Đầu năm học, đưa con nhập trường là gặp ngay cánh cổng giăng đầy các loại phí, quỹ. Và dù Bộ GD&ĐT đã sớm có văn bản yêu cầu các trường học không được thu ngoài quy định nhưng tình trạng loạn thu, lạm thu vẫn xảy ra.
Này nhé, một ngôi trường tiểu học ở Hà Tĩnh phụ huynh đưa con đến nhập học lớp 1 thì kế toán nhà trường yêu cầu đóng 1 triệu đồng mà không có phiếu tạm thu cũng chẳng thông báo tiền đó dùng vào việc gì.
Vậy nhưng chưa ăn nhằm gì so với một trường tiểu học ở Hải Phòng. Tại đây, phụ huynh học sinh khối lớp 1 được thông báo phải đóng 14 khoản với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng; khối lớp 4 phải đóng 9 khoản với gần 6 triệu đồng; khối lớp 5 phải đóng 10 khoản, hơn 6 triệu đồng.
“Quán quân” về mức đóng góp có lẽ thuộc về một trường tiểu học ở Cao Lãnh - Đồng Tháp, với dự kiến tới 16 triệu đồng đối với học sinh lớp 1.
Các trường hợp nêu trên chỉ là ví dụ mà báo chí nói đến và đang bị thanh tra, kiểm tra. Còn khuất lấp thì chắc nhiều lắm. Ở Quảng Nam chưa thấy phản ánh chuyện la ó gì nhưng nhiều phụ huynh cho biết các khoản nộp đầu năm học cho con em cũng không nhỏ, tầm vài triệu đồng/học sinh lớp 1.
Tình trạng loạn thu, lạm thu các loại phí, quỹ không phải bây giờ mới xuất hiện. Có lẽ nó đã có từ khi thêm nhãn mác “xã hội hóa”. Như bức tranh biếm họa, rằng nhu cầu của nhà trường là VÔ HẠN, trong khi kinh phí ngân sách là HỮU HẠN nên cần sự đóng góp của xã hội. Để khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục, chính quyền các địa phương, các ban đại diện cha mẹ học sinh cũng nêu ra những GIỚI HẠN, nhưng vì chỉ giải quyết cái ngọn chứ không phải cái gốc nên đâu lại vào đấy, bởi dựa trên cái gọi là thỏa thuận hay tự nguyện. Thực tế, từng có trường hợp không đóng góp thì HẠN CHÓT không được nhận hồ sơ vào học, hoặc cũng bị gây phiền phức đủ kiểu, và hội phụ huynh học sinh đôi khi còn phải làm nhiệm vụ “hợp pháp hóa” các khoản thu đầu năm học của nhà trường.
Chúng tôi đã từng có bài báo nêu lên gánh nặng của phụ huynh, nhất là nông dân, khi cho con nhập học. Theo đó, bình quân nhà có hai con đi học, một đại học, một trung học cơ sở, thì vị chi phải đóng các khoản vào năm học tới vài chục triệu đồng, quy ra gần bằng 5 tấn lúa. Để có chừng đó lúa phải làm gần một mẫu ruộng (10 sào) qua hai mùa thu hoạch. Gặt xong trút bồ bán hết mới đủ tiền đóng vào đầu năm cho các con, chưa nói còn phải lo cái ăn, ở, đi lại. Thực trạng đó qua mấy năm rồi vẫn chưa thấy cải thiện gì.
Phí là một vấn đề dễ gây tranh cãi vì liên quan đến đời sống người dân. Dường như có cả một hệ thống BOT trong nhiều ngành. BOT giao thông thì đã thấy rồi, thu phí cao không xứng với đầu tư hoặc trạm thu đặt không đúng chỗ đã làm giới tài xế nhiều nơi phản ứng. Trong khi đó, người ta còn thu phí môi trường, phí bảo trì đường bộ và các loại phí khác. Có chuyện như tuyến buýt nhanh Hà Nội, đường dành riêng cho xe loại này chỉ giải quyết được khoảng 100 khách/xe/chuyến và để phí nhiều thời gian lưu chuyển khi bao nhiêu người và phương tiện khác kẹt cứng. Rồi đến cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế cũng phải trả phí mỗi nơi mỗi kiểu rất tùy tiện. Mới đây, chuyện nổi lên là BOT trong... âm nhạc nữa. Đó là chuyện đề xuất thu phí tác quyền 25 ngàn đồng cho mỗi tivi/phòng khách sạn. Ai cũng biết phải bảo vệ tác quyền nhưng theo nhiều người cần tính thu phí với chủ các đơn vị tổ chức phát sóng thì lại tính với các chủ khách sạn. Chuyện đó khiến cho người ta đặt ra tình huống giả định là nếu thu tác quyền âm nhạc trên đầu ti vi được thì sẽ đến lúc phải thu cả chủ taxi, xe buýt, xe du lịch có mở chương trình phát sóng các tác phẩm âm nhạc...
Con đường đi qua nhiều loại phí luôn mang theo nhiều tâm trạng.
Có loại phí đương nhiên phải đóng nhưng cũng không ít trường hợp loạn thu, lạm thu các loại quỹ, phí, khiến dư luận xã hội bức xúc.
ĐĂNG QUANG