Phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng: Thua trên sân nhà

HỮU PHÚC 22/10/2015 08:34

Miền núi, trung du hội đủ tiềm năng để phát triển kinh tế rừng, song giá trị mà lĩnh vực này đem lại còn quá khiêm tốn so với kỳ vọng của các địa phương. Làm thế nào để thoát khỏi nền lâm nghiệp nhỏ lẻ, tụt hậu để đủ sức cạnh tranh với các tỉnh, thành lân cận luôn là vấn đề đặt ra.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Bán rừng non

Gần một thập niên qua, các huyện miền núi hầu như xem phát triển rừng là ngành kinh tế mũi nhọn, cứu cánh cho công tác xóa đói giảm nghèo dài lâu. Trong các báo cáo kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương gần đây thường có chung thông tin về độ che phủ rừng, diện tích vùng nguyên liệu năm sau cao hơn năm trước, xã hội hóa nghề rừng… Tuy nhiên, ở góc nhìn kinh tế, chưa thấy nơi nào phân tích chất lượng, giá trị năng suất cây trồng trên diện tích thâm canh, sự hội nhập của kinh tế rừng trên thị trường thế giới ra sao.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2011 - 2014,  nguồn thu từ lâm nghiệp rất thấp, bình quân 560 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp của lĩnh vực này vào GRDP toàn tỉnh xấp xỉ 4% tính toán dựa trên lượng gỗ khai thác từ rừng trồng và tận dụng từ rừng tự nhiên. Chất lượng và giá trị của rừng sản xuất đem lại thấp hơn nhiều so với các tỉnh lân cận. Tại nhiều huyện miền núi, rừng nguyên liệu trồng thông thường 5 năm là khai thác, hiếm tìm thấy rừng hơn 10 năm tuổi. Người dân bán non rừng sản xuất để có chi phí tái đầu tư, đồng thời tránh rủi ro về thời tiết gió bão. Rừng trồng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao hơn, nhưng vì nghèo khó nên dân chấp nhận bán non.

Nhiều địa phương trong tỉnh khủng hoảng rừng trồng gỗ lớn như thế này.
Nhiều địa phương trong tỉnh khủng hoảng rừng trồng gỗ lớn như thế này.

Khai thác non, chất lượng gỗ thấp nên giá trị kinh tế giảm rõ rệt. Thời gian qua, ít sản lượng gỗ có đường kính lớn từ 20cm trở lên để chế biến đồ gỗ. Một trong những đơn vị kinh doanh, sản xuất gỗ lớn trong tỉnh như Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam cũng thừa nhận bất cập vùng nguyên liệu gỗ là đã… thua trên sân nhà. Dù chủ trương phát triển rừng đảm bảo chất lượng nhưng nhiều năm công ty mới thực hiện 1.500ha rừng trồng đạt tiêu chuẩn chứng chỉ quốc tế FSC. Mỗi năm, công ty này có nhu cầu 12 - 15 nghìn mét khối gỗ keo nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Trong đó, gỗ tròn đạt tiêu chuẩn, chứng nhận FSC chiếm 70 - 80%. Một thời gian dài, công ty phải nhập khẩu gỗ từ Malaysia với giá 145 - 150 USD/m3. Trước đây, nguồn nguyên liệu gỗ keo từ các dự án trồng rừng của Nhà nước như các chương trình 327, 661… với độ tuổi khai thác trung bình 10 - 12 năm, đảm bảo cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự ồ ạt ra đời của hàng loạt nhà máy dăm trong và ngoài tỉnh đã hút hết nguồn gỗ nguyên liệu, trong khi gỗ dành cho hàng mộc càng khan hiếm, chất lượng kém. Thực tế đã xảy ra nghịch lý: doanh nghiệp, người dân trồng rừng bán gỗ dăm ra nước ngoài với giá thấp, còn doanh nghiệp chế biến gỗ phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ với giá cao. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT từng nhìn nhận đang khủng hoảng nghiêm trọng rừng trồng gỗ lớn. Bán rừng non là lãng phí tài nguyên, không phải là sự lựa chọn phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong khi người dân hoàn toàn có thể kéo dài thời gian trồng rừng, sẽ hiệu quả kinh tế hơn, thì họ buộc phải thu hoạch sớm.

