Phi nông bất ổn

NGUYỄN ĐIỆN NAM 13/12/2020 06:43

Thế giới đang trải qua cơn đại dịch Covid-19 làm suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam còn phải gánh chịu thêm thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Dường như tâm lý bất định và bất ổn đang bao trùm mọi toan tính, khiến các kế hoạch, chương trình phát triển bị đảo lộn hoặc phải nghiên cứu tái cấu trúc theo hướng phòng vệ các yếu tố rủi ro.

Kỳ họp HĐND của các tỉnh thành trong nước lần nữa nhận diện những lát cắt khó khăn khi cho thấy tình hình hụt thu ngân sách và tụt giảm khá sâu tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt ở những địa phương “bỏ hết trứng vào một giỏ” với ngành kinh tế du lịch, thương mại, dịch vụ càng lao đao.

Việc đưa ra các kịch bản ứng phó, phục hồi kinh tế theo hướng là sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phát huy các nguồn lực, xúc tiến các dự án lan tỏa… có vẻ khá chung chung và cho thấy sự bối rối, lúng túng nhất định. Còn ở các địa phương miền Trung bị thiệt hại nặng nề do bão lũ, nhất là ở vùng ven chân núi Trường Sơn bị sạt lở trầm trọng, thì chỉ mong sớm khắc phục được hư hỏng hạ tầng, dựng lại những ngôi làng, ổn định cuộc sống người dân vùng cao...

Trong bối cảnh chồng chất gian nan vậy, tâm thế tự nhiên là quay lại nơi ta đã đi qua, nhìn lại từ đâu ta lớn lên, ta sẽ tới bến bờ nào với nền kinh tế đã nghìn đời nuôi ta sống. Đó là nông nghiệp.

Bàn sâu thêm chút nữa về nông nghiệp ở đây ta thấy ngay ở thời điểm dịch bệnh dường như “cấm vận” toàn cầu, song Việt Nam vẫn dự ước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hoàn thành mục tiêu cả năm nay đạt 41 tỉ USD. Rõ ràng nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2020 trong bối cảnh COVID-19 đang tác động lên nhiều nền kinh tế trên thế giới. “Món hàng truyền thống” của Việt Nam là hạt gạo, tiếp tục tìm được đường xuất khẩu tốt và xây dựng được thương hiệu gạo ngon hàng đầu thế giới.

Cũng cần nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia” hồi tháng 3, rằng  “chúng ta đang sống trong kỷ nguyên 4.0, nhưng chúng ta không được ảo, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề rất hệ trọng đối với mọi quốc gia trong điều kiện bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh liên tục xảy ra… “Phi nông bất ổn” vẫn phải được quán triệt trong tình hình mới với một cơ cấu hợp lý và hiệu quả nâng cao mức sống, ổn định…”.

Soi chiếu vào điều kiện cụ thể, nông nghiệp Quảng Nam hiện vẫn là bệ đỡ quan trọng để đảm bảo lương thực tại chỗ và giải quyết vấn đề an sinh. Thực tế khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng không dễ thu hẹp, cái đói - đau vẫn còn ám ảnh nặng nề đồng bào vùng cao, nhất là khi lũ quét, tắc đường, nên an ninh lương thực và sinh kế của người dân còn phải dựa trên nền sản xuất với trồng trọt, chăn nuôi. Do vậy hỗ trợ cho nông nghiệp nói riêng và “tam nông” nói chung vẫn cần các chương trình, chính sách đặc thù.

Người xưa, từ trong nền văn minh lúa nước đã có đúc kết rằng “phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Vậy, vận vào thời nay có thể hiểu nếu chưa thể làm giàu với công thương thì con đường nông nghiệp sẽ là chỗ dựa ổn định an sinh. Bài học này đã ít nhiều được kiểm chứng qua các đợt suy thoái, khủng hoảng kinh tế. Cũng có thể vận dụng thêm yếu tố cuối cùng là “cái trí”, một nền kinh tế tri thức, hay cách mạng về công nghệ với trí tuệ nhân tạo, nền tảng số hóa và dữ liệu lớn, sẽ là chỗ dựa cho nông nghiệp và cả công thương nữa về lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phi nông bất ổn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO