Phát triển bền vững khi nguồn lực đầu tư hạn chế, thiếu nhân lực, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trên diện rộng và thiếu cả cơ chế, chính sách là điều chẳng dễ dàng cho miền Trung, nếu thiếu sự hỗ trợ từ Chính phủ. Đó là ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong việc tìm kiếm giải pháp, hiến kế tạo động lực xây dựng vùng đất này trở thành một khu vực phát triển năng động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
“Đề xuất các phương án hỗ trợ thiết thực, hiệu quả”
Nhiều cơ chế, chính sách, chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng của vùng đã được xây dựng và triển khai thực hiện với những hỗ trợ lớn từ nguồn lực Nhà nước cũng như từ cộng đồng quốc tế thông qua Chính phủ đã góp phần phát triển miền Trung. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã và đang được đầu tư đồng bộ hơn sẽ mang lại nhiều cơ hội đảm bảo sự phát triển chung của toàn vùng. Hạ tầng giao thông kết nối các vùng miền, hạ tầng các khu kinh tế, lãnh thổ đặc biệt… đã tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm nâng cao thu nhập của nhân dân. Tuy nhiên, vùng đất này vẫn là khu vực kinh tế kém phát triển, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu và thiếu đồng bộ, lại là khu vực chịu nhiều thiên tai nặng nề, đời sống nhân dân khó khăn. Đây cũng là khu vực được hỗ trợ đầu tư ở mức trung bình thấp so với các khu vực khác của đất nước.
Nhiều ngày qua, chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Tàu cá của ngư dân đánh bắt ở ngư trường truyền thống khu vực Hoàng Sa bị xua đuổi, thậm chí bị đâm chìm. Chúng ta kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lẽ phải và chính nghĩa. Nhưng chúng ta cũng rất lo lắng cho sự an toàn cũng như cuộc sống mưu sinh bám biển của người dân. Điều đó đặt cho kinh tế biển vai trò quan trọng trong phát triển bền vững vùng duyên hải miền Trung, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với quốc phòng và giảm nghèo bền vững.
Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, các tỉnh, thành cần phân tích, làm rõ các tiềm năng, thế mạnh của vùng, của từng địa phương, những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế biển; đánh giá tác động biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, suy thoái của môi trường, đặc biệt là nguồn nước…Từ đó hoàn thiện quy hoạch địa phương, gắn với quy hoạch tổng thể vùng, tạo sự liên kết chặt chẽ về không gian kinh tế, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể, đề xuất các phương án hỗ trợ thiết thực, hiệu quả… Đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đây là vấn đề khó nhưng hết sức cấp bách của vùng, phải được quan tâm đặc biệt và xác định là một trong các ưu tiên hàng đầu, là bước “đột phá” mà vùng phải thực hiện trong thời gian sớm nhất để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án và chính sách kinh tế đang được triển khai. Đề xuất được các chính sách, giải pháp huy động nguồn tài chính có tính khả thi cao, phù hợp với kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn của quy hoạch tổng thể. Xác định rõ vai trò, sự tham gia của chính quyền các cấp, của các doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng dân cư và của đối tác quốc tế. Trên cơ sở đó, xây dựng và thực thi các chính sách một cách minh bạch, rõ ràng bảo đảm sự tham gia của các chủ thể trong quá trình phát triển bền vững.
Thách thức đối với phát triển bền vững của Vùng duyên hai miền Trung là rất lớn. Trước hết, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng phải nỗ lực hết sức mình, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan trung ương, thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Viện phó Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - đầu tư) Nguyễn Văn Vịnh:
“Định vị cơ chế, chính sách”
Các chủ trương, chính sách, hỗ trợ trực tiếp thông qua các chương trình đầu tư phát triển và hỗ trợ từ Chính phủ đã có những tác động đáng kể. Tuy nhiên, các hỗ trợ trực tiếp nhiều khi chỉ có tác động cục bộ. Vấn đề đặt ra là làm sao có được tác động trên diện rộng, mang lại cơ hội phát triển cho số đông, hay nói cách khác là cho cộng đồng dân cư trong toàn vùng. Do vậy, để đạt được sự phát triển bao trùm, nghĩa là sự phát triển của tất cả khu vực dân cư, cần định vị lại cơ chế, chính sách, xác định lại vai trò của Chính phủ, của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, xây dựng, điều chỉnh thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế, tạo hành lang pháp lý để mọi cá nhân, tổ chức tham gia tích cực vào công cuộc kiến tạo việc làm và đầu tư phát triển. Chính phủ dùng nguồn lực hỗ trợ, đầu tư chọn lọc các công trình, chương trình tạo cơ hội phát triển, giải quyết những vấn đề cơ sở vật chất cho phòng chống và giảm nhẹ tác động thiên tai; giải quyết những vấn đề có tính chất lâu dài và bền vững trong việc phát triển vốn rừng, bảo vệ và phát triển nguồn cung cấp nước, giảm nghèo tại địa phương. Chính quyền địa phương làm nòng cốt trong xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở địa phương, hạn chế các can thiệp trực tiếp vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn trợ giúp từ các nhà tài trợ về hỗ trợ chính sách, xây dựng và triển khai các dự án giảm nghèo.
Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright, thành viên Tổ tư vấn miền Trung Nguyễn Xuân Thành:
“Xây dựng các cực phát triển nội vùng”
Sự khó khăn trong suốt nhiều năm của miền Trung, thể hiện qua GDP đầu người thấp đã bác bỏ lập luận “sẽ nhận sự tác động lan tỏa” từ hai cực phát triển Bắc – Nam. Nếu như vẫn nhìn vào quan điểm địa kinh tế đó thì cần các cực phát triển nội vùng để lan tỏa. Gắn kết hạ tầng giao thông với công nghiệp, du lịch khai thác tài nguyên, đặc biệt là hậu cần logistis, khai thác tối đa cơ hội hội nhập và tự do hóa kinh tế. Các rào cản cần được loại bỏ, xây dựng nên một chính sách phát triển thị trường lao động (6 triệu người trẻ) có thể dịch chuyển tự do đến các tỉnh trong vùng làm việc.
Nỗ lực từ địa phương, hỗ trợ của Chính phủ và sự vận động của thị trường đã hình thành các cụm ngành kinh tế ở miền Trung khá rõ nét. Nhưng, kinh nghiệm thành công là không thể phát triển tất cả địa phương cơ cấu kinh tế giống nhau mà phải xác định các cực phát triển bổ sung. Điều này đòi hỏi sự hy sinh lẫn nhau, chấp nhận làm vệ tinh hỗ trợ đầu tư cho các cực phát triển để bảo tồn tài nguyên, tránh phát triển ồ ạt. Việc thiếu hụt một trung tâm nghề cá là một thách thức cho ngư nghiệp và ngay cả tranh chấp trên biển Đông. Ai cũng có sân bay, cảng biển, tài nguyên… nhưng hãy lựa chọn ưu tiên đầu tư để mỗi cơ sở hạ tầng này đều mang tính trục, đầu mối cho vùng chứ không phải riêng ai, kể cả cơ chế mang tính đột phá.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Văn Phú Chính:
“Tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước”
Nhu cầu sử dụng nước không ngừng gia tăng, kể cả chất và lượng. Dòng chảy bị cạn kiệt do khai thác quá mức cho phép. Nguồn nước thiếu không đủ để đáp ứng cho sản xuất và sinh hoạt dẫn đến tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập đất liền. Bốn triệu người vùng hạ du phải dùng nước mặn sinh hoạt gây ra dịch bệnh. Vì vậy, cần tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước cho vùng; tiếp tục đầu tư các dự án điều tra cơ bản về tài nguyên nước, đẩy mạnh thông tin, văn bản pháp luật về tài nguyên nước trên phương tiện thông tin đại chúng; sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, hỗ trợ kinh phí để thực hiện quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và nước mặt. Quan trọng hơn vẫn là tiếp tục đẩy mạnh chương trình đầu tư xây dựng hồ chứa, đập dâng gắn với hệ thống kênh mương, củng cố, nâng cấp hệ thống đê điều.
Quản lý tổng hợp nguồn nước thông qua quy hoạch phát triển ngành, thành lập cơ quan quản lý lưu vực sông, chống ô nhiễm nguồn nước, lập mạng lưới giám sát chất lượng nước, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước và lập ngân hàng dữ liệu quản lý tài nguyên nước. Quản lý khai thác công trình thủy lợi hiệu ích sử dụng thực tế, điều hòa và phân phối nước hợp lý...
TÙY PHONG