Phát triển văn hóa đọc ở Hội An

ĐỖ HUẤN 02/06/2021 09:03

Là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống hiếu học, TP.Hội An đang tìm cách đẩy mạnh và phát triển văn hóa đọc, thu hút và khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Điểm đọc sách tại Khu thiết chế văn hóa cộng đồng xã Cẩm Thanh. Ảnh: ĐỖ HUẤN
Điểm đọc sách tại Khu thiết chế văn hóa cộng đồng xã Cẩm Thanh. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Truyền thống

Ngoài thư viện của thành phố mang tên Thanh Hóa - Hội An và hệ thống thư viện nhà trường đang duy trì hoạt động hiệu quả, những năm qua ở Hội An đã phát triển nhanh các thư viện và phòng đọc ở xã phường, thôn/khối phố. Trong cộng đồng dân cư còn có nhiều tủ sách gia đình khá phong phú và quy củ. Đây là nền tảng hỗ trợ phát triển văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân thành phố. 

Trong quá khứ, Hội An tự hào có “một thời vàng son” của văn hóa đọc sách. Theo tư liệu nghiên cứu của ThS. Phùng Tấn Đông, cùng với phố cảng Thanh Hà - Bao Vinh của Huế, Hội An của Quảng Nam là nơi có phong trào đọc sách phát triển từ thời Duy tân (những năm đầu thế kỷ 20) với những sách “tâm thư” của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, góp phần làm nên phong trào Duy tân hết sức rầm rộ, phổ biến.

ThS. Phùng Tấn Đông cho biết: “Trong quá khứ, Hội An từng là chợ sách. Trong một bài viết nhân hội thảo về phong trào Duy tân, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn đã nói nhiều về văn hóa đọc ở Hội An. Chính các sĩ tử miền Trung, từ các nơi như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... đều ra Hội An và nằm chờ hàng tháng trời để mua sách về cho kịp trào lưu thời bấy giờ. Những nhà cách mạng, nhà giáo dục lớn ở miền Trung như nhà giáo Trần Đình Phong, bác sĩ Trần Đình Nam, anh em Lê Đình Dương, Lê Đình Thám, nhà thơ Bùi Giáng, nhà văn Phan Tứ... đều tìm đến Hội An đọc sách, tích lũy kiến thức để phát triển tư duy”.

Còn theo ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, thời bao cấp ở Hội An phong trào đọc sách vẫn có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau, dù đời sống kinh tế thời bấy giờ còn lắm khó khăn.

Nỗ lực vì văn hóa đọc

Hỗ trợ cho các trường phổ thông

Ngày 19.4.2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21 về hỗ trợ phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Thầy giáo Nguyễn Văn Dung - nguyên Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hội An cho rằng, đây là cơ hội để các trường học tăng cường thêm các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên internet một cách hữu ích, an toàn, cách sử dụng sách điện tử, thư viện điện tử đạt hiệu quả. “Các thư viện công cộng, thư viện các trường học cần giới thiệu về sách và các tài liệu hữu ích nhằm chia sẻ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người cùng tham gia đọc để cùng nâng cao nhận thức của mình” - thầy Dung nói.

Hiện nay, ở Hội An có một nhóm “Không gian đọc Hội An” đang hoạt động rất sáng tạo và hiệu quả, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người, đặc biệt là các em thiếu niên, nhi đồng. Ra mắt và đi vào hoạt động từ cuối năm 2013 đến nay, nhóm “Không gian đọc Hội An” đã thể hiện những nỗ lực đầy tâm huyết của những người yêu sách. Thường tổ chức hoạt động vào ngày cuối tuần, trước đây tại khu vực Bảo tàng Hội An (đường Trần Hưng Đạo) và hiện tại thì linh hoạt theo yêu cầu, mỗi lần như vậy nhóm “Không gian đọc Hội An” mang đến khoảng 500 đầu sách, báo và tạp chí các loại để phục vụ miễn phí cho nhân dân và du khách. Số sách, báo này do các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài thành phố đóng góp.

Bà Khiếu Thị Hoài - phụ trách nhóm cho biết: “Với cách làm đổi mới, linh hoạt, nhóm còn tổ chức những buổi giao lưu, nói chuyện về sách, về văn hóa đọc do những nhà văn hóa, những tác giả có uy tín, những “sứ giả” yêu sách chủ trì. Đồng thời tặng sách cho các đơn vị, trường học; tổ chức những ngày hội sách, các cuộc thi khuyến khích và tạo thói quen đọc sách cho học sinh”.

Ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh văn hóa đọc cho mọi người và đặc biệt cho lớp trẻ trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, mỗi cá nhân phải tự chọn cho mình một cách đọc, một cách học phù hợp. Gia đình và nhà trường có trách nhiệm định hướng cho học sinh trong mọi lứa tuổi biết chọn lọc, đọc đúng đắn qua mạng, cũng như trên sách báo, tạp chí…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển văn hóa đọc ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO