(QNO) - Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Quảng Nam đặt ra những mục tiêu cụ thể, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 10 - 10,5%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 9 - 10%/năm.
Cụ thể, đến năm 2020, GRDP/người đạt 3.400 USD; cơ cấu kinh tế các ngành phi nông nghiệp chiếm khoảng 90%; ngành nông nghiệp chiếm khoảng 10%. Đến năm 2025: GRDP/người đạt khoảng 5.000 USD; cơ cấu kinh tế các ngành phi nông nghiệp chiếm hơn 92%, ngành nông nghiệp chiếm gần 8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 16%/năm giai đoạn 2016 - 2020; tăng 17%/năm giai đoạn 2021 - 2025. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 15%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tương đương 30% GRDP.
Đến năm 2020 cơ cấu lao động ngành nông lâm thủy sản chiếm 38,0%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,9%, dịch vụ chiếm 30,1%; đến năm 2025 ngành nông lâm thủy sản chiếm 29,0%, công nghiệp - xây dựng chiếm 38,8%, dịch vụ chiếm 32,2%...
Tốc độ gia tăng dân số 1%/năm trong suốt giai đoạn 2016 - 2025, dự kiến đến năm 2020 dân số toàn tỉnh đạt khoảng 1.570 nghìn dân, đến năm 2025 đạt khoảng 1.650 nghìn dân. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt trên 32%, đến năm 2025 đạt khoảng 46%.
Đến năm 2030, Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng và cả nước, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành định hướng phát triển mạnh về công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững. Hình thành được một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hoàn thiện và hiện đại.
Phát triển vững chắc về an ninh quốc phòng, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội, chất lượng cuộc sống của dân cư không ngừng được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trung bình khoảng 10,5% giai đoạn 2021 - 2030, GRDP/người đạt mức trên 9.100 USD vào năm 2030, gấp trên 2,5 lần năm 2020.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quảng Nam tập trung vào các khâu đột phá, mang tính chiến lược. Trong đó, tập trung phát triển ngành động lực lợi thế của tỉnh, đảm bảo năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững gắn liền với các trung tâm đô thị, đặc biệt trong việc hình thành các cực phía đông của tỉnh.
Khai thác tối đa các cơ hội từ sự liên kết phát triển của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và các xu hướng phát triển kinh tế trong nước, thế giới; đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng khung với đầy đủ các hạ tầng sân bay, cảng biển; kết nối đồng bộ giữa các cụm công nghiệp, các trung tâm đô thị và vùng nguyên liệu để hướng tới phát triển công nghiệp bền vững.
Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất. Lấy cơ chế mở làm tư tưởng đột phá xuyên suốt và được xem xét điều chỉnh thích ứng với thị trường toàn cầu.
Có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thực sự thông thoáng, vượt trội, hấp dẫn và được hưởng những cơ chế đặc thù nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực, thu hút được các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển tỉnh Quảng Nam và động lực kết nối phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Phát huy tiềm năng các giá trị di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thông qua liên kết đô thị - nông thôn, liên kết sản phẩm du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Bên cạnh đó, lồng ghép quản lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững. Cơ cấu, sắp xếp lại quy hoạch dân cư gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn và làng nghề. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh cho tỉnh...
MỸ LINH