Phát triển vận tải buýt

CÔNG TÚ 05/04/2017 08:30

Việc phát triển tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh thời gian qua phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hiệu quả

Sau ngày tái lập tỉnh, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hầu như chưa có gì, chỉ có một số tuyến cố định chạy đúng giờ. Trước tình hình này, Sở GTVT chủ trương thành lập Công ty CP GTVT Quảng Nam. Dần dà, doanh nghiệp (DN) này trở thành đơn vị chủ lực của tỉnh với 12 đầu xe từ 25 đến 60 ghế, hình thành các tuyến liên tỉnh Quảng Nam - TP.Hồ Chí Minh, Quảng Nam - Gia Lai - Đắk Lắk. Đồng thời có nhiều tuyến xe chạy đúng giờ chất lượng cao, đơn cử là Tam Kỳ - Đà Nẵng, Ái Nghĩa (Đại Lộc) - Đà Nẵng, Hội An - Đà Nẵng, Nam Phước (Duy Xuyên) - Đà Nẵng. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, năm 2005, ngành GTVT phối hợp mở lại tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng để phục vụ nhân dân và cán bộ đi lại.

Xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng phục vụ đông đảo nhân dân và cán bộ đi lại. Ảnh: C.T
Xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng phục vụ đông đảo nhân dân và cán bộ đi lại. Ảnh: C.T

Cùng với đó, các tuyến xe buýt Hội An - Đà Nẵng, Ái Nghĩa - Đà Nẵng và ngược lại đưa vào hoạt động cũng có sự tham gia của các DN, hợp tác xã (HTX). Nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTVT) - ông Nguyễn Hoài Linh kể, 3 tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng (tuyến số 4), Hội An - Đà Nẵng (tuyến số 1) và Ái Nghĩa - Đà Nẵng (tuyến số 2) là thành công điển hình trong giải quyết vấn đề đi lại của nhân dân và học sinh, giải quyết cả chuyện cán bộ từ Đà Nẵng vào Quảng Nam công tác. “Sử dụng xe buýt đã tiết kiệm rất nhiều cho xe công mà bình thường được dùng đưa đón cán bộ” - ông Linh đúc kết.

Nhận thấy nhu cầu của người dân lưu thông trên tuyến ĐT610, sau hơn 14 tháng khảo sát và chuẩn bị, tháng 11.2010, xe buýt 2 chiều Mỹ Sơn - Đà Nẵng chính thức khai thác. Theo đó, ngày càng nhiều hành khách sử dụng, lưu lượng phương tiện đi lại trên đường giảm rõ rệt, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, tuyến này kéo dài  lên Phú Đa (Duy Xuyên), đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ở vùng tây nam của tỉnh, ngày 25.4.2014, nhân dân các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My và lân cận vui mừng trước sự ra đời của tuyến xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My do HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ đầu tư, tổ chức khai thác với phương tiện sắm mới hoàn toàn. Việc tuyến xe buýt 2 chiều này đi vào hoạt động “kéo” các địa phương từ đồng bằng đến miền núi xích lại gần nhau hơn; thay thế xe chở khách cố định cũ kỹ, thiếu an toàn.

Cần thiết đổi mới

Các đơn vị của Quảng Nam hiện khai thác trên 11 tuyến buýt 2 chiều nội tỉnh (Tam Kỳ - Núi Thành; Tam Kỳ - sân bay Chu Lai (Núi Thành); Tam Kỳ - Hiệp Đức; Tam Kỳ - Đại Hồng (Đại Lộc); Tam Kỳ - Đại Lãnh; Tam Kỳ - Bắc Trà My); cùng tuyến liên tỉnh liền kề (Tam Kỳ - Đà Nẵng; Hội An - Đà Nẵng; Phú Đa - Đà Nẵng; Ái Nghĩa, Đại Lộc - Đà Nẵng, Quế Sơn - Thọ Quang, Đà Nẵng).

Có thể nói, nhờ có chủ trương đúng đắn nên mặc dù không được trợ giá, các DN và HTX tham gia kinh doanh loại hình vận tải bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực đầu tư phương tiện. Cộng thêm việc dần đổi mới tư duy và cung cách phục vụ nên bước đầu hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, đặc biệt là vào dịp lễ hội và các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTVT), đến thời điểm này có 11 tuyến xe buýt 2 chiều đã hình thành, kết nối giữa Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, giữa địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, giữa miền ngược với miền xuôi, tiếp cận cả sân bay Chu Lai. Thống kê cho thấy, riêng các DN, HTX của tỉnh nhà đã mua sắm hơn 100 xe buýt, phục vụ cho hơn 10 nghìn lượt hành khách mỗi ngày, tần suất bình quân các tuyến là 15 - 20 phút/chuyến.

Tuy nhiên, vận tải buýt vẫn còn một số tồn tại. Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Lê Văn Sinh chỉ rõ, đó là thu tiền không đúng giá vé niêm yết, điều hành của một số đơn vị chưa bài bản và thiếu hiệu quả, chưa đầu tư hoặc không mở máy điều hòa nhiệt độ theo quy định, một số lái xe và nhân viên trên xe còn “hành” khách… Việc chấn chỉnh phải thực hiện từng bước theo lộ trình với mục tiêu vừa đổi mới phương tiện vừa nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến thời điểm này, một số tuyến có sự chuyển biến rõ rệt, điển hình là xe buýt Tam Kỳ - Đại Lãnh (Đại Lộc), Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Bắc Trà My. Chúng tôi được biết, thời gian qua, Sở GTVT đã chỉ đạo và các DN, HTX thực hiện thay đổi xe đời cũ bằng phương tiện sản xuất từ năm 2009 trở lên. Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam thường xuyên tổ chức tập huấn văn bản pháp luật liên quan, tập huấn cung cách phục vụ của người lái và nhân viên phục vụ trên xe để đưa vận tải khách bằng xe buýt dần đi vào quy củ. Thời gian đến, ngành GTVT ưu tiên khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà đầu tư mở rộng phục vụ đến vùng sâu, vùng xa. Không chỉ giảm lưu lượng trên đường, tuyến buýt mở ra còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển đi lên.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển vận tải buýt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO