Nhiều chính sách của Trung ương và địa phương tạo điều kiện bảo vệ, phát triển rừng bền vững, không chỉ ở khu vực miền núi mà còn ở ven biển.
Trồng rừng ven biển ở xã Cẩm Thanh (TP.Hội An). Ảnh: T.H |
Hỗ trợ rừng phòng hộ ven biển
Năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có; nâng cao chất lượng 400.821ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng khu vực phía tây và 3.638ha rừng phòng hộ ven biển nhằm phát huy vai trò, chức năng của rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các công trình thủy điện, thủy lợi, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như sạt lở bờ sông, bờ biển, chắn gió, chắn cát, tạo cảnh quan ở các đô thị, các khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái. Các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên và TP.Tam Kỳ đang trong quá trình rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng, để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển. Tại TP.Hội An, chính quyền còn xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đã đầu tư xây dựng để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
Tại khu vực ven biển xã Tam Tiến (Núi Thành), từ năm 2016 đến nay do quản lý chặt chẽ nên không phát sinh ao nuôi tôm mới trên cát. Đối với diện tích đất quy hoạch để bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhưng người sử dụng đất tự ý chuyển đổi sai mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm thì Nhà nước thu hồi đất. Vùng ven biển từ Đà Nẵng - Hội An có hàng chục dự án ven biển đã triển khai xây dựng. Phần lớn dự án này đã phá sạch rừng dương lấy mặt bằng triển khai dự án. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, bây giờ chỉ điều chỉnh quy hoạch tăng diện tích rừng phòng hộ ở những vị trí mới, chưa giao đất cho nhà đầu tư. Tín hiệu vui là mới đây, Chính phủ đã ban hành quy định tăng mức hỗ trợ phát triển rừng phòng hộ ven biển. Cụ thể, mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 4 triệu đồng/ha trong thời gian 5 năm (bình quân 800 nghìn đồng/ha/năm); kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50 nghìn đồng/ha.
Lập ban chỉ đạo phát triển rừng
UBND tỉnh vừa lập Ban chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh làm Trưởng ban và 3 Phó Trưởng ban gồm: ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT (Phó Trưởng ban thường trực); ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Công an tỉnh; ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chính quyền cơ sở và chủ rừng thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và công tác quản lý rừng bền vững; tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền cơ sở.
Đồng thời ban chỉ đạo cũng điều hành việc phối hợp giữa các lực lượng liên ngành ở địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra liên ngành những khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao; đôn đốc và hướng dẫn chính quyền cơ sở, chủ rừng, các tổ chức có liên quan thực hiện có hiệu quả mục tiêu kế hoạch phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Trung ương và các văn bản pháp luật của tỉnh. Văn phòng ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, giúp trưởng ban cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ nêu trên của ban chỉ đạo; theo dõi, tham mưu ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện chương trình và lập kế hoạch thực hiện chương trình hằng năm; xác định các vùng trọng điểm về phá rừng và có nguy cơ cháy rừng cao; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo, triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó với những tình huống cấp bách và phức tạp trong quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, việc lập ban chỉ đạo để cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển rừng bền vững. Nhiệm vụ thường xuyên của ban là lập kế hoạch chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, giám sát trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các khu vực trọng điểm đã được xác định; tham mưu chỉ đạo công tác cảnh báo, dự báo cấp nguy cơ cháy rừng trong các tháng cao điểm mùa khô; hướng dẫn ban chỉ đạo cấp huyện, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan về tổ chức triển khai thực hiện phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
TRẦN HỮU