Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại cuộc họp với Sở Kế hoạch - đầu tư ngày 12.11 nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014, dự kiến đầu tư cho năm 2015 và cho ý kiến về đề án “Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2014 hiện khoảng 4.773 tỷ đồng, tăng 132% so với kế hoạch. Đầu tư từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương chủ yếu bố trí cho các công trình thanh toán khối lượng, chuyển tiếp, thanh toán nợ, phần còn lại bố trí đầu tư các công trình mới. Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của trung ương ưu tiên thanh toán khối lượng các dự án hoàn thành, chuyển tiếp và các dự án khởi công mới thực sự cấp bách, bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo đúng mục tiêu, không để phát sinh nợ. Dự kiến kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2015 (chưa có nguồn trái phiếu chính phủ) sẽ khoảng 3.147,18 tỷ đồng, tăng 116% kế hoạch 2014. Tất cả cũng để tiếp tục thanh toán nợ và các dự án chuyển tiếp. Số dự án khởi công mới chiếm tỷ trọng rất thấp. Ngoài ra cơ quan quản lý yêu cầu HĐND đề nghị thống nhất dành tối thiểu 2% tổng chi hàng năm từ ngân sách để thực hiện cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (2015 - 2020).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh cơ quan quản lý cần nhanh chóng xác lập tiêu chí xác định đầu tư, rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư; rà soát, chọn lọc các sản phẩm đặc thù và tạm dừng ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; kiểm soát kỹ nợ trong phân cấp đầu tư tại các địa phương và cần đưa ra tiêu chí cụ thể ưu tiên, phân bổ hợp lý vốn từ nguồn tăng thu. Kể từ năm 2015, tất cả dự án đầu tư, trước khi có chủ trương hay phê duyệt đầu tư đều phải có ý kiến của HĐND theo đúng Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1.1.2015.
T.D