Phát triển nông nghiệp bền vững

NGUYỄN VĂN SỰ 15/03/2014 09:12

Những năm qua, huyện Điện Bàn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giúp nông dân xây dựng một ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, cho hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.

Canh tác lúa theo gói kỹ thuật mới

Ông Phan Phước Thăm – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Phong (huyện Điện Bàn) cho biết, 5 năm trở lại đây, nhờ ứng dụng hiệu quả quy trình canh tác mới nên năng suất lúa và chất lượng sản phẩm gạo ở vùng này không ngừng tăng lên. Đầu năm 2009, sau khi thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, được ngành nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật, nhiều hộ dân trên địa bàn xã triển khai mô hình sản xuất lúa theo chương trình ICM (3 giảm, 3 tăng) kết hợp với sử dụng công cụ sạ hàng. Từ đó đến nay vụ lúa nào Điện Phong cũng bội thu. Ông Thăm nói: “Hồi trước, phần lớn nông dân có tập quán sạ dày, mỗi sào lúa gieo ít nhất 6kg giống. Do vậy, cây lúa đẻ nhánh rất kém và thường bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại dẫn đến năng suất đạt thấp, chỉ chừng 250kg lúa khô/sào. Khi áp dụng mô hình này, lượng giống gieo sạ giảm 50%, mật độ vừa phải đã tạo điều kiện cho cây lúa quang hợp tốt, phát triển mạnh nên năng suất tăng lên 300 - 320kg khô/sào”.

Ứng dụng chương trình ICM trong canh tác lúa sẽ mang lại rất nhiều cái lợi cho nông dân.
Ứng dụng chương trình ICM trong canh tác lúa sẽ mang lại rất nhiều cái lợi cho nông dân.

Ông Phạm Thành Chung – Trưởng trạm Khuyến nông & khuyến lâm Điện Bàn cho biết, hiện nay mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 5.700ha lúa. Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn huy động, huyện đã đầu tư cả trăm tỷ đồng để xây dựng hệ thống thủy lợi. Nhờ vậy, đến thời điểm này số diện tích đất lúa vừa nêu đã chủ động nước tưới trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu. Trước hiệu quả thiết thực do chương trình ICM mang lại, từ năm 2008 đến nay Điện Bàn đặc biệt chú trọng đến việc nhân rộng mô hình này. Ông Chung nói: “Trong tổng số 5.700ha đất lúa thì hiện giờ mỗi vụ nông dân toàn huyện đưa ít nhất 2.000ha vào sản xuất theo chương trình ICM. Thực hiện mô hình này trên diện rộng đã giúp năng suất lúa bình quân tăng từ 56 - 57 tạ/ha lên 60 - 62 tạ/ha. Đồng thời, mỗi vụ 1ha nông dân còn tiết kiệm được 2 - 3 triệu đồng mua thuốc trừ sâu, phân bón và giảm được 60kg giống, hơn 50% công chăm sóc, tỉa dặm”.

Sản xuất rau quả an toàn

Trước nhu cầu lớn của thị trường, tháng 10.2012 Công ty CP Sản xuất & thương mại Việt Thiên Ngân (đóng tại Đà Nẵng) tiến hành làm việc với huyện Điện Bàn để thuê 12ha đất bãi thuộc thôn Thanh Chiêm 2 (xã Điện Phương) thực hiện dự án sản xuất rau quả an toàn. Ông Hồ Xuân Bình – Giám đốc Công ty CP Sản xuất & thương mại Việt Thiên Ngân cho biết, công ty thường xuyên gieo trồng 30 loại rau, đậu, quả. Nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, công ty dùng các loại phân chuồng, phân vi sinh, bánh dầu để bón cho cây. Đặc biệt, khi sâu bệnh xuất hiện và gây hại, đơn vị hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Khu vực chuyên canh rau quả an toàn của Công ty CP Sản xuất & thương mại Việt Thiên Ngân tại thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương.Ảnh: Văn Sự
Khu vực chuyên canh rau quả an toàn của Công ty CP Sản xuất & thương mại Việt Thiên Ngân tại thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương.Ảnh: Văn Sự

Không chỉ doanh nghiệp, những năm gần đây các ngành chuyên môn ở Điện Bàn cũng chú trọng đến việc hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Thống kê cho thấy, mỗi năm nông dân Điện Bàn canh tác khoảng 3.185ha rau đậu các loại. Ông Chung cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở 8 lớp tập huấn sản xuất rau quả an toàn cho ít nhất 800 hộ dân ở các vùng trọng điểm của xã Điện Ngọc, Điện Thọ, Điện Minh, Điện Nam Đông... Theo ông Chung, để hạn chế nguy cơ sâu bệnh gây hại, cơ quan chuyên ngành đã hướng dẫn nông dân cách vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất và hạt giống trước khi gieo trồng. Đồng thời giảm lượng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng những loại phân vi sinh. Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn cho biết, tính đến thời điểm này trong số 4.200ha đất màu trên toàn huyện thì đã có hơn 3.200ha chuyên canh, luân canh các loại rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng sản xuất hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Bình quân mỗi năm 1ha đất canh tác theo phương thức này mang lại cho nhà nông mức thu nhập 85 - 175 triệu đồng.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO