Thăng Bình là địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào và nhiều tiềm năng để phát triển tiểu thủ công nghiêp, làng nghề truyền thống. Việc xác định đâu là ngành nghề, làng nghề mũi nhọn và vạch lộ trình để phát triển, sẽ giúp địa phương thực hiện một cách có hiệu quả.
Không thiếu tiềm năng
Thăng Bình hiện có 1.520 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi người 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, chủ yếu tập trung một số nghề như chế biến nông sản, cơ khí nông thôn, giày da, may mặc… Tuy nhiên, việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng, hiệu quả trong đầu tư và phát triển chưa cao, chưa có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có công nghệ cao vào đầu tư. Nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn hạn hẹp nên chưa tạo đầy đủ các điều kiện về hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tại địa phương còn hạn chế về chất lượng, hiệu quả, chưa có thương hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa đa dạng để thu hút người tiêu dùng và mở rộng thị trường.
Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam (Thăng Bình) cho rằng các sản phẩm tại làng nghề rất đa dạng, nguồn nguyên liệu cũng là một thế mạnh của địa phương, tuy nhiên việc quảng bá để sản phẩm đến được với thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn huyện, một số làng nghề có sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao như làng nghề hương truyền thống tại thị trấn Hà Lam, làng nghề nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương), khoai lang Trà Đỏa (xã Bình Đào) và làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều). Ngoài ra, cũng có nhiều làng nghề truyền thống đang thu hút nhiều lao động tại địa phương như nghề làm nồi đất tại Bình Định Nam, mây tre đan Bình Quế, Bình Trung; nghề đan võng ở Bình Lãnh…
Làng hương ở thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình). Ảnh: M.ĐỨC |
Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Mới đây, UBND huyện Thăng Bình đã có buổi tọa đàm về phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhằm tìm giải pháp phát triển những làng nghề truyền thống, những mặt hàng được xem là thế mạnh của mình. Ông Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nói: “Các làng nghề trong huyện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là do chưa mạnh dạn đầu tư, một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định đâu mới là ngành nghề, làng nghề thế mạnh để tập trung đầu tư, phát triển. Việc khôi phục các làng nghề truyền thống trước đây cùng với phát triển các làng nghề hiện có cần phải có lộ trình cụ thể thì mới đạt được kết quả”.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, theo kế hoạch, thời gian sắp tới UBND huyện sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn; đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Ngoài ra thực hiện quy hoạch, đầu tư và xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm; hình thành các cơ sở sản xuất tập trung quy mô vừa, đủ năng lực về tổ chức sản xuất và kinh doanh, có điều kiện ký kết hợp đồng kinh tế trực tiếp với các hộ sản xuất cá thể để bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ông Lê Phước Hoài Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết thêm, thời gian tới huyện sẽ tập trung quảng bá về các làng nghề, các cơ sở, hộ sản xuất, sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch, đồng thời phát triển các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại làng nghề, tổ chức các khu tập trung các cửa hàng bán sản phẩm làng nghề. “Địa phương sẽ xây dựng các xưởng, khu sản xuất đủ điều kiện làm điểm du lịch để tổ chức tham quan cho du khách trong và ngoài nước và tổ chức các tuyến du lịch làng nghề kết hợp với các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch về cội nguồn kết nối giữa các vùng. Trong quá trình khôi phục và phát triển làng nghề, mỗi địa phương trên địa bàn huyện cần chọn ra một đặc trưng của vùng quê, của làng mình, rồi quảng bá, tạo thương hiệu thì sản phẩm đó mới có giá trị hàng hóa cao nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các làng nghề, góp phần phát triển thương hiệu hàng hóa địa phương, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn” - ông Bảo nói.
TRUNG THỰC