Từ nguồn cây giống hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, nhiều hộ dân ở Nam Trà My mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Hồ Văn Thà (trú thôn 3, xã Trà Nam, Nam Trà My) đang chịu trách nhiệm “canh giữ” vườn sâm cho một hộ dân từ đồng bằng lên đầu tư tại địa phương. Anh nói, mình đang thực hiện chiến lược “lấy ngắn nuôi dài” để biến ước mơ làm một ông chủ vườn sâm thành sự thật.
Anh tâm sự: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, mình về quê với mong muốn phát triển mô hình trồng sâm nhưng nguồn vốn đầu tư không có, chỉ có đất của gia đình thôi. Mình quyết định nhận làm công cho một chủ vườn sâm để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và tích lũy thêm kinh nghiệm, mua hạt giống gieo ươm”.
Ngoài thu nhập 4 triệu đồng/tháng, anh Thà còn được chủ vườn sâm cho thêm nhiều cây sâm giống đem về trồng trong khu đất của gia đình. Anh cho biết, từ nguồn giống này, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, anh đã phát triển được 3 luống sâm với khoảng 300 cây giống.
“Mình xác định làm từ từ thôi vì điều kiện gia đình không có. Một vài năm nữa, trong 3 luống sâm của mình sẽ có nhiều cây cho hạt, mình lấy hạt gieo ươm tiếp, sẽ mở rộng diện tích của vườn sâm lên thôi” - anh Thà nói.
Tại Nam Trà My, nhiều hộ khó khăn cũng làm theo cách của anh Thà để tham gia trồng sâm và mở rộng diện tích vườn sâm.
Theo ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nhiều hộ dân địa phương có ý thức tự vươn lên thoát nghèo và nhận thấy được giá trị kinh tế từ cây sâm nên nỗ lực phát triển vườn sâm gia đình.
Số lượng hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh đang tăng lên đáng kể, từ chỗ chỉ khoảng 110 hộ ở xã Trà Linh trồng sâm Ngọc Linh với diện tích 65ha (năm 2014), đến nay đã có hàng nghìn hộ dân ở 7/10 xã trồng sâm với diện tích khoảng 1.600ha.
Người dân gặp khó khăn về nguồn giống để trồng sâm nên địa phương thực hiện nhiều cơ chế hỗ trợ, trong đó có Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh (2018 - 2025).
Ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn, gieo ươm, phân phối cây giống chất lượng cho người dân, doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm.
Đặc biệt, thực hiện cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh, nhiều năm qua đơn vị đã cung cấp nguồn giống để đáp ứng nhu cầu phát triển cây sâm Ngọc Linh của người dân tại Nam Trà My (trong năm 2021, cung cấp khoảng 15.000 cây). Năm 2021, đơn vị sản xuất được 59.175 cây giống (đạt tỷ lệ 63,61% số hạt gieo, tăng 10,13% so với năm 2020); trong đó số lượng cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn là 55.000 cây.
“Số lượng cây giống này được cấp hỗ trợ cho người dân và cung ứng cho các doanh nghiệp, trồng thử nghiệm tại các khu vực tương đồng với vùng trồng sâm tại huyện Nam Trà My để đánh giá, nhân rộng trong thời gian đến theo chủ trương của tỉnh và lưu vườn chăm sóc để phát triển trồng mới năm 2022” - ông Bằng cho biết.