Phát triển vùng sâm và dược liệu Quảng Nam: Hướng đến sản phẩm hàng hóa

TRẦN HỮU - NGUYỄN DƯƠNG 25/01/2018 09:13

Cuộc tọa đàm “Giải pháp xúc tiến đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, cây dược liệu và công nghiệp dược liệu tỉnh Quảng Nam”, do Báo Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Nam Trà My tổ chức sáng qua (24.1) tiếp tục nhận diện các vướng mắc trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng trồng sâm Ngọc Linh. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đề xuất nhiều giải pháp liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn Quảng Nam.

Tin liên quan

  • Video: Cơ hội phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam
  • Tọa đàm xúc tiến phát triển sâm Ngọc Linh, cây dược liệu (clip)
  • SÂM NGỌC LINH
Vườn ươm cây dược liệu tại xã Trà Nam (Nam Trà My). Ảnh: TRẦN HỮU
Vườn ươm cây dược liệu tại xã Trà Nam (Nam Trà My). Ảnh: TRẦN HỮU

Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, buổi tọa đàm thu hút hơn 10 ý kiến đại diện cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực trồng các loài cây dược liệu, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, nhà khoa học, ý kiến của các ngành chức năng và cơ quan quản lý nhà nước.

Loay hoay với giống sâm

Quảng Nam có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước. Chỉ riêng cây sâm Ngọc Linh, năm 2017 Thủ tướng đã công nhận là sản phẩm quốc gia (cùng với sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum). Để tạo bứt phá phát triển vùng dược liệu, trong đó “quốc bảo” sâm Ngọc Linh là trung tâm, hàng loạt cơ chế, chính sách ở tầm vĩ mô được ban hành. Đó là, Nghị định 65 của Chính phủ ra đời ngày 19.5.2017 quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển trồng, khai thác dược liệu. Và mới đây, Bộ KH-CN đã phê duyệt đề án khung sâm Việt Nam. Hơn 3 năm nay, bằng cơ chế thông thoáng trong thu hút đầu tư, có ít nhất 6 doanh nghiệp, tập đoàn lớn xúc tiến trồng sâm Ngọc Linh. Đáng chú ý, nổi lên 3 “ông lớn” gồm Tập đoàn Hoa Thiên Phú, Tập đoàn Vin Group và Tập đoàn TH True Milk.

Sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với cơ chế ưu đãi

Theo UBND huyện Nam Trà My, thời điểm này có 4 doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh gồm Công ty TNHH Sâm Sâm, Công ty CP Thương mại dược - sâm Quảng Nam, Tập đoàn Hoa Thiên Phú, Công ty CP Nguyên liệu giấy miền Trung.  Ngoài ra, Tập đoàn Vin Group  và Tập đoàn TH True Milk được UBND tỉnh cho phép thuê đất, đã tiến hành khảo sát chọn địa điểm trồng sâm.

Giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp trồng, chế biến dược liệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, chính sách của Trung ương và tỉnh chậm đi vào thực tế. Cho nên, sắp đến chính quyền tỉnh sẽ yêu cầu các ngành theo thẩm quyền làm đầu mối giúp doanh nghiệp tiếp cận với cơ chế ưu đãi về giống, vốn, công nghệ theo tinh thần nghị định của Chính phủ; Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ mặt bằng, địa điểm để doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến phù hợp với quy hoạch.

Là người có hơn 30 năm nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh, dược sĩ chuyên khoa 1, Thầy thuốc nhân dân Đặng Ngọc Phái (hiện là Phó Chủ tịch Hội Dược liệu TP.Đà Nẵng) cho rằng, việc các tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư sâm Ngọc Linh là cơ hội tốt cho địa phương mở rộng quy mô vùng nguyên liệu dược liệu, bởi chỉ có doanh nghiệp lớn mới có đủ tầm vóc phát triển theo sản xuất hàng hóa, họ sẽ đặt hàng cho dân làm. “Giống sâm trồng lấy ở đâu, lưỡng tính hay vô tính vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Doanh nghiệp sở dĩ chưa mạnh dạn đầu tư vì nguồn cây giống thiếu trầm trọng” - ông Phái nhìn nhận.

Thực tế, hiện các đề tài nghiên cứu khoa học tập trung vào bảo tồn gen, nhân giống sâm chưa mang tính ứng dụng cao; các doanh nghiệp hầu như sản xuất không theo lộ trình, kế hoạch vì phụ thuộc hoàn toàn vào giống cây. Theo ông Lưu Văn Lục - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm, bình quân trồng mỗi héc ta, chu kỳ 5 năm tốn 3 - 4 tỷ đồng. Công ty chưa phủ xanh hết 10ha (do UBND tỉnh cho thuê dịch vụ môi trường rừng) không phải do hạn chế năng lực tài chính mà chủ yếu thiếu nguồn cây giống. Tương tự, được cho thuê dịch vụ môi trường rừng với diện tích 14,8ha tại xã Trà Cang (Nam Trà My), Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam cũng đang lúng túng trong khâu tìm giống sản xuất. Ông Nguyễn Đình Triệu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho rằng, từ năm 2016 công ty xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm ở Cụm công nghiệp Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) và đến nay các hạng mục cơ bản hoàn thiện. Công ty lo lắng là giống cây sâm đầu vào có đảm bảo chất lượng hay không, doanh nghiệp mua cây giống 5 lá, còn nơi khác thì mua sâm 6 lá. “Theo quy hoạch, đến năm 2020, vùng thủ phủ sâm Nam Trà My phải sản xuất ra 50 tấn sâm, liệu có khả thi hay không?” - ông Triệu băn khoăn.

Hiện nay giá 1kg sâm củ bán ra thị trường dao động trên dưới 100 triệu đồng, nên các doanh nghiệp đắn đo đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến thực phẩm chức năng, viên nén, nước uống, rượu chế biến từ sản phẩm sâm Ngọc Linh. Vì nguồn cây giống cung cấp cho nhu cầu của doanh nghiệp thiếu trầm trọng nên thời gian qua nguồn nguyên liệu sâm không thể phục vụ cho phát triển quy mô hàng hóa.

Nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống

Vùng dược liệu nói chung ở các huyện miền núi, trung du của tỉnh phân bố thiếu tập trung, ảnh hưởng không nhỏ đến liên kết phát triển theo sản phẩm hàng hóa. Ông Trần Văn Thuận - Giám đốc Công ty TNHH An Bình cho hay, địa bàn tỉnh chưa có cánh đồng lớn về dược liệu nên doanh nghiệp phải đi tìm nguồn nguyên liệu khắp nơi. Đầu năm 2018, công ty xúc tiến xây dựng một nhà máy chế biến dược liệu đinh lăng, cây sa nhân tím ở Cụm công nghiệp Trường Xuân (TP.Tam Kỳ). “Doanh nghiệp sẵn sàng thu mua không giới hạn số lượng sản phẩm trồng dược liệu của nông dân. Các cơ chế ưu đãi của tỉnh với doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực phát triển công nghiệp dược liệu, trồng cây dược liệu rất cần triển khai nhanh” - ông Thuận nói. Trong khi đó, ông Lưu Văn Lục – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm đề xuất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần xem xét và bổ sung danh mục ngành nghề sản xuất các sản phẩm từ dược liệu như thực phẩm chức năng, sản xuất thuốc, nước uống, kẹo… từ sâm Ngọc Linh và dược liệu khác vào danh mục ngành nghề ưu đãi. Ngành nào đứng ra làm đầu mối hướng dẫn doanh nghiệp được hưởng lợi cơ chế đặc thù.

Rượu củ sâm Ngọc Linh.
Rượu củ sâm Ngọc Linh.

Từ năm 2016, với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ở miền núi và khát khao xây dựng Quảng Nam thành “thủ phủ dược liệu” của cả nước, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cho ra đời hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, vốn, giống, hỗ trợ công nghệ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng thừa nhận, Chính phủ đưa ra các điều kiện ưu đãi đặc thù nhưng thực tế chính sách chưa đi vào cuộc sống. Ở phạm vi quốc gia, Trung ương chỉ mới đề cập ưu đãi cho vùng trồng sâm Ngọc Linh, chứ chưa có quy định về chính sách phát triển công nghiệp dược liệu Quảng Nam như thế nào. Trong khi đó, để xứng đáng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước phải xây dựng cho được chuỗi giá trị dược liệu từ khâu nghiên cứu, trồng, hình thành nguyên liệu hàng hóa đến xây dựng các nhà máy chế biến, cung ứng sản phẩm rộng rãi ra thị trường…

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, dù tỉnh đã chủ trương phát triển vùng dược liệu từ rất sớm nhưng vẫn còn chậm trong tiếp cận, kêu gọi nhà máy chế biến dược liệu sâu như một số nơi khác. Nhà nước cần đặt vị trí của mình vào doanh nghiệp, chứ không thể để doanh nghiệp làm hết. “Thực tế, các doanh nghiệp muốn xin một giấy phép sản xuất, chế biến thực phẩm chức năng từ sâm Ngọc Linh phải vòng vo qua nhiều cơ quan rất nhũng nhiễu và nhiêu khê. Nếu có thể, Nhà nước cần hỗ trợ về thủ tục đầu tư, ra bộ thủ tục mẫu, trung tâm hành chính công cấp tỉnh cần ra bộ thủ tục ấn định thời gian giải quyết. Thêm vào đó, cần thiết đầu tư phát triển du lịch ở vùng dược liệu” – ông Bửu đề xuất.

Tại buổi tọa đàm, có ý kiến đề xuất, doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng tránh những nơi đã xác lập địa vị pháp lý, lẫn sở hữu sử dụng đất theo luật tục của người dân địa phương. Muốn phát triển vùng dược liệu, doanh nghiệp phải dựa vào dân; doanh nghiệp với doanh nghiệp phải hợp tác đầu tư, chia sẻ lợi ích, tránh xung đột.

TRẦN HỮU - NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển vùng sâm và dược liệu Quảng Nam: Hướng đến sản phẩm hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO