Phát triển trồng trọt và chăn nuôi: Quá nhiều trở ngại

NGUYỄN SỰ 27/04/2018 08:58

Hôm qua 26.4, tại TP.Tam Kỳ, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các ông: Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam và ông Nguyễn Quang Dũng – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề trồng trọt và chăn nuôi. Tham dự có đại diện các ngành liên quan, chính quyền một số địa phương cùng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh...

Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri sáng 26.4 tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: V.SỰ
Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri sáng 26.4 tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: V.SỰ

Sản xuất thiếu bền vững

Báo cáo tại buổi tiếp xúc, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, những năm qua dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi của tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Cụ thể, Quảng Nam đã tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, từ vụ đông xuân 2013 - 2014 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển 3.000ha đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng nhiều loại hoa màu, trong đó chủ lực là đậu phụng, bắp, sắn… mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa trong cùng thời vụ, cùng chân đất. Đặc biệt, Quảng Nam đã trở thành trung tâm sản xuất giống lúa hàng hóa với sự tham gia của hầu hết doanh nghiệp lớn trong cả nước. Bình quân hàng năm nông dân các địa phương liên kết với doanh nghiệp canh tác gần 3.500ha giống lúa các loại và thu nhập tăng thêm 15 - 30% so với làm lúa thương phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 161 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí quy định tại Thông tư số 27 (ngày 13.4.2011) của Bộ NN&PTNT, tăng 30 trang trại so với năm 2015. Trong đó, 71 trang trại nuôi heo, 89 trang trại nuôi gia cầm, 1 trang trại nuôi thỏ. Tại nhiều địa phương đã hình thành mối liên kết sản xuất trong chăn nuôi giữa doanh nghiệp với người dân dưới hình thức chăn nuôi gia công. Trong 2 năm 2016 - 2017 tỉnh cũng đã xây dựng được 4 chuỗi sản phẩm an toàn gồm 1 chuỗi thịt gà, 1 chuỗi trứng gà, 2 chuỗi thịt heo. Đây là mô hình thí điểm, ứng dụng về cách tiếp cận quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi vào sản xuất, từ đó nhân rộng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn…

Tuy nhiên, ông Lê Muộn cũng nhìn nhận, Quảng Nam là tỉnh có địa bàn rộng, trong đó 50% đơn vị hành chính là miền núi, tỷ trọng và tốc độ phát triển giữa các vùng không đều nhau, tập quán sản xuất ở vùng núi còn lạc hậu, chăn nuôi thả rông còn phổ biến nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Giá bán sản phẩm không ổn định và thường ở mức thấp trong khi chi phí sản xuất cao khiến người dân không tập trung chăm sóc đồng ruộng, đầu tư tái đàn. Thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến bất thường, có nhiều yếu tố khó lường ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất. Tình trạng suy giảm thâm canh xảy ra ngày càng nặng nề. Tại các vùng nông nghiệp ven đô, nông dân bỏ ruộng diễn ra phổ biến, lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng ít và già hóa, nhất là tại các địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, dịch vụ phát triển mạnh như Điện Bàn, Hội An…

Cần tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Lê Muộn, thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương của tỉnh chưa thực sự mạnh mẽ và bền vững, nông dân chuyển đổi với diện tích nhỏ, manh mún, chủ yếu ở các mô hình, chưa đủ điều kiện để cơ giới hóa trên diện rộng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống, vật tư nông nghiệp, nhất là đối với giống vật nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi còn nhiều bất cập. Cạnh đó, mặc dù đã có quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn nhưng đến nay số lượng các dự án đầu tư vào các khu quy hoạch chưa nhiều. Nguyên nhân là giá sản phẩm chăn nuôi không ổn định, đặc biệt là giá heo hơi quá thấp làm cho các tổ chức và cá nhân e ngại, không muốn đầu tư...

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Trương Năm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thiên Tân Thành (Đại Hiệp, Đại Lộc) cho biết, đơn vị của ông chuyên hoạt động trên lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu và liên kết chăn nuôi heo thịt với số lượng lớn, vì vậy rất cần nguồn vốn để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua việc tiếp cận các kênh vốn ưu đãi của Nhà nước quá khó, còn vay ngân hàng thương mại thì không được vì không có tài sản thế chấp. Không chỉ vậy, việc xin giấy phép đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do các thủ tục xét duyệt còn rườm rà, cơ quan chức năng chậm trễ trong khâu giải quyết.

Còn ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho rằng, để lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt phát triển mạnh, bền vững, cần phải có một quy hoạch bài bản cho từng vùng chứ cứ sản xuất manh mún như thời gian qua chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả cao. Ông Thành nói: “Theo tôi, trong những năm tới, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân hình thành những mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo phương thức hàng hóa tập trung, ứng dụng mạnh mẽ các gói kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt, những cơ quan có trách nhiệm cần tiếp sức cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân trong việc đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản và nâng cao giá trị kinh tế. Nếu cứ mạnh ai nấy trồng và nuôi thì e rằng sẽ còn xảy ra nhiều cơn khủng hoảng về giá kéo dài như giá heo hơi, bò thịt rớt thê thảm suốt 2 năm qua”…

Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam Phan Việt Cường ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời đề nghị các ngành, địa phương liên quan sớm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Riêng những vấn đề mang tầm vĩ mô, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp theo từng nhóm và kiến nghị cấp trên quan tâm giải quyết…

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển trồng trọt và chăn nuôi: Quá nhiều trở ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO