Tại các xã vùng biên huyện Tây Giang, nhiều hộ dân từng bước thoát nghèo với động lực từ cây sâm Tây Giang (sâm khu 7, đảng sâm). Song, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cấp giống, chuyển giao kỹ thuật trồng của Nhà nước, việc tạo sản phẩm chế biến sâu, quảng bá thương hiệu, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất vẫn là bài toán nan giải.
Nhân sâm của người nghèo
Sâm Tây Giang được mệnh danh là loại nhân sâm của người nghèo, được trồng và phân bố rải rác ở 4 xã vùng cao gồm Tr’Hy, Axan, Ch’ơm và Gari, nơi có khí hậu mát mẻ và lạnh.
Đã có một vài đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ của tỉnh về nhân giống, trồng và phát triển cây đảng sâm, qua đó cấp giống, tập huấn kỹ thuật canh tác, trồng xen đảng sâm với hoa màu trên nương rẫy lấy ngắn nuôi dài, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân vùng biên.
Tại xã Ch’ơm, hộ trồng ít tầm 1 - 2 sào, nhiều thì cả héc ta. Anh ALăng Lơ - Trưởng thôn A Choong (xã Ch’ơm) cho biết, trên mỗi héc ta, nếu trồng đúng kỹ thuật, bố trí chừng 5.000 cây, cho ra 5 tấn củ, giúp thu về cả trăm triệu đồng. Không chỉ lấy củ, lá và thân đảng sâm còn sử dụng để nhân giống và được sử dụng chế biến thức ăn hằng ngày như nấu canh, xào thịt, hầm, bồi bổ cơ thể.
Toàn xã có 38 hộ trồng đảng sâm với số lượng nhiều, có 8 thành viên thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ch’ơm. HTX tổ chức cấp giống cho người dân trồng, thu gom sâm tươi của người dân để cung ứng cho các mối có sẵn.
Tại thôn A Choong, các hộ dân như ALăng Nháh, ALăng Nhân, ALăng Lơ... người trồng ít thì 1,5ha, nhiều thì 2ha nương rẫy. Nhờ trồng sâm, người dân đã cải thiện đời sống rõ rệt. Sâm nhỏ bán xô từ 80 - 150 nghìn đồng/kg nhưng sâm lớn có giá từ 150 - 200 nghìn đồng/kg, loại 3 - 5 củ/kg có giá 300 nghìn đồng. Mỗi sào trồng sâm có thể cho thu nhập hơn 50 triệu đồng.
Theo ông ALăng Rép - Phó Chủ tịch UBND xã Ch’ơm, xã khuyến khích mỗi hộ gia đình trồng cho được 0,5ha đảng sâm để cải thiện đời sống bên cạnh các cây trồng khác. Vùng cao chỉ trồng được cây sâm với một số cây bắp, lúa rẫy nên việc tìm đầu ra cho cây dược liệu là hết sức quan trọng.
Nâng tầm thương hiệu
HTX Nông nghiệp Ch’ơm đang đề xuất các cấp hỗ trợ nguồn lực để đầu tư máy móc chế biến sâu đối với củ đảng sâm bên cạnh việc tiêu thụ củ tươi như hiện nay, cũng là cách nâng giá trị sản phẩm.
Anh ALăng Lơ cho biết, nguồn lực của HTX hiện chưa đủ mạnh, HTX và xã viên trồng sâm mong được hỗ trợ đầu tư máy sơ chế, sấy củ để bảo quản lâu hơn, mua sắm máy đóng gói, hút chân không, gắn nhãn mác, đưa sản phẩm đi các siêu thị, cửa hàng sạch để tiêu thụ.
Tại xã Gari, theo ông Zơ Râm Nhưng - Chủ tịch UBND xã, toàn xã có 80% số hộ trồng đảng sâm phân bố trên tổng diện tích hơn 100ha, có 4 HTX đóng chân trên địa bàn cung ứng giống, hợp tác sản xuất với nông hộ.
Cây đảng sâm góp phần giúp đồng bào cải thiện đời sống, kinh tế rõ rệt, song nỗi lo là khâu tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chủ yếu bán cho thương lái, cơ sở thu mua nhỏ, chưa có công ty, tổ chức lớn đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Giá đảng sâm hiện do thương lái quy định, chưa có tổ chức nào đứng ra thẩm định về giá. Địa phương mong muốn có một tổ chức khoa học đứng ra đánh giá về hàm lượng saponin trong củ sâm, định giá của sản phẩm tương ứng với độ tuổi để nâng giá trị và thương hiệu của sản vật vùng cao.
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho hay, chủ trương của huyện là tập trung phát triển nguồn dược liệu mang tính hàng hóa ổn định về sản lượng và chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý.
Huyện ưu tiên phát triển 2 cây chủ lực là đảng sâm, ba kích tím và trên địa bàn hiện đã có 8 sản phẩm OCOP từ 2 cây dược liệu này. Huyện tiếp tục phấn đấu mỗi năm tạo ra ít nhất 3 sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm được chế biến sâu, tham gia OCOP đạt từ 3 sao trở lên và tiếp tục nâng cấp các sản phẩm sau công nhận.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, huyện đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể cho cây đảng sâm và ba kích. Địa phương đang nỗ lực xúc tiến xây dựng lại các chuỗi liên kết và tăng cường quảng bá, phát triển thương hiệu sâm Tây Giang.