Lê Trâm, một tác giả quen thuộc và là một trong số không nhiều người viết văn xuôi của Quảng Nam, vừa trình làng tập sách thứ 9 của mình - tập truyện ngắn “Phía gió biển không còn ai” (*).
Bìa tập truyện ngắn “Phía gió biển không còn ai”. |
Tựa sách, cũng là tên của một trong số 13 truyện ngắn trong tập truyện này, nghe chừng xa vắng, cô đơn, chênh chao, bùi ngùi... Mà, đằng sau “Phía gió biển không còn ai” có đúng là... không còn ai, không có gì? Câu trả lời sau khi đọc hết tập sách là không phải vậy. Đằng sau cảm giác trống vắng, hoang hoải, mất mát kia là bao nhiêu thân phận con người, thân phận tình yêu, thân phận văn chương và tất nhiên, cùng với đó là biết bao điều để buồn vui, day dứt... Ấy là những cuộc “tị nạn chiến tranh” đầy may rủi mà thường là rủi nhiều hơn may - ở đó mọi số phận đều trở nên bé mọn, mong manh. Ngay cả những thiếu niên tìm cách “tị nạn” trong trường học cũng không tránh được việc phải vào lính và chết khi “mới mười bảy, nào đã biết mùi con gái là gì đâu!” (Trong khu vườn ký ức). Có những kẻ, chỉ một phút bị cuộc đời xô đẩy là lạc vào vô cùng không gian - thời gian, là “đi gần hết một đời người” với hành trang nặng trĩu là cuộc tình lãng mạn mãi nằm ngoài tầm tay với (Nước vẫn chảy dưới chân cầu). Có những cuộc đời quăng quật - và nhờ vậy trở nên mạnh mẽ, ngang tàng, quyết đoán nhưng rồi vẫn có lúc cảm thấy đời mình “buồn đến muốn tự tử cho rồi” (Cưỡi gió qua đèo). Có những người chỉ biết tận hiến, không kịp nghĩ ngợi điều gì cho đến cuối đời mới giật mình tự vấn “Con người ta ai cũng có số phận phải không”, rồi bàng hoàng nhận ra rằng “có những thứ không thể nào sửa được nữa” (Một mình sóng cả).
Truyện của Lê Trâm - không riêng gì ở tập này, thường có giọng văn nhẹ nhàng, hiền lành, chậm rãi (đến mức có vẻ... rề rà), nhưng cũng rất cả lo, cả nghĩ. Anh đau đớn trước nguy cơ mất mát và những mất mát có thật của bao vẻ đẹp tưởng chừng vô nhiễm và vĩnh hằng trong đời sống, bởi những xô đẩy nghiệt ngã của chiến tranh, của cơn lốc kim tiền (Bên kia đỉnh dốc, Phía gió biển không còn ai, Cưỡi gió qua đèo). Thậm chí, có lúc anh còn hoài nghi về chính trang văn của mình, một nỗi hoài nghi giày vò đau đớn nhưng đầy sẻ chia, nhân bản: “Hắn mở trang đầu một cuốn sách mới cứng, ký loằng ngoằng, viết thêm: Tiễn biệt trinh nữ! rồi bỗng thừ người ra bởi không biết sẽ gởi vào đâu” (