển trồng dược liệu khi có doanh nghiệp đầu tư liên kết.
Bên cạnh đó, trồng cây quế Trà My gắn với liên kết sản xuất và chế biến, quy mô mở rộng hơn 1.200ha. Với chăn nuôi, địa phương hướng đến chăn nuôi trang trại tập trung nhằm kiểm soát dịch bệnh, có điều kiện mở rộng quy mô, quản lý hiệu quả ô nhiễm môi trường.
Ông A Lăng Ôi cho biết, huyện đã phối hợp triển khai mô hình chăn nuôi heo cỏ địa phương an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm, đang chuẩn bị phân bổ 72 con heo đen và hướng dẫn cho 6 hộ dân thực hiện mô hình.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, Đông Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung đất bằng hình thức giao đất, cho thuê đất do xã quản lý, thuê quyền sử dụng đất của người dân.
Ký kết hợp đồng liên kết, trong đó doanh nghiệp đầu tư cây giống, kỹ thuật, hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng (FSC), người dân thì trồng rừng và bán sản phẩm lại cho công ty. Huyện dự kiến tổ chức phong trào thi đua trồng rừng gỗ lớn với các loại cây bản địa như dổi, kiền kiền, sao đen và phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1.000 hộ có đất rừng sản xuất trồng với diện tích trung bình mỗi hộ 1ha...