Phê Truyện Kiều

VÕ VĂN TRƯỜNG 10/01/2016 07:56

Nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Những người đọc kỹ Nguyễn Văn Xuân thường có băn khoăn: vậy ông thật sự là ai? Nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà báo, nhà “Quảng Nam học”? Riêng tôi muốn nói điều này: ông là tất cả những nhà vừa nói trên, cộng lại, nhân lên, nhuần nhuyễn, hầu như không thể tách rời…”.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân có một cuộc đời sáng tạo đặc biệt. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc khi đọc các trang viết của ông mới thấy rõ sự uyên thâm của một học giả toàn diện, cực kỳ giàu vốn sống, vừa xông xáo mạnh mẽ trong tư tưởng, vừa tinh vi, tinh tế và đầy mẫn cảm. Giới nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội lớp sau luôn kính trọng coi ông là bậc thầy. Ở đây, xin được nói đôi điều về thầy Xuân và câu chuyện liên quan đến Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Nói đến khía cạnh pháp luật nhà nước đương thời mà Nguyễn Du đề cập trong Kiều nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân chỉ ra những điều khá thú vị khi “trà dư tửu hậu” .

“Đã đưa đến trước cửa công
Thì ngoài là lý song trong là tình
Dâu con trong đạo gia đình
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong”.

Nguyễn Văn Xuân bình phẩm, mới nghe thật đầy tình nghĩa vì nó giải quyết lý tình trọn vẹn. Nhưng đứng về phương diện thực tế, lý thì rất gần với pháp luật có căn cứ để kiểm tra, để xử định dù rất tương đối. Chứ còn tình thì cậy dựa vào đâu để xét xử thật công bằng? Trong Truyện Kiều, vị quan xử kiện là một kẻ đức độ có thừa mà cũng vì trọng tài trọng sắc của Thúy Kiều mà đã hành động một cách vô cùng lố bịch: Không chỉ tha cho Kiều cái tội quyến rũ chồng người mà còn đưa cả quân thần dưới trướng với đèn đuốc xôn xao, võng hoa rực rỡ, long trọng rước Thúy Kiều đến cái nơi đáng ra nàng phải bị trục xuất, về nhà chứa mại dâm, lại công nhận nàng là vợ nhỏ thực sự hợp lý hợp pháp của Thúc Sinh. Để rồi Thúy Kiều tạm theo duyên phận mới mà theo như Nguyễn Du:

“Huệ lan sực nức một nhà/ Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa”.

“Trong đời cầm bút của mình có lẽ chỉ có hai lần ông vượt khỏi biên giới “Quảng Nam quốc” đó là cuốn sách biên khảo về Vụ án Truyện Kiều rất công phu nhưng đáng tiếc là bản thảo sách được giao cho một NXB ở Sài Gòn bị thất lạc và cuốn Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc…” (Nhà sử học Dương Trung Quốc)

Quả thật “cái bên trong là tình” đã làm nhơ nhuốc pháp luật mà gần vài trăm năm nay người ta vì lời thơ đẹp đẽ của Nguyễn Du lại xưng tụng tình huống ngộ nghĩnh này.

Quả thật chỉ có nhà văn Nguyễn Văn Xuân mới chỉ ra điều này. Trước đó, tôi được nghe khá nhiều các thầy cô bình giảng Truyện Kiều, kể cả các nhà phê bình văn học. Xem ra, sự… cãi của nhà văn Nguyễn Văn Xuân rất có tình có lý. Pháp luật hành xử trong Kiều là pháp luật của chế độ phong kiến bởi vậy Nguyễn Văn Xuân cũng đã dẫn một câu chuyện khác ở Quảng Nam cũng hao hao việc xét xử Thúy Kiều bởi “cái bên trong là tình” ấy. Chuyện đã thành ca dao mang tính ngụ ngôn để chỉ về một quan huyện Hà Đông nào đó.

“Trách lòng quan huyện Hà Đông
Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba
Không nghe tan cửa hại nhà
Nghe thời hai bảy mười ba cực lòng”.

Bài toán “hai bảy” đứa trẻ nào cũng biết là mười bốn nhưng chỉ vì tình đối với người chồng (vì tình, vì tiền, vì thế lực, vì bị thúc ép tình cảm riêng tây…) nên vị quan cai trị kiêm quan tòa đã dám quên hết cửu chương để viết con số 14 thành con số 13 trên giấy trắng mực đen để đày đọa một người đàn bà cô thế. Người xưa có câu “hôn nhân điền thổ, vạn cổ chi thù”. Câu ấy có nghĩa là trong đời sống gia đình và xã hội không có gì là quan trọng hơn duyên phận lứa đôi và đất sinh sống của con người. Pháp luật ngày xưa rất quan tâm đến vấn đề này, vì từ quan chí dân ai cũng thấy trước hậu quả của một vụ xử kiện nằm trong cái khung căm thù “muôn vạn thuở ấy”. Đứng trước những cuộc đấu tranh quyết liệt như vậy, nếu quan tòa không công minh, luật lệ không rõ ràng chứng cứ không đầy đủ mà còn đem tư tâm lấy tình riêng để xét xử thì tai họa không biết đến nhường nào. Thực tế này đã được phản ánh trong Kiều rất rõ ở câu: “Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Gần một thế kỷ sau, Nguyễn Khuyến trong một bài thơ vịnh Kiều đã hóm hỉnh viết. “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a!”.

Việc chỉ ra và phê phán phép hành xử hay có thể gọi là luật pháp trong Truyện Kiều cũng tức là chỉ ra sự thối nát xã hội Truyện Kiều khiến Thúy Kiều 15 năm lưu lạc. Và, Truyện Kiều là tác phẩm đỉnh cao văn chương nhân loại không chỉ ở giá trị nghệ thuật. Xem ra, bàn chuyện pháp luật trong Truyện Kiều cũng không là chuyện chơi. Bởi theo như nhà văn Nguyễn Văn Xuân, ngày xưa pháp luật tuy đơn sơ nhưng nó được tôn trọng ngang với việc cứu nước, mở nước nên ra mới có thành ngữ “võ công văn trị”. Võ công thì chỉ có một thời, còn văn trị là cái vĩnh cửu. Không có văn trị rực rỡ với chế độ và luật pháp nghiêm minh thì không thể thu phục được lòng dân.

VÕ VĂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phê Truyện Kiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO