Phí môi trường nông thôn ở huyện Thăng Bình: Thu ít, chi nhiều

GIANG BIÊN 01/08/2018 06:13

Hàng năm huyện Thăng Bình trích khoảng 1,4 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của huyện và sự đóng góp của nhân dân vẫn không đủ để chi phí cho việc thu gom rác thải...

Rác thải đang là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương. Ảnh: GIANG BIÊN
Rác thải đang là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương. Ảnh: GIANG BIÊN

Thu không đủ chi

Là đơn vị duy nhất của huyện Thăng Bình thực hiện quản lý dịch vụ thu gom rác thải từ tháng 6.2015, thế nhưng mới đây, HTX Nông nghiệp Bình Đào đã bàn giao lại cho UBND xã quản lý. Lý do là 3 năm qua, năm nào HTX cũng phải bù lỗ. Nếu năm đầu tiên, HTX phải bù 30 triệu đồng thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, HTX đã bù lỗ 55 triệu đồng. Theo ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Bình Đào, với mức thu phí mỗi hộ dân là 17.000 đồng/tháng (quy định của UBND tỉnh là 20 nghìn đồng/hộ/tháng), mỗi năm, HTX thu tiền phí môi trường trong dân từ 100 - 150 triệu đồng. Sau đó, ngoài chi tiền công cho lao động của đội thu gom còn phải trả cho Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam, Chi nhánh Môi trường Thăng Bình - Quế Sơn. Thậm chí có tháng phải trả cho công ty 42 triệu đồng tiền phí rác thải.

Tại xã Bình Minh, thời gian qua, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên Đài truyền thanh xã, treo băng rôn, áp phích…Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, phát hiện các hành vi sai phạm của các công ty ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Tường Vi - cán bộ môi trường xã, dù đã thực hiện nhiều cách nhưng rác thải vẫn quá lớn, mỗi tháng hơn 200 tấn. Chênh lệch thu - chi dẫn đến gánh nặng cho ngân sách xã. Sáu tháng đầu năm nay, xã đã chi 289 triệu đồng cho công tác thu phí và vận chuyển rác. Trong đó, trả cho Chi nhánh Môi trường Thăng Bình - Quế Sơn 43 - 45 triệu đồng/tháng. Hiện địa phương đã sử dụng hết nguồn hỗ trợ kinh phí của cấp trên và nguồn thu trong dân. Và nguồn ngân sách địa phương phải bù cho dịch vụ môi trường gần 50 triệu đồng.

Vấn đề nan giải

Theo ông Trần Thanh Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào, tiếp nhận chuyển giao dịch vụ thu gom rác thải từ HTX Nông nghiệp Bình Đào vào tháng 7.2018, địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là về kinh phí. Nếu bây giờ thu phí môi trường 20.000 đồng/hộ/tháng thì người dân không đồng ý. “Thời gian đến, địa phương sẽ phối hợp với các hội đoàn thể, nhất là Hội LHPN xã tập huấn phân loại rác thải tại hộ để giảm thiểu lượng rác. Nếu vẫn lỗ, địa phương sẽ tiến hành thu phí trong dân theo Quyết định số 22/ QĐ-UBND ngày 1.10.2017 của UBND tỉnh” - ông Trần Thanh Trung nói thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Thăng Bình, mỗi năm huyện chi khoảng 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải (40 - 200 triệu đồng/địa phương). Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn phải trích nguồn ngân sách bù lỗ cho việc thu gom và xử lý rác thải. Bà Hiền lý giải, nguyên nhân là tỷ lệ nộp phí của các hộ còn thấp, việc phân loại rác thải tại nguồn chưa đảm bảo. Thêm nữa, việc huy động người dân tham gia các khóa tập huấn về phân loại rác thải do Phòng TN-MT tổ chức không đạt như mong muốn, mỗi lớp chỉ có 30 - 40 người tham gia. “Nhiều địa phương vẫn khoán trắng công tác môi trường cho cán bộ phụ trách hoặc hội đoàn thể mà chưa có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Hộ dân nào tham gia phí môi trường phải thông báo công khai trên hệ thống đài truyền thanh địa phương. UBND xã, thị trấn phải tích cực phối hợp với các hội đoàn thể trong việc tổ chức các lớp tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn. Xây dựng những mô hình thu gom ve chai, phế liệu gây quỹ để thu hút người dân” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm.

Hiện Chi nhánh Môi trường Thăng Bình - Quế Sơn quản lý công tác thu gom và xử lý rác tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thăng Bình. Tính đến thời điểm này, toàn huyện Thăng Bình nợ chi nhánh 1,096 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Giám đốc Chi nhánh Môi trường Thăng Bình - Quế Sơn cho biết, hiện nay ở Thăng Bình lượng rác thải phát sinh rất nhiều dẫn đến quá tải cho chi nhánh. Nhiều địa phương còn nợ từ năm 2017 chuyển sang, trong đó Bình Trung hơn 286 triệu đồng; Bình Quý 150 triệu đồng... Đối với những địa phương còn nợ, chi nhánh chỉ làm việc, thông báo nợ chứ vẫn chưa có biện pháp mạnh.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phí môi trường nông thôn ở huyện Thăng Bình: Thu ít, chi nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO