Phát triển thiếu tính bền vững

NGUYỄN SỰ 17/06/2015 09:21

Những năm qua, nhờ nỗ lực thực hiện nhiều khâu nên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi của tỉnh đã có bước chuyển biến rõ nét, tuy nhiên vẫn chưa thực sự mạnh mẽ và bền vững. Trong khi đó, thời tiết ngày càng khắc nghiệt và giá cả nông sản vẫn bấp bênh.

Nhỏ lẻ và nhiều rủi ro

Theo ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT, mỗi mùa vụ hằng năm, nông dân toàn tỉnh gieo sạ khoảng 43.000ha lúa. Từ ngày tái lập tỉnh đến nay nhờ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, chuyển giao kỹ thuật nên nhiều nơi liên tục được mùa. Nếu thời điểm năm 2000 năng suất lúa bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 35 tạ/ha thì nay tăng lên hơn 56 tạ/ha. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tuy đã tạo được bước đột phá nhưng thực tế cho thấy việc sản xuất lúa vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Đông xuân năm nay nông dân toàn tỉnh sản xuất 43.470ha lúa, trong đó chủ động tưới 38.469ha, phụ thuộc nước trời 5.001ha. Theo thống kê, năng suất bình quân chỉ đạt 55,7 tạ/ha, thấp hơn năm trước 1,2 tạ/ha”.

Việc sản xuất các loại cây trồng luôn đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai gây ra.
Việc sản xuất các loại cây trồng luôn đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai gây ra.

Không chỉ mưa lũ bất thường, những năm qua tình trạng hạn hán cũng xảy ra ngày càng khốc liệt khiến việc sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Còn nhớ, hè thu 2012 do nắng hạn hoành hành trên diện rộng, nước mặn liên tục xâm nhập vào hạ lưu các con sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của hàng loạt cánh đồng lúa khiến năng suất bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 47,5 tạ/ha, giảm 4 - 5 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất của những năm trước. Theo ngành nông nghiệp, hè thu 2015 được dự báo sẽ xảy ra khô hạn nặng từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 8 dương lịch vì nhiều khả năng lượng mưa ít hơn và nền nhiệt độ cao hơn mức trung bình nhiều năm. Đặc biệt, dòng chảy trên các con sông tiếp tục giảm dần, duy trì ở mức thấp và tình trạng xâm nhập mặn cũng sẽ diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình trên, cơ quan chuyên môn dự tính trong vụ này Quảng Nam sẽ có gần 15.000ha lúa và rau màu bị thiếu nước tưới. Ông Huỳnh Tấn Đức chia sẻ: “Những năm qua, tuy ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã cố gắng thiết lập khung thời vụ thích hợp, đồng thời chủ trương đưa hàng loạt loại giống lúa mới trung – ngắn ngày có chất lượng cao vào sản xuất đại trà nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, hạn chế các yếu tố bất lợi của thời tiết nhưng do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên việc canh tác vẫn còn gặp nhiều rủi ro. Đợt mưa lũ bất thường xuất hiện hồi cuối tháng 3 vừa qua khiến lúa đông xuân 2014 - 2015 mất mùa trên diện rộng là ngoài dự lường của chúng tôi”.

Vụ hè thu nào người dân cũng phải nai lưng chống hạn. Ảnh: N.SỰ
Vụ hè thu nào người dân cũng phải nai lưng chống hạn. Ảnh: N.SỰ

Muốn xóa bỏ tình trạng đất đai manh mún, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nhằm góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích thì nhất thiết phải đặc biệt chú trọng đến công tác dồn điền đổi thửa. Dù những năm qua ngành liên quan và chính quyền các địa phương đã nỗ lực thực hiện khâu này nhưng xem ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế phát triển sản xuất. Theo thống kê, ngoài 43.000ha lúa thì mỗi vụ nông dân Quảng Nam còn canh tác hơn 37.000ha rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày. Thế nhưng, hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có xấp xỉ 17.500ha đất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa, trong số đó đã hình thành được 131 cánh đồng mẫu với tổng diện tích 4.955ha. Rõ ràng, một khi đất canh tác vẫn còn phân tán nhỏ lẻ thì nông dân sẽ rất khó xây dựng những vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung.

Giá cả bấp bênh

Ông Trần Ngọc Bằng – Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, sau khi tiến hành cải tạo đồng ruộng, địa phương quy hoạch xây dựng nhiều vùng chuyên canh cây dưa hấu với tổng diện tích hơn 537ha, tập trung chủ yếu tại các xã Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thành, Tam Đàn, Tam An, Tam Vinh. Vụ đông xuân năm ngoái nhờ thời tiết thuận lợi nên bình quân 1ha dưa hấu nông dân Phú Ninh thu về 28,3 tấn quả, bán tại ruộng với giá 1 tấn là 4,5 triệu đồng, tổng giá trị đạt được hơn 127 triệu đồng/ha. Còn đông xuân năm nay, do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt mưa lũ hồi cuối tháng 3 nên sản lượng dưa hấu ở Phú Ninh tụt giảm mạnh, 1ha chỉ thu được 21 tấn quả, thấp hơn vụ trước 7,3 tấn quả. Ông Bằng nói: “Sản lượng mất đã đành, đằng này giá dưa hấu trên thị trường cũng giảm sút. Mùa trước, 1 tấn dưa nông dân bán được 4,5 triệu đồng, còn vụ này thì rớt xuống dưới 3 triệu đồng khiến nông dân gặp nhiều khó khăn”.
Giá cả nông sản bấp bênh là nỗi lo của nông dân trên toàn tỉnh. Trong vòng hơn một tháng trở lại đây nhà nông xứ Quảng lại một phen thấp thỏm bởi giá lúa thương phẩm rớt thê thảm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, với tổng diện tích 43.470ha đất canh tác, vụ đông xuân này nông dân trên địa bàn tỉnh thu được 241.930 tấn lúa, trong đó có chừng 60 - 70% sản lượng được người dân bán ra thị trường để lấy tiền thanh toán các khoản chi phí. Thế nhưng, như một quy luật tất yếu, cứ mỗi khi nhà nông bước vào mùa gặt thì giá lúa thương phẩm lại tụt giảm mạnh. Ông Phan Phước Thăm – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) than phiền: “Hồi giữa vụ đông xuân, bình quân 1kg lúa thuần có giá 5.800 - 6.000 đồng. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 4.2015, khi Quảng Nam tiến hành thu hoạch rộ thì giá lúa rớt xuống còn 4.800 - 5.000 đồng/kg và cứ duy trì ở mức đó đến tận thời điểm này. Nhà nông, mọi khoản chi tiêu chỉ biết trông chờ vào cây lúa là chính. Giá lúa thương phẩm rớt là đồng nghĩa với việc nông dân phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó nguồn lực để tái đầu tư thêm eo hẹp”.

Đâu chỉ dưa hấu và lúa, hàng chục năm qua giá nhiều loại cây trồng chủ lực khác như bắp, đậu phụng, bí đao và rau các loại cũng đều do tư thương định đoạt. Một khi tư thương nắm cái cán, nhà nông cầm đằng lưỡi thì hẳn nhiên phần thua thiệt luôn thuộc về người sản xuất. Ông Huỳnh Tấn Đức cho rằng, sở dĩ lâu nay giá nông sản không ổn định là do mối liên kết giữa “4 nhà” gồm nhà nước - nhà nông - nhà khoa học – nhà doanh nghiệp còn hết sức lỏng lẻo. Ông Đức nhìn nhận: “Là cơ quan quản lý nhà nước nhưng thú thật là thời gian qua chúng tôi vẫn chưa phát huy tốt vai trò của mình trong việc định hướng sản xuất và thông tin thị trường cho nhà nông. Tuy nhiên, muốn thực hiện hiệu quả khâu này thì chỉ mỗi ngành nông nghiệp là không thể gánh nổi, mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị khác, trong đó ngành công thương phải là mũi tiên phong”. Theo ông Đức, trong những năm tới nếu nhà nước và nhà khoa học không hoạch định rõ chiến lược phát triển sản xuất, nhà nông tiếp tục mù tịt thông tin định hướng thị trường thì chắc chắn cái cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa sẽ tái diễn...

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển thiếu tính bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO