Nhiều suy tư từ chính những người trong cuộc về lĩnh vực văn hóa, du lịch được chia sẻ thẳng thắn, với mong muốn tìm ra cách thức phát triển hiệu quả hơn hoạt động trong thời gian tới.
Khó quản lý cơ sở lưu trú
Tháng 1.2020, Sở VH-TT&DL ủy quyền cho UBND TP.Hội An thực hiện quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú (CSLT) du lịch có quy mô dưới 20 phòng, bao gồm khách sạn, biệt thự du lịch, homestay… Sau một năm thực hiện, đại diện Phòng Văn hóa thông tin TP.Hội An cho biết, quy định này giúp địa phương nắm rõ hơn tình hình hoạt động, môi trường kinh doanh của các CSLT trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số khúc mắc theo tình hình thực tế của năm 2020 mà địa phương này gặp phải. Hiện nay có những CSLT đã đi vào hoạt động nhưng không gửi thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, bởi lực lượng làm công tác này tại địa phương còn quá mỏng, địa giới hành chính của địa phương rộng và chế tài xử phạt lại còn quá ít.
Thêm nữa, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số CSLT đã tạm ngừng hoạt động nhưng Phòng Văn hóa thông tin Hội An vẫn không thể nắm bắt do chưa có quy định nào yêu cầu CSLT phải gửi thông báo đến cơ quan quản lý khi tạm ngừng hoạt động.
“Hiện nay, nhóm CSLT có quy mô từ 20 phòng trở xuống tại Hội An vẫn chủ yếu theo loại hình villas, homestay. Theo Luật Du lịch, trong các điều kiện kinh doanh không đề cập đến việc đảm bảo các nội dung về mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng… vì vậy gây khó khăn cho công tác quản lý” - đại diện Phòng Văn hóa thông tin TP.Hội An cho biết.
Chưa kể, theo quy chế quản lý kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê trên địa bàn tỉnh ban hành hồi năm 2018, định hướng homestay là sản phẩm du lịch, không chỉ đơn thuần là loại hình kinh doanh lưu trú. Đây là vấn đề buộc công tác quản lý cần phải có người nắm rõ các vấn đề về bản sắc văn hóa vùng cũng như có cơ chế quản lý riêng.
Năm 2020, lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng khá nặng khi tổng lượt khách ước đạt hơn 1,4 triệu lượt, giảm 81% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 84%. Doanh thu từ tham quan lưu trú năm 2020 ước đạt 1.073 tỷ đồng, giảm 83% so với năm 2019. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 2.526 tỷ đồng. Đây cũng là một năm chứng kiến sự ê chề của những người kinh doanh du lịch lưu trú.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã chặn đứng hoạt động của ngành du lịch và khó khăn nhất gặp phải ở lĩnh vực lưu trú, trong khi chi phí duy trì khách sạn, villa rất lớn nhưng lại không có khách. Tại Đô thị cổ Hội An, bên cạnh việc ngừng kinh doanh, hàng loạt khách sạn, villas treo bảng rao bán.
Suy tư từ miền núi
Không chỉ ở vùng đô thị gặp khó, tại các địa phương miền núi, hoạt động trong ngành văn hóa, du lịch cũng đều có những vướng mắc nhất định. Ông Nguyễn Hoàng Thọ - Giám đốc Trung tâm VH-TT và truyền thanh - truyền hình huyện Nam Trà My chia sẻ, năm vừa qua, kinh phí cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa của địa phương hầu như rất khiêm tốn. Kinh phí ít. Hoạt động văn nghệ, thể thao đều dựa vào ngân sách. Mà địa phương miền núi thì nguồn thu có hạn, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ nên phong trào bị trì trệ rất nhiều. Cạnh đó, đời sống anh em trong ngành cũng rất khó khăn, rồi cộng thêm thiên tai mưa lũ nên tư tưởng công tác có lúc cũng dao động. Do vậy cách duy nhất để khắc phục những hạn chế này là phát huy thế mạnh của lĩnh vực du lịch. Khi du lịch phát triển, anh em có công ăn việc làm thường xuyên, đơn vị cũng sẽ có được nguồn thu lớn. Từ đó sẽ có nguồn tự chủ để góp phần tạo động lực để các hoạt động phong trào văn nghệ, thể thao phát triển. Và ngược lại thì chính các phong trào này khi phát triển mạnh mẽ sẽ góp thêm sản phẩm lý thú cho du lịch địa phương thu hút khách.
“Hiện nay miền núi tiềm năng du lịch rất lớn nhưng vẫn còn ở tiềm năng chứ chưa được khai thác. Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước về du lịch, mong con thuyền du lịch sẽ được lái về phía tây xứ Quảng, chia lửa để ngành du lịch - dịch vụ miền núi Quảng Nam trở thành điểm đến thú vị cho du khách” - ông Nguyễn Hoàng Thọ nói.
Trong khi đó, đại diện Phòng Văn hóa thông tin huyện Đông Giang cho biết, Đông Giang đã thực hiện nhiều biện pháp khơi dậy, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Cơ Tu, trong đó thực hiện nhiều dự án để duy trì và phát huy các câu lạc bộ hát lý, nói lý của người Cơ Tu trên địa bàn. Hiện tại huyện Đông Giang có 6 câu lạc bộ hát lý, nói lý thu hút 150 thành viên tham gia. Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Văn hóa thông tin huyện Đông Giang, tuy đã được duy trì phát triển nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ cho mỗi câu lạc bộ chỉ có 5 triệu đồng/năm nên khó đảm bảo hoạt động. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ người Cơ Tu gần như thiếu vắng trong các câu lạc bộ.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, thời gian tới sở sẽ tiếp tục tham mưu trình HĐND tỉnh các đề án phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, đề án phát triển văn nghệ sĩ và đội ngũ kế cận về các loại hình nghệ thuật truyền thống, đề án về phát triển một số điểm du lịch cộng đồng đến năm 2025. Đối với lĩnh vực du lịch, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh du lịch nội địa, triển khai một số giải pháp phục hồi, phát triển du lịch sau dịch..., cũng như thực hiện một số nội dung thỏa thuận liên kết phát triển du lịch với các địa phương lân cận.