Chính quyền huyện Đông Giang đang áp dụng nhiều giải pháp với kỳ vọng sẽ đưa ớt ariêu ở xã Ma Cooih phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Bởi, giống ớt này mang hương vị rất riêng của núi rừng Đông Giang.
Năm 2014, sản phẩm ớt ariêu muối của gia đình anh Alăng Trung (xã Ma Cooih) đoạt giải C Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam, được UBND tỉnh cấp chứng nhận. Đây là động lực để gia đình anh Trung và các hộ dân khác ở thôn A Sờ nói riêng, xã Ma Cooih nói chung tập trung chăm sóc, vun trồng cây ớt mang hương vị đặc trưng của núi rừng quê hương.
Không riêng anh Trung, đồng bào nơi đây cũng kỳ vọng ớt ariêu sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định hơn. Nhận thấy được tiềm năng của loại cây có mùi thơm, cay nồng này, tháng 5.2014, huyện Đông Giang đã ban hành quyết định về phát triển sản phẩm ớt ariêu theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã Ma Cooih giai đoạn 2014 - 2016. Tổ hợp tác sản xuất ớt ariêu Đông Giang cũng ra đời và thu hút 14 thành viên tham gia. Chuyển đổi một số diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng ớt, đời sống người dân cải thiện đáng kể, có hộ thu nhập 3 triệu đồng/tháng nên có điều kiện mua sắm đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Tuy nhiên, người dân Ma Cooih do chưa có kinh nghiệm vì vậy mà ớt trồng cho ra ít quả, một số cây bị ốc sên, dế gây hại.
Một vườn ươm ớt giống ariêu ở thôn A Sờ. Ảnh: C.TÚ |
Sát cánh cùng đồng bào, các cấp, ngành đã hỗ trợ vốn xây dựng thương hiệu với diện tích trồng ớt hơn 6ha, chủ yếu ở các thôn Abông, A Sờ, Azal. Tổ hợp tác sản xuất ớt phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền về kỹ thuật trồng cho bà con, cùng với những chế độ ưu đãi như hỗ trợ phân bón, kỹ thuật… UBND xã Ma Cooih còn tổ chức họp dân thống nhất chọn những người có kinh nghiệm gieo ươm cây giống. Khi cây con đạt độ cao 10 - 15cm và được cán bộ kỹ thuật xác nhận đủ tiêu chuẩn thì cung cấp cho các hộ trong tổ đem trồng. Ngày 16.12.2015, tổ hợp tác được chuyển đổi thành Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Ma Cooih, số xã viên tham gia trồng ớt tăng thành 33 người. Ngoài việc chăm sóc ớt mọc tự nhiên trên rẫy, đồng bào còn trồng dặm vào chỗ trống hoặc thâm canh tập trung ở nhiều điểm.
Theo ông Trần Quốc Trí - Phó ban Nông nghiệp xã, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Ma Cooih, năm vừa qua, địa phương trồng tổng cộng 10 nghìn cây ớt. Cũng trong năm 2015, diện tích trồng thời gian đầu cho thu hoạch 400kg, hợp tác xã muối được 2.500 hộp và bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh với tổng trị giá gần 130 triệu đồng. Ông Trí không quên khoe với chúng tôi: “Đầu năm 2016, một Việt kiều về nước đã mua 50 hộp để mang qua Mỹ làm quà tặng”. Rồi thật bất ngờ, Giám đốc Hợp tác Nông lâm nghiệp Ma Cooih bày tỏ sự tiếc nuối khi cho biết, bản thân mới vừa nhận 3 cuộc gọi đặt hàng từ TP.Hồ Chí Minh nhưng ớt thương phẩm “cháy” không còn. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong năm 2016, xã Ma Cooih dự kiến trồng thêm 20 nghìn cây ớt ariêu trên địa bàn cả 7 thôn, sản phẩm cung cấp dự kiến khoảng 12 nghìn lọ ớt muối.
Ớt ariêu mọc hoang trên đồi núi, cây con nẩy rộ sau những trận mưa nguồn, lâu nay sinh sản phát tán thông qua những loài chim ăn hạt (chủ yếu là chim chào mào). Ớt có hương vị rất riêng, độ cay nồng vừa phải. Ông Trần Quốc Trí cho biết, nếu bây giờ đem trồng cây ớt ariêu ở vùng đất phù sa màu mỡ thì nó sẽ mất đi hương vị đặc biệt. |
Phó Chủ tịch UBND xã - bà Alăng Thị Trâm khẳng định, mục tiêu đặt ra là dân làm, dân hưởng là chính. Nhà nước chỉ hỗ trợ về giống, phân vi sinh và kali, lọ đựng, nhãn mác, tập huấn chuyển giao kỹ thuật. Giống được đưa vào canh tác phải là giống ớt bản địa, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương thì quả mới có mùi thơm độc lạ. Ngoài việc đối ứng về giá trị cây ớt (50%), giá trị lọ đựng và nhãn mác (50%), nông dân còn phải lo tro bếp, muối dầm, công lao động và chăm sóc. Xã Ma Cooih cũng chỉ đạo Ban nông nghiệp lập kế hoạch chi tiết, cụ thể để tổ chức hướng dẫn nhân dân sản xuất, thực hiện các mục tiêu dự án phù hợp thực tế địa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã để liên kết sản xuất giữa các hộ, tạo ra vùng sản xuất ớt chuyên canh, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa.
Nhằm khắc phục thực trạng mùa nóng ớt ra quả ít hoặc “tịt ngòi” do khô hạn, lãnh đạo Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Ma Cooih cho hay, UBND huyện đang chỉ đạo triển khai một vài mô hình tưới nhỏ giọt. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Tấn Tuân thông tin thêm, ngành chức năng sẽ tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã đưa sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang còn hỗ trợ trang thiết bị bảo quản ớt ariêu (trị giá 38 triệu đồng). Đồng thời huyện đã thực hiện xong các thủ tục gửi cấp có thẩm quyền, bộ ngành chức năng để đăng ký chứng nhận “Ớt Ariêu Ma Cooih” là nhãn hiệu tập thể độc quyền.
CÔNG TÚ