Rừng trồng phát triển tự phát

Sự thuận lợi của thị trường lâm sản thời gian qua là ổn định và ít bị biến động về giá cả. Sản phẩm gỗ ít chịu tác động tiêu cực từ việc hội nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do gỗ vừa khan hiếm vừa có tính đặc chủng. Xét ở thị trường xuất khẩu, Quảng Nam có lợi thế về vận chuyển đường biển lẫn đường bộ; song rào cản lớn nhất là sản phẩm phần lớn là gỗ nhỏ, chất lượng thấp không có cơ hội xuất khẩu gỗ xẻ. PGS-TS. Trần Thị Thu Hà (Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp Việt Nam) phân tích, bản chất phát triển lâm nghiệp ở tỉnh còn dựa vào tiềm năng tự nhiên là chính. Một nền lâm nghiệp còn thiếu đường nét kinh doanh và hiệu quả thấp. Lực đẩy cho phát triển ngành chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, trong khi lực hút của thị trường lâm sản và cả lực đẩy của xu thế xã hội hóa nghề rừng là khá mạnh. Quản lý rừng chưa tiếp cận theo hướng bền vững và nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh. PGS-TS. Hà nêu giải pháp: “Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp phải giải quyết đồng bộ theo chuỗi giá trị sản xuất nghề rừng và lâm nghiệp từ các khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm”.

Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh năm 2014 hơn 100.434ha. Trong đó, diện tích rừng trồng gỗ lớn chiếm 97.644ha chủ yếu phục vụ cho nguyên liệu giấy, dăm gỗ (chu kỳ sản xuất 5 - 7 năm); diện tích rừng trồng gỗ lớn khoảng 2.790ha từ các dự án KFW6, WB3, rừng của Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam.

Năng suất rừng trồng bình quân trên địa bàn tỉnh với chu kỳ 7 năm khai thác là 70m3/ha là khá thấp so với các tỉnh lân cận. Rừng chỉ kinh doanh với chu kỳ ngắn, ít ỏi diện tích rừng đạt chứng chỉ quốc tế FSC, gây lãng phí nguồn lực đất đai, hạn chế phát triển nghề rừng..

Điểm yếu nhất dẫn đến tình trạng nhỏ lẻ, chậm phát triển của ngành lâm nghiệp chính là khâu đầu tư sản xuất giống cây trồng. Theo Sở NN&PTNT, đến nay cả tỉnh có 1 rừng giống chuyển hóa từ rừng tự nhiên A Vương (Đông Giang), 33 đơn vị đăng ký kinh doanh, sản xuất giống, 67 vườn ươm của hộ gia đình, cá nhân không đăng ký kinh doanh. Các cơ sở sản xuất giống nhìn chung đạt chất lượng chưa cao. Các vườn ươm mang tính hộ gia đình quy mô nhỏ lẻ chưa thống kê về sản lượng cây giống. Sản lượng cây giống được sản xuất hàng năm trên địa bàn tỉnh ước 20 triệu cây các loại, nguồn giống cũng mua từ các địa phương khác. Lượng giống phục vụ trồng rừng sản xuất không đảm bảo chất lượng. Là tỉnh có thế mạnh phát triển kinh tế rừng, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô phục vụ kinh doanh, xưa nay chủ yếu dùng phương thức giâm hom và gieo ươm từ hạt.

Theo Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp Việt Nam, nguồn giống trong tỉnh nghèo nàn về chủng loại, các loại cây bản địa trồng nhưng chưa kiểm soát nguồn gốc giống. Đến nay, chỉ mới kiểm soát được 15 - 20% số lượng nguồn gốc giống ở các dự án trồng rừng thuộc vốn nhà nước. Trong khi đó, việc sản xuất giống bằng công nghệ cao vẫn còn xa lạ; chưa xây dựng được chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp, bao gồm cả cây lâm sản ngoài gỗ. Còn ngành nông nghiệp thừa nhận, công tác quản lý giống bất cập, tỉnh chưa có cơ chế phù hợp để khuyến khích người dân tham gia trồng rừng bằng giống có năng suất, chất lượng cao. Phát triển rừng còn lẹt đẹt. Người dân có đất trồng rừng còn khó khăn về kinh tế nên muốn sản xuất, thu hoạch ngắn hạn, trong khi đó Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ kinh doanh rừng trồng thâm canh.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng: Thua trên sân nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO