Biên giới - Hải đảo

Phía "cổng trời" nở hoa…

Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC 26/02/2024 10:43

Những đòn bánh chưng, bánh tét vừa luộc xong được cấp phát cho cộng đồng khó khăn, nhiều phần quà tết kịp thời về vùng cao san sẻ một cái tết ấm áp... là hoạt động trở thành thông lệ hàng chục năm nay, góp phần động viên, thắt chặt tình đoàn kết quân - dân biên giới vững bền.

323909983_696916688729974_8392557188230969591_n(1).jpg
Nhiều hoạt động gắn tình đoàn kết quân dân được tổ chức tại chương trình “Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản”. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Rất nhiều câu chuyện thú vị, xúc động được tôi chứng kiến trong các chương trình “Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản” do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức.

Đằm sâu từng câu chuyện của người trong cuộc là nụ cười tươi được nhen nhóm, làm thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của cộng đồng miền núi. Tất cả được ví như hành trình góp sức giúp “cổng trời” Đông Trường Sơn bung nở thêm những ngàn hoa sắc thắm giữa nhịp sống mới ở biên thùy…

“Thay đổi nhiều lắm!”

Ngày hội “Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản” vừa được tổ chức tại Nam Giang, tôi theo chân đoàn công tác đến thăm già làng Alăng A (78 tuổi, ở thôn La Bơ, xã Chà Vàl). Ông nguyên là Bí thư Đảng ủy xã giai đoạn 1980 - 1986 nên rất rõ những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đối với quê hương miền núi:

“Hồi đó, khu này (già Alăng A chỉ tay về phía cánh đồng trước mặt - PV) là đất đồi, rừng rú. Đâu có ruộng lúa, đất sản xuất bằng phẳng như bây giờ. Mỗi năm một vụ, người dân chỉ phát rẫy trồng lúa, cuộc sống nghèo đói, cũng không đủ ăn.

Sau này, nhờ có BĐBP lên đóng chân và giúp đỡ, người dân địa phương biết cách cải tạo đất đồi thành đồng ruộng lúa nước. Vài năm trở lại đây, bà con trồng thêm cây ăn quả và các loại nông sản phù hợp, cuộc sống ngày một thay đổi” - già Alăng A chia sẻ.

“Bằng rất nhiều nỗ lực, thời gian qua, cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh đã luôn đồng hành với đồng bào biên giới trong khắc phục khó khăn đặc thù, xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Thời gian tới, bên cạnh chủ động và duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cán bộ chiến sĩ BĐBP cần phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, quân sự trong nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh khu vực biên giới.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng khối đại kết toàn dân vững mạnh, nhất là hỗ trợ đồng bào hai bên biên giới Việt Nam - Lào cùng phát triển ổn định, bền vững”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh

Chúng tôi dọc theo tuyến đường bê tông nông thôn nối từ La Bơ đến Đắc Ro (xã Đắc Tôi), xuôi theo những cánh đồng lúa đang vào vụ mới.

Giữa chút nắng xuân dịu nhẹ, đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng xuống đồng be bờ, gieo mạ non trong niềm vui ngày mới. Bất giác, làm tôi nhớ đến câu chuyện của già Blúp Dứ (ở thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê) hồi lần gặp trước.

Lần đó, già Blúp Dứ cũng dẫn tôi đến khu ruộng của làng ngay trục đường bê tông, mà không ngớt lời “kể công” BĐBP. Là bởi, hàng chục năm trước, từ sự giúp sức của biên phòng, người dân vùng biên Nam Giang này đã lần lượt bỏ phát rẫy, bắt đầu tiếp cận phương thức sản xuất hoàn toàn mới: làm ruộng lúa nước.

8f1574103e25e87bb134.jpg
Chiến sĩ biên phòng giúp dân thu hoạch lúa mùa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Chuyển đổi sang trồng lúa nước, những tháng đầu tiên không mấy thuận lợi khiến bà con lo lắng, sắp bỏ cuộc. Ngay lúc ấy, BĐBP tổ chức các đợt về làng, giúp người dân cải tạo đất và cày bừa, đồng thời kéo nước về phục vụ sản xuất. Không bao lâu, lúa đã tươi xanh trở lại, người dân phấn khởi và tin tưởng trồng lúa nước” - già Blúp Dứ kể.

Mùa gặt năm đó và nhiều năm tiếp theo, trên cánh đồng ruộng lúa nước trĩu hạt, thành quả đó có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nói, qua nhiều câu chuyện được kể, BĐBP có vai trò rất lớn đối với sự phát triển vùng biên giới.

Không chỉ ở nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, ngay cả mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh kế, xây dựng nông thôn mới, cho đến khắc phục hậu quả thiên tai… đều có dấu ấn của “lính quân hàm xanh”.

Từ sự góp sức, chung tay này đã giúp các xã biên giới luôn được bình yên, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, người dân nâng cao nhận thức, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ân nhân của làng

Cận Tết Nguyên đán 2024, tôi nhận thông tin từ các đồn biên phòng tuyến biên giới Tây Giang: vừa cấp cứu thành công các vụ ngộ độc và một vụ sản phụ sinh con ở bìa rừng. Sau nhiều ngày nhập viện và được chăm sóc, các bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, cùng gia đình đón một cái tết ấm cúng.

121776704_667397910587893_8882723129952108975_n.jpg
Cùng góp sức hỗ trợ di chuyển nhà ở người dân khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không thể kìm được cảm xúc, trong lần gặp gỡ mới đây giữa cán bộ quân y biên phòng với các bệnh nhân vừa được cứu sống, ông Tơ Ngôl Lăng (76 tuổi, ở thôn Glao, xã Ga Ry) rươm rướm nước mắt khi kể lại hành trình vượt qua “thần chết”, vì ngộ độc nấm.

Là bởi, ngoài ông Tơ Ngôl Lăng còn có hai người con gái và con dâu cùng bị ngộ độc sau khi ăn phải một loại nấm có chứa độc tố. Họ may mắn được người thân phát hiện và có sự hỗ trợ kịp thời của bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Ga Ry.

Trở về nhà sau đợt điều trị, ông Tơ Ngôl Lăng vẫn không khỏi ám ảnh khi nhắc về phút giây sinh tử nhiều ngày trước. Lúc đó, trời chập choạng tối, sau bữa ăn gia đình, cả 3 người gồm Tơ Ngôl Lăng, Tơ Ngôl Thị Nhưu (37 tuổi) và Ríah Thị Sênh (33 tuổi) lên cơn co giật, có biểu hiện lạ nên người dân địa phương điện báo cán bộ quân y biên phòng.

Qua thăm khám, cả 3 người chung tình trạng co giật mạnh, có biểu hiện mất nước, nôn sốc, tụt huyết áp, trụy tim mạch nên nhanh chóng chuyển các bệnh nhân đến Trạm Y tế xã; đồng thời trực tiếp sơ cấp cứu ban đầu theo phương pháp tiêm thuốc trợ tim, truyền dịch tốc độ cao ổn định huyết áp, giải độc. Sau thời gian cấp cứu, các bệnh nhân đã dần hồi phục sức khỏe, trở về gia đình và cùng dân làng đón một cái tết an vui.

Hôm chúng tôi ghé thăm nhà, ông Tơ Ngôl Lăng cứ nắm chặt tay và liên tục cảm ơn những ân nhân của gia đình. Ông nói, chính cán bộ quân y biên phòng đã cứu sống cả nhà khỏi “thần chết” nên suốt đời mang ơn.

“Nếu không có biên phòng, không có sự quan tâm và hết lòng cứu chữa, chắc tôi và hai con gái, con dâu đã về gặp ông bà rồi. Giờ được ngồi đây, được nói chuyện nên biết ơn cán bộ biên phòng nhiều lắm” - ông Tơ Ngôl Lăng tâm sự.

Ông Tơ Ngôl Lăng chỉ là một trong số các bệnh nhân biên giới được cứu chữa bởi cán bộ quân y biên phòng. Mới đây nhất, các bác sĩ quân y của Đồn Biên phòng A Xan (Tây Giang) cũng kịp thời hỗ trợ một sản phụ chuyển dạ vào rạng sáng, sinh con an toàn ngay bìa rừng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lợi - Chính trị viên Đồn Biên phòng A Xan nói, những năm gần đây, bên cạnh chăm lo sức khỏe cho đồng bào biên giới, các bác sĩ quân y còn tích cực hỗ trợ và kịp thời cứu chữa nhiều người dân của nước bạn Lào ở vùng giáp biên.

Và trong những dịp sang thăm thân, họ không quên ghé đến Trạm Quân dân y kết hợp A Xan để cảm ơn các ân nhân từng cứu chữa, chăm sóc mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phía "cổng trời" nở hoa…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO