Phát triển tam nông ở Thăng Bình: Chuyển biến tích cực, đồng bộ

VIỆT NGUYỄN 06/07/2018 09:11

Bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội huyện Thăng Bình đã có nhiều khởi sắc qua 10 năm thực hiện chiến lược phát triển tam nông.

Người dân áp dụng công cụ sạ hàng trên cánh đồng tập trung ở xã Bình Đào.  Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân áp dụng công cụ sạ hàng trên cánh đồng tập trung ở xã Bình Đào. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Sản xuất hàng hóa

Chủ trương dồn điển đổi thửa, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện Thăng Bình đã đi vào cuộc sống với kết quả khả quan. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, qua triển khai quy hoạch cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 6.182ha. Qua đó, đã chỉnh trang lại đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi.

Nhiều cánh đồng mẫu lớn ở Bình Đào, Bình Tú, Bình Trung sản xuất lúa gạo chất lượng cao qua liên kết với các công ty giống cây trồng trong cả nước. Các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn 22 xã, thị trấn đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng giống sản xuất cho nông dân và cung cấp sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp sau thu hoạch. Để nâng cao giá trị sản phẩm, nhiều HTX đã sơ chế, chế biến các sản phẩm dầu mè, dầu phụng, rau sạch được thị trường đón nhận. Các HTX đã năng động thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất như cơ giới hóa đồng ruộng, công cụ sạ hàng, thu hoạch lúa, nông sản bằng máy gặt đập liên hợp. Trong chăn nuôi, từ thành quả của mô hình liên kết giữa các HTX với Công ty Thái Việt, huyện có kế hoạch nhân rộng trong thời gian đến.

Thăng Bình cũng mạnh dạn nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Đáng kể là giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha canh tác bình quân đạt 67,42 triệu đồng/năm (tăng gần 40 triệu đồng so với năm 2008), giá trị sản phẩm thủy sản trên 1ha canh tác bình quân đạt 434,25 triệu đồng/năm (tăng 100 triệu đồng so với năm 2008). Có thể kể đến các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nổi bật là máy móc cơ giới hóa, sử dụng giống lúa mới, sử dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, tập trung thâm canh, tích cực phòng trừ sâu bệnh, áp dụng nguyên tắc bình thông nhau vào xây dựng kênh tưới nội đồng bằng ống nhựa kín để tiết kiệm nước tưới cây trồng...

Chuyển biến sâu rộng

Đến nay, Thăng Bình có 10/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã kiên cố hóa bằng bê tông và thảm nhựa được 150,23km đường ĐH, nâng tổng số đường ĐH được bê tông xi măng và thâm nhập nhựa là 229/299km; các tuyến đường ĐX bằng bê tông và thảm nhựa được 30km, nâng tổng số ki lô mét đường ĐX được đầu tư mới là 155,7/204,8km. Theo ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, các chương trình kiên cố hóa trường học, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, xây dựng trạm y tế, nâng cấp trụ sở làm việc, xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa thôn, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ được địa phương huy động nhiều nguồn lực để triển khai hiệu quả trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh. Tổng giá trị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn trong 10 năm qua đạt 1.366,059 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo thu được nhiều thành quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,24% (năm 2017), bình quân hàng năm giảm 2,3%. Công tác bồi dưỡng, đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm, bình quân giải quyết việc làm được hơn 3.000 lao động/năm. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52,27%; số lao động phi nông nghiệp 58,96%. Sự nghiệp GD&ĐT tiếp tục phát triển, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm đều tăng. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, đến nay có 55/74 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài tiếp tục được đẩy mạnh, 100% xã đã có trung tâm học tập cộng đồng. Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân có bước chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ không ngừng phát triển, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Toàn huyện có 65 bác sĩ (tăng 33 bác sĩ so với năm 2008), đạt tỷ lệ 3,51 bác sĩ/vạn dân. Tổng số giường bệnh tại bệnh viện trong huyện là 395 giường (tăng 63 giường so với năm 2008, đạt 21.35 giường/vạn dân. Công tác y tế dự phòng được quan tâm, các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm được triển khai kịp thời, hiệu quả.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển tam nông ở Thăng Bình: Chuyển biến tích cực, đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO