Sâm nam thuộc họ đảng sâm, là cây bản địa ở Nam Trà My có giá trị kinh tế cao. Huyện đã xây dựng mô hình vận động nhân dân lập vườn trồng sâm tập trung để tăng thu nhập.
Dược liệu quý
Sâm nam mọc nhiều nhất là tại địa bàn xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang. Theo đồng bào Xê Đăng ở Nam Trà My, sâm nam có từ rất lâu đời và mỗi khi phát nương, tỉa rẫy thường dễ tìm thấy. Đây là cây dược liệu quý có tên khoa học là Campanumoea javanica Blume, thuộc họ hoa chuông, thân dây leo, phần gốc là củ chứa nhiều dược chất. Người Xê Đăng ở Nam Trà My thường đào lấy củ sâm nam để nhai cho khỏe cơ thể khi đi leo núi, giúp giải khát. Nhiều gia đình còn mang củ về nấu thành cao cho vào ống nứa cất giữ để chữa đau bụng cho trẻ em.
Theo nghiên cứu khoa học thì củ sâm nam có tác dụng tương tự nhân sâm như bổ gan, tăng lực, chống stress, hạ đường huyết, điều hòa miễn dịch… Theo già làng Hồ Văn Thắng ở làng Tắc Pong (xã Trà Cang), củ sâm nam được người địa phương gọi là tắk tổ, sau khi đốt rẫy, lá sâm bắt đầu nảy mầm và được khai thác mang về sử dụng. Sâm mọc rất nhiều ngoài tự nhiên nên có củ nặng tới 1kg. Già Thắng bảo, khi đi rừng nếu đói bụng, khát nước, chỉ cần đào củ sâm nam mọc bên đường ăn vào là khỏe ngay. “Mấy năm trước sâm nam mọc nhiều trên núi không làm gì cho hết nhưng gần đây người Kinh mua về ngâm rượu nên dân làng vào rừng đào củ về bán, sâm cũng ít dần” – già Thắng cho biết.
Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách cắm cây cho sâm nam phát triển. |
Do có tác dụng bồi bổ sức khỏe nên sâm nam được thu mua rất mạnh dùng để ngâm rượu hoặc sắc nước uống. Thời điểm trước Tết Ất Mùi cả huyện không có sâm nam để bán. Nhiều tiểu thương phải qua Kon Tum nhập hàng về cung ứng nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Hiện ở Nam Trà My mỗi ký củ sâm nam tươi có giá bán khoảng 100 nghìn đồng, có lúc lên đến 150 nghìn đồng. Nhận thấy tiềm năng kinh tế lớn từ loại sâm này nên huyện Nam Trà My đã xây dựng đề án phát triển cây sâm nam, giao cho Trạm Dịch vụ kỹ thuật tổng hợp nông nghiệp (DVKTTHNN) huyện triển khai. Đây là loại dược liệu rất dễ trồng, thích nghi tốt trên đất đồi núi. Chỉ cần lấy củ sâm non, cắt theo kiểu mặt môn chôn xuống đất là sâm sẽ phát triển. Trạm DVKTTHNN Nam Trà My đã triển khai thí điểm mô hình lập vườn trồng sâm nam tập trung tại xã Trà Cang với 15 hộ tham gia. Ban đầu mỗi hộ được cấp 15 kg củ sâm giống (tương đương 300 cây giống) đưa vào trồng trên đất rẫy. Sau 6 tháng sẽ thu hoạch củ cung ứng ra thị trường. Bình quân 3 củ sâm sẽ đạt trọng lượng 1kg và với 15kg sâm giống sẽ cho sản lượng 1 tạ có thể đem về 10 triệu đồng cho người dân. Anh Hồ Văn Nia ở xã Trà Cang đã dành hơn 500m2 đất rẫy để trồng 15kg sâm giống. Qua 3 tháng cho thấy tỷ lệ sâm sinh trưởng đạt trên 90%. “Trồng sâm nam khỏe hơn trồng lúa, không cần tưới nước, bỏ phân. Nhiều ngưởi hỏi mua sâm củ nhưng tôi không bán vì để làm giống, tới đây sẽ mở rộng vườn trồng” – anh Nia nói.
Củ sâm nam 3 tháng trồng tại vườn có trọng lượng gần 3 lạng.Ảnh: H.T |
Khuyến khích nhân rộng
Theo kỹ sư Trịnh Minh Hải – Trưởng trạm DVKTTHNN Nam Trà My, chính việc khai thác một cách tận diệt trong nhân dân đã khiến sâm nam tự nhiên cạn kiệt. Mặc dù loại cây này có giá trị kinh tế cao nhưng chưa có hộ dân nào đứng ra lập vườn, trồng tập trung. Vì thế mục đích của mô hình này là giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững. Cây sâm nam có thể trồng xen canh với các loại hoa màu khác trên đất rẫy nên bà con tiện việc chăm bón, làm cỏ. Ông Hải cho biết: “Ưu điểm của cây sâm nam là rất dễ trồng, nguồn giống ngoài tự nhiên nhiều, không cần phân bón nên ít tốn chi phí đầu tư. Ở một huyện đất nương rẫy bỏ không khá nhiều nên mô hình phát triển cây sâm nam tập trung là hướng đi mới để giải quyết chuyện đói nghèo cho người dân”.
Kỹ sư Hải cũng cho hay, cùng với việc phát triển các vườn sâm nam tập trung tại Trà Cang thì Trạm DVKTTHNN huyện cũng đã tiến hành trồng thực nghiệm tại các xã vùng thấp của huyện. Qua kiểm định cho thấy sâm nam thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng và phát triển khá tốt nên tới đây sẽ mở rộng mô hình tại các xã còn lại. Trạm cũng sẽ liên hệ với các tiểu thương để bao tiêu sản phẩm cho người dân với mức giá ổn định. Nếu so sánh mô hình này với việc tỉa lúa rẫy, bắp thì sâm nam đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – ông Trần Văn Mẫn cho biết, chủ trương của huyện là khuyến khích nhân dân phát triển các loại cây trồng bản địa cho thu nhập cao. Trong đó ưu tiên những cây ngắn ngày để giải quyết chuyện đói nghèo, còn chuyện làm giàu thì huyện đang triển khai cây mắc ca, giổi rừng, sâm Ngọc Linh… “Là địa bàn miền núi cao với số đông người dân là đồng bào thiểu số nên muốn thoát nghèo bền vững thì phải chú trọng các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Không riêng gì sâm nam mà hiện tại huyện cũng đang xây dựng các đề án phát triển cây dược liệu khác. Mục đích phải tăng nguồn thu nhập hằng năm cho các hộ, từ đó bà con sẽ thoát được nghèo đói” – ông Mẫn khẳng định.
HOÀNG THỌ