Huyện Bắc Trà My đang lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo đề án “Phục hồi rừng gỗ lớn phòng hộ đầu nguồn huyện Bắc Trà My giai đoạn 2022 - 2023, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu trồng, quản lý 1.000ha rừng để bảo vệ nguồn nước, môi trường và tạo sinh kế cho người dân.
Đề án đa mục tiêu
Từ năm 2015, định hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn đã được Bắc Trà My quan tâm, thúc đẩy thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trên cơ sở kế hoạch trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2019 - 2020 được tỉnh phê duyệt, Bắc Trà My đã triển khai thực hiện và nghiệm thu đạt yêu cầu hơn 232,3ha.
Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho hay, địa phương có diện tích trồng rừng sản xuất lớn, có thể khai thác trồng lại và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng để tạo gỗ lớn, có thể chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Tuy nhiên, hiện nay người dân chỉ tập trung trồng cây keo nguyên liệu, cây gỗ lớn chưa được chú trọng, dẫn đến nhiều khu vực rừng đầu nguồn không được bảo vệ, đất đai bị xói mòn, nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất suy giảm.
Đánh giá hiện trạng rừng cho thấy, người dân địa phương còn trồng rừng theo hướng tự phát, nguồn gốc xuất xứ cây giống chưa đảm bảo. Do đó rất cần có một số doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ và hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện tiếp cận với cây giống, chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trong đó có chứng chỉ FSC.
“UBND huyện đã có buổi làm việc với Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR) về phát triển rừng trồng, định hướng cấp chứng chỉ FSC. Được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, huyện Bắc Trà My đang tích cực phối hợp với đơn vị triển khai những bước đầu tiên trong quy trình cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững” - ông Vương chia sẻ.
Xác định đây là chủ trương mới, nên dự thảo đề án của UBND huyện Bắc Trà My tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thách thức còn tồn tại trong phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn. Đồng thời tổ chức lấy ý kiến phản biện, góp ý rộng rãi các ngành, địa phương cấp xã để hoàn thiện trước khi trình HĐND huyện thống nhất thông qua.
Đề án đặt ra mục tiêu trồng 1.000ha rừng gỗ lớn tại các khu vực đầu nguồn nước, các đồi núi có công trình công cộng, khu dân cư sinh sống dưới chân đồi trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện, với các loài cây bản địa như lim xanh, giổi, ươi, huỷnh... Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 96,5 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Vương, đề án được triển khai sẽ góp phần tạo ra nguồn gỗ quý cung cấp cho thị trường, tạo kế sinh nhai cho người dân. Đề án cũng hướng đến năm 2025 sẽ trồng được 1,1 triệu cây xanh, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch thực hiện Đề án “Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Bắc Trà My...
Quan tâm giải quyết sinh kế
Nhiều ý kiến ngành chuyên môn, địa phương cấp xã tham dự hội nghị phản biện đối với dự thảo đề án nêu trên (do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Trà My tổ chức) cho rằng, đây là đề án quan trọng, có ý nghĩa đa mục tiêu khi cụ thể hóa trong thực tiễn.
Vậy nên các vấn đề đặt ra như quy hoạch quỹ đất, lựa chọn giống cây, mức hỗ trợ kinh phí cho đối tượng tham gia cần được tính toán, đánh giá đầy đủ hơn, dự lường các thách thức và có hướng giải quyết để thực hiện đạt được mục tiêu đặt ra của đề án.
Một số ý kiến cho rằng, nhiều loại cây gỗ dự kiến trong dự thảo đề án có thời gian sinh trưởng dài, với điều kiện thổ nhưỡng địa phương cần rất nhiều công chăm sóc. Vậy nên không thể tính toán hỗ trợ người trồng rừng theo nguyên tắc 1 năm trồng, 4 năm chăm sóc.
Nhiều cây muốn tạo thành tán rừng phát mất 7 - 10 năm mới có thể tự phát triển tốt. Chính vì thế, đề án sẽ gặp rất nhiều thách thức trong việc tính toán kinh phí hỗ trợ để người dân yên tâm phát triển cây gỗ lớn ở khu vực đầu nguồn.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Trưởng ban Tư vấn dân chủ và pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Trà My nói, cần quan tâm kế sinh nhai của người dân sau khi tham gia đề án.
Vì thời gian trồng cây gỗ lớn rất dài, lên đến 15 - 20 năm. Không giải quyết được vấn đề này, người dân rất dễ tái nghèo. Đề án không nên phát động thành phong trào rộng rãi, nên xem xét phương án chọn những hộ nào phù hợp, có đất, có lao động để khuyến khích phát triển trồng cây gỗ lớn.
Ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My góp ý: “Hiện nay, Bắc Trà My nói riêng và Quảng Nam nói chung chưa có vườn ươm cây giống gỗ lớn. Do đó, có thể xem xét các giống cây bản địa, hoặc mua giống từ các tỉnh lân cận.
Chu kỳ trồng cây gỗ lớn có thể kéo dài lên đến 20 năm, có thể trồng xen kẽ cây dược liệu, vừa đạt mục đích bảo vệ môi trường sinh thái, vừa đảm bảo người dân có việc làm, thu nhập tốt trong thời gian trồng rừng gỗ lớn”.
Trong khi đó, đại diện chính quyền cấp xã cũng bày tỏ băn khoăn khi cây keo nguyên liệu đang được thu mua với giá cao, việc vận động người dân trồng cây gỗ lớn khó khả thi.
Và cho rằng, quỹ đất xã quản lý ít, chủ yếu là đất rừng sản xuất của người dân, vậy nên, việc chia đều diện tích đất trồng rừng gỗ lớn cho mỗi xã là không hợp lý, rất khó hoàn thành. Các xã đề xuất cần phải tính toán quy hoạch quỹ đất, đợi xã trình lên rồi huyện xem xét bàn giao lại...
Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Trà My, dự án cần cân nhắc, tính toán mức hỗ trợ về cây giống, cũng như việc kéo dài thời gian hỗ trợ cho công bằng, phù hợp ngân sách. Ngoài ra, đề án có thể thí điểm ở khu vực trọng điểm trong 1 - 2 năm đầu rồi nhân rộng trong tương lai.