Phát triển rừng chưa bền vững

TRẦN HỮU 16/03/2018 14:35

Đánh giá về kế hoạch phát triển rừng và định hướng triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo tinh thần của Quyết định số 886 ngày 16.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ, ngành lâm nghiệp nhìn nhận còn hạn chế. Nổi cộm là chưa hoàn thành kế hoạch trồng rừng mới và giải ngân hết vốn các hạng mục bảo vệ, phát triển rừng suốt nhiều năm.

Từ chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, nhiều hộ dân miền núi có nguồn thu nhập kinh tế rừng. TRONG ẢNH: Đồng bào chăm sóc rừng ở xã Tà Pơơ (Nam Giang). Ảnh: T.H
Từ chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, nhiều hộ dân miền núi có nguồn thu nhập kinh tế rừng. TRONG ẢNH: Đồng bào chăm sóc rừng ở xã Tà Pơơ (Nam Giang). Ảnh: T.H

Chưa đạt chỉ tiêu trồng rừng

Giai đoạn 2011 - 2016, các chủ rừng lớn gồm 6 ban quản lý rừng phòng hộ A Vương, rừng phòng hộ Đắc Mi, Sông Tranh, Sông Kôn, Phú Ninh và Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đều tham gia dự án bảo vệ - phát triển rừng theo Quyết định số 57, ngày 9.1.2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020. Ở cấp huyện, thị xã, thành phố có 15 ban quản lý dự án triển khai với thời gian kéo dài 2011 - 2020. Điểm chú ý, trong kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ và sản xuất giai đoạn 2011 - 2016 phân bổ 6.581ha với hơn 40,7 tỷ đồng thì chỉ thực hiện 4.709ha (chiếm tỷ lệ hơn 71%) và giải ngân  hơn 23,3 tỷ đồng (đạt tỷ lệ hơn 57%). Ở hạng mục chăm sóc rừng phòng hộ và khoanh nuôi trồng bổ sung chuyển tiếp cũng không giải ngân hết vốn. Con số diện tích trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ lẫn khoán quản lý bảo vệ giảm theo các năm. Đơn cử, năm 2011 diện tích triển khai trồng rừng mới phòng hộ và sản xuất của tỉnh là 1.671ha, thì đến năm 2016 diện tích giảm xuống còn 799ha. Khoanh nuôi bảo vệ rừng 19.962ha, giảm còn 5.382ha. Năm 2011, diện tích giao khoán từ 34.543ha giảm xuống hiện nay còn 15.271ha.

Sở NN&PTNT đánh giá, khối lượng thực hiện các hạng mục lâm sinh hàng năm thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt trồng rừng phòng hộ đạt dưới 80% so với kế hoạch. Nguyên nhân địa điểm trồng rừng hiểm trở, không có đường ô tô và suất đầu tư hỗ trợ từ ngân sách thấp. Diện tích rừng tự nhiên giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo kế hoạch giảm do phần lớn diện tích giao khoán chuyển sang giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 99 ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thêm nữa, diện tích rừng do UBND xã quản lý phần lớn nằm ngoài vùng dự án nên chưa thể triển khai giao khoán bảo vệ rừng. Trong khi đó, tình trạng người dân phát rừng làm rẫy trên diện tích giao khoán tái diễn liên tục. Chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý dự án bảo vệ - phát triển rừng cấp huyện chỉ phát triển lâm sinh, không phải là chủ rừng nên không có thẩm quyền giải quyết các vụ lấn chiếm rừng và đất rừng. Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phân tích: “Triển khai kế hoạch phát triển rừng thời gian qua bộc lộ hạn chế còn do sự điều hành từ UBND huyện và ban chỉ đạo đến ban quản lý kế hoạch bảo vệ phát triển rừng chưa đồng bộ, nhất là từ khi sáp nhập hạt kiểm lâm huyện thành hạt kiểm lâm liên huyện”.

Vướng mắc với lâm nghiệp bền vững

Từ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, năm 2017 trên địa bàn tỉnh thực hiện khoán bảo vệ rừng phòng hộ 12.863ha, trong khi kế hoạch giao 17.184,5ha (đạt 75%); kế hoạch khoanh nuôi tái sinh rừng là 6.369ha nhưng chỉ thực hiện 4.552ha (đạt 71% kế hoạch). Còn thực hiện giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, báo cáo của 6 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Đại Lộc, Phước Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, thì thực hiện diện tích khoán bảo vệ rừng là 40.692ha. Các huyện còn lại đang lập hồ sơ thủ tục giao khoán quản lý bảo vệ rừng.

Ngày 16.6.2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 886 phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, năm 2017, Trung ương giao chỉ tiêu trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất cho Quảng Nam là 4.158ha (gồm rừng phòng hộ, đặc dụng 450ha; rừng sản xuất 3.500ha; trồng rừng thay thế 208ha). Tuy vậy, hầu như chỉ tiêu trồng rừng đặc dụng, phòng hộ không triển khai, trong khi trồng rừng sản xuất vượt chỉ tiêu gấp gần 3 lần. Năm qua, UBND tỉnh không phân bổ kinh phí đầu tư chăm sóc, trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng. Vì không có nguồn kinh phí lập hồ sơ giao khoán rừng đến hộ dân nên chủ rừng không thực hiện việc giao khoán rừng. Năm 2018, theo kế hoạch Trung ương giao trồng 9.855ha rừng với kinh phí hơn 137 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Minh Hưng cho rằng, việc chuyển từ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo Quyết định số 57 của Thủ tướng Chính phủ sang thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững còn nhiều bất cập. Đó là chưa xử lý tồn tại, rà soát chuyển đổi dự án, xây dựng dự án mới theo cơ chế quản lý của chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Thêm vào đó, cơ chế chính sách có nhiều thay đổi nên các đơn vị lúng túng thực hiện. Chính quyền địa phương và các chủ dự án là đối tượng trực tiếp xây dựng kế hoạch và triển khai chính sách đến người dân và các tổ chức, gần như chưa tiếp cận đầy đủ và hiểu rõ chương trình.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển rừng chưa bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO