Phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh: Còn nhiều bất cập

TRẦN HỮU 11/12/2017 08:50

Từ hưởng lợi 100% nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phân cấp để lại cho chính quyền cấp huyện, nhiều địa phương mạnh dạn khai thác quỹ đất, làm nên diện mạo mới về hạ tầng ở khu dân cư đô thị lẫn nông thôn, khuấy động thị trường bất động sản. Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận, nhiều dự án khai thác kém hiệu quả, chuyển đổi mục đích nhiều diện tích đất lúa, có dấu hiệu đầu cơ đất…

Trong khi khai thác quỹ đất chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ thì một số chủ dự án đã treo bảng chào bán như thế này.
Trong khi khai thác quỹ đất chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ thì một số chủ dự án đã treo bảng chào bán như thế này.

Chậm triển khai

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản sôi động trở lại khiến nhiều địa phương có lợi thế về hạ tầng giao thông thu hút nhà đầu tư khai thác quỹ đất. Từ lợi thế hạ tầng khu vực ven biển đầu tư khá đồng bộ, tốc độ phát triển đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều nơi có nhu cầu khai thác đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Mô hình khu phố chợ kết hợp với khai thác quỹ đất thực hiện khá thành công ở nhiều nơi, nhưng cũng để lại không ít hệ lụy về chuyện quản lý quy hoạch sử dụng đất. Điển hình ở Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, hàng chục héc ta đất đã giao cho nhà đầu tư nhưng thực hiện cầm chừng, kéo dài tiến độ. Không ít nhà đầu tư lơi dụng dự án chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu cơ đất, đẩy cái khó về phía người bị thu hồi đất. Nhiều dự án khai thác quỹ đất chậm triển khai nên UBND tỉnh phải gia hạn kéo dài thi công thêm 2 năm. Điển hình, dự án đầu tư khu bãi tắm Viêm Đông do chủ đầu tư là Công ty CP Kinh doanh quản lý bất động sản Trung Kỳ - Viêm Đông; khu nghỉ mát và dịch vụ du lịch Malibu của Công ty TNHH Indochina dịch vụ du lịch Hà My; khu du lịch sinh thái biển của Công ty TNHH Du lịch sinh thái biển Hội An; khu du lịch sinh thái Cồn Bắp - Hội An của Công ty TNHH Sinh thái Cồn Bắp.

Kết quả thanh tra đất đai năm 2017, Sở Tài nguyên - môi trường cũng tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất, chấm dứt hoạt động đối với 4 dự án đầu tư tại Cụm công nghiệp Bồ Mưng (Công ty CP Thương mại Hùng Cường); nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Được (Công ty TNHH Đông An); dự án tại Cụm công nghiệp Bình Hòa, xã Bình Giang, Thăng Bình của Công ty CP Hoàng Khuyên; khu du lịch, dịch vụ biển của Công ty CP Lê Phan Resort.

Ngoài khu vực đô thị, ở nông thôn cũng tranh thủ khai thác quỹ đất. Kết quả giám sát chuyên đề khai thác quỹ đất của HĐND tỉnh cho thấy, do sức ép nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên các xã có khai thác quỹ đất, sử dụng đất trồng lúa dọc quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ trong khi dở dang kết cấu hạ tầng tập trung.

Nhiều bất cập

Theo thống kê, 6 chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên trực thuộc Trung tâm PTQĐ tỉnh từ ngày hợp nhất một cấp đã thực hiện dự án bồi thường, tái định cư với diện tích đất thu hồi 200ha, chi trả tiền được khoảng 75% tổng giá trị bồi thường. Riêng nguồn khai thác quỹ đất, từ đầu năm 2017 đến nay, 6 chi nhánh ở các địa phương kể trên tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất với diện tích hơn 3,4ha, với số tiền trúng đấu giá hơn 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, vừa qua UBND tỉnh quyết định bàn giao lại trung tâm PTQĐ các chi nhánh trực thuộc về cho 6 địa phương ven biển quản lý. Lý do là từ khi hoạt động theo mô hình một cấp đến nay, các chi nhánh trực thuộc không được UBND cấp huyện, thành phố, thị xã giao thực hiện tạo lập và khai thác quỹ đất. Các địa phương giao cho ban quản lý dự án, hoặc các phòng ban thuộc UBND cấp huyện thực hiện. Một số địa phương chỉ giao cho chi nhánh trực thuộc Trung tâm PTQĐ tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác quỹ đất lẻ nhưng nguồn kinh phí phục vụ nhiệm vụ này không được giao hoặc giao hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu quỹ đất sạch phục vụ phát triển đô thị, thương mại dịch vụ rất lớn nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa ban hành cơ chế tạo lập và phát triển quỹ đất; cơ chế tài chính sử dụng nguồn thu từ đất; quan hệ phối hợp, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Trung tâm PTQĐ tỉnh, các chi nhánh trực thuộc với UBND cấp huyện…

Theo ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, bất cập lộ diện là giám sát dự án đầu tư nhà ở theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) không rạch ròi cơ quan chịu trách nhiệm chính. Khâu lập thiết kế, dự toán, tư vấn giám sát, thi công dự án BT do nhà đầu tư thực hiện trong khi cơ quan quản lý nhà nước còn buông lỏng khâu thẩm định dự án, giám sát chất lượng công trình, tác động môi trường… “Rà soát, thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư thiếu chặt chẽ, chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa theo kịp yêu cầu tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên mỗi năm điều chỉnh, bổ sung hàng chục danh mục thu hồi đất ”  - ông Hồng lý giải nguyên nhân điều chỉnh danh mục thu hồi đất nhiều lần.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng đất sai phạm

Thanh tra sử dụng đất ở các địa phương phát hiện lỗi sai phạm chủ yếu như chậm nộp nghĩa vụ tài chính, triển khai dự án không đúng tiến độ, chưa đảm bảo trình tự thủ tục đất đai trước khi triển khai dự án. Đơn cử, qua thanh tra 18 doanh nghiệp, tổ chức sử dụng đất trên địa bàn huyện Duy Xuyên thì có đến 16 doanh nghiệp vi phạm Luật Đất đai, Luật Tài nguyên, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Thêm nữa, nguy cơ thất thoát nguồn thu phát sinh từ khai thác quỹ đất rất lớn. Tính đến ngày 25.5.2017, có 26 doanh nghiệp giao dịch bất động sản có trụ sở ngoài địa bàn tỉnh. Trong đó có 10 doanh nghiệp đăng ký thành lập chi nhánh tại tỉnh nhưng hình thức hạch toán phụ thuộc nên các chi nhánh này không kê khai đầy đủ các hoạt động bất động sản tại Quảng Nam.

Tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, một số ý kiến cho rằng, từ việc xác định giá đất cụ thể không gắn liền với thời điểm ban hành quyết định giao đất dẫn đến tình trạng chủ đầu tư kinh doanh bất động sản không quan tâm đến tiến độ đầu tư hạ tầng, lãng phí đất đai, làm thất thu ngân sách nhà nước…

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO