Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam, mô hình nông nghiệp “thuận thiên” được hiểu là phát triển sinh kế bền vững cho người dân gắn với bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học một cách tự nhiên, tránh khai thác tài nguyên một cách cạn kiệt. Với hướng đi đó, sau 2 năm triển khai tại Quảng Nam, các dự án “thuận thiên” do WWF Việt Nam tài trợ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp đã mang lại nhiều mô hình sinh kế bền vững cho người dân.
Ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc điều hành WWF - Việt Nam cho biết, Quảng Nam có độ che phủ rừng tự nhiên còn khá lớn, nhất là ở khu vực miền núi có đến gần 67%. WWF xác định đây là vùng ưu tiên để phát triển sinh kế “thuận thiên”. Điều quan trọng là sinh kế phải phù hợp với chính sách của tỉnh, nhưng cũng duy trì và phát huy giá trị đa dạng sinh học.
Ông Thịnh nói: “WWF đã làm việc và hỗ trợ các doanh nghiệp Quảng Nam như Công ty Lục Đông, Công ty Sâm Sâm, Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam... xây dựng dự án, tiếp cận hồ sơ vay vốn từ Quỹ khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD), Quỹ phục hồi vùng cảnh quan (LRF).
Hoạt động này đã góp phần mang đến sinh kế bền vững cho hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Phước Sơn... Cùng với đó, hệ sinh thái rừng được giữ nghiêm ngặt, nguồn tài nguyên thiên nhiên được khôi phục và phát triển”.
Khi tiếp cận các dự án “thuận thiên” tại Quảng Nam, nhất là nguồn vốn của DFCD, thời gian qua, Công ty Sâm Sâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ 100 hộ đồng bào Xê Đăng ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.
Trong đó, thành lập nhóm tư vấn đến trực tiếp từng hộ dân, tìm hiểu đời sống, văn hóa, nắm bắt thông tin về việc trồng sâm Ngọc Linh, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh; cấp 1.000 cây sâm giống 1 năm tuổi cho 100 hộ dân...
Chị Hồ Thị Thiết, ở thôn 1, xã Trà Linh cho biết: “Lâu nay tình trạng sâm một năm tuổi bị sâu bệnh, rồi nạn chuột cắn phá, trộm sâm... làm bà con rất lo lắng. Giờ được nhóm tư vấn của Công ty Sâm Sâm đến tận nhà trao đổi, hướng dẫn như thế này, bà con yên tâm rồi, mong sao công ty tiếp tục hỗ trợ cây giống cho bà con chúng tôi”.
Theo ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Sâm Sâm, không chỉ cung cấp kiến thức, tạo sự đồng thuận của người dân, đơn vị còn góp phần giữ rừng nguyên sinh với độ che phủ rừng trên 80% để trồng sâm.
Ngoài 100 hộ đồng bào Xê Đăng được tiếp cận dự án phát triển chuỗi giá trị bền vững sâm Ngọc Linh, công ty còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
“Giai đoạn 2 của dự án, chúng tôi sẽ triển khai tại 5 xã với 500 hộ ở Nam Trà My tham gia hưởng lợi. Chúng tôi cam kết sự phát triển của doanh nghiệp luôn gắn liền với sinh kế bền vững cho bà con, cũng như bảo vệ nguyên trạng diện tích rừng tự nhiên hiện có.
Ngoài các quỹ quốc tế, mong sao Nhà nước cũng có những cơ chế hỗ trợ để khuyến khích xây dựng mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất chuỗi giá trị bền vững của cây sâm Ngọc Linh theo hướng thuận thiên” - ông Lực nói.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thông qua WWF, nhiều doanh nghiệp Quảng Nam đã làm rất tốt việc tiếp cận các nguồn tài chính, vốn ưu đãi, làm được các chứng chỉ có tính sinh thái để khi đưa ra thị trường mang lại giá trị kinh tế cao.
“Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao dự án phát triển bền vững chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh của Công ty Sâm Sâm. Bởi cây sâm Ngọc Linh giờ không còn là của riêng Quảng Nam, mà được nâng tầm lên sản phẩm sâm quốc gia. Và cách tiếp cận dự án của Công ty Sâm sâm không chỉ tạo ra lợi ích sinh kế cho người dân, mà còn xây dựng thương hiệu mang tính xanh, bền vững cho cây sâm Việt Nam”.