Các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm ở huyện Núi Thành còn gặp một số vướng mắc cần giải quyết để thực hiện tốt hơn…
Những dự án triển vọng
Giai đoạn 2018 - 2020, huyện Núi Thành có 29 dự án được phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đa số dự án có quy mô nhỏ, nhưng đạt hiệu quả, được nông dân mở rộng sản xuất. Như các dự án liên kết sản xuất nấm linh chi của Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải - Tam Quang; sản xuất chè Đức Phú của Tổ hợp tác chè Đức Phú - Tam Sơn; sản xuất và tiêu thụ nếp bầu Tam Mỹ của Hợp tác xã Nông nghiệp - du lịch - dịch vụ Tam Mỹ Tây; sản xuất nấm bào ngư của Hội Nông dân xã Tam Xuân 2; sản xuất bưởi da xanh của Công ty Đầu tư và phát triển Đất Quảng Star - Tam Xuân 1; nuôi gà Đông Tảo, gà sao của Công ty TNHH MTV Ân Cát - Tam Hiệp; sản xuất rau câu chỉ vàng của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hòa; sản xuất rượu gạo Bàn Than - Tam Hải của Hợp tác xã Thuận An...
Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho hay, từ năm 2018, khi triển khai thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ để phát triển sản xuất đạt cao hơn. Đặc biệt, phát triển được nhiều đối tượng sản xuất với sản phẩm ổn định, chất lượng, thị trường đầu ra đảm bảo, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Mặt khác, thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tạo ra chuỗi sản xuất ổn định, hình thành sản phẩm OCOP tại địa phương như nếp bầu Tam Mỹ, rau câu chỉ vàng, dầu phụng, chè Đức Phú, nấm bào ngư, nấm linh chi, dầu mè…
Khó khăn và đề xuất
Qua thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm ở huyện Núi Thành cho thấy, chính quyền một số xã còn lúng trong việc tìm ra giải pháp để giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của trung ương. Mặt khác, theo quy định, hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất chuỗi giá trị yêu cầu phải có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là nội dung khó đối với các địa phương, do vậy, giai đoạn 2018 - 2020, huyện Núi Thành có 8 xã không thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, theo đó số kinh phí sự nghiệp không giải ngân hết bị thu hồi về ngân sách cấp trên đến hơn 1,1 tỷ đồng.
Theo ông Linh, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc chọn cơ quan, đơn vị chủ trì triển khai dự án. Bên cạnh đó, đa số dự án phát triển sản xuất có quy mô nhỏ nên việc hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Việc hợp đồng tiêu thụ đối với các sản phẩm của dự án có đối tượng sản xuất là cây lâu năm như cây ăn quả, chè, gỗ… thường sau 4 năm mới có sản phẩm thu hoạch thì việc ký hợp đồng tiêu thụ khi mới lập dự án sản xuất gặp rất nhiều trở ngại, rất khó tìm ra đơn vị bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, từ những kết quả đạt được và nhận rõ những vướng mắc, huyện Núi Thành đang tích cực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trước hết, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương đã có dự án được phê duyệt trong năm 2020 kiểm tra, rà soát đảm bảo quy định tại Quyết định 4129 của UBND tỉnh để đề nghị UBND huyện điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo triển khai thực hiện sớm. UBND huyện chỉ đạo các xã chọn đối tượng phát triển sản xuất và người dân được hỗ trợ đúng quy định để đăng ký với huyện, thực hiện các quy trình nhằm triển khai dự án phát triển sản xuất kịp thời.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Núi Thành kiến nghị, đề xuất cấp trên giảm số lượng hồ sơ đăng ký dự án. Đối với các dự án quy mô sản xuất nhỏ, số lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nhỏ lẻ ở địa phương thì chỉ cần đơn vị chủ trì và chủ nhiệm dự án trình bày trước Hội đồng đánh giá dự án phát triển sản xuất của huyện về khả năng và tính khả thi của dự án trong tiêu thụ sản phẩm để Hội đồng xem xét, quyết định chứ không nhất thiết phải có hợp đồng tiêu thụ.
Đối với các dự án sau nhiều năm mới có sản phẩm như cây ăn quả, chè, gỗ..., đề xuất không nhất thiết yêu cầu phải có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mà có thể trình bày bảo vệ dự án trước Hội đồng đánh giá của huyện về khả năng và tính khả thi của dự án, về việc xúc tiến hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong thời gian dự án chưa có sản phẩm để Hội đồng xem xét tính khả thi và quyết định thông qua. Có như vậy, việc thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới đạt hiệu quả cao hơn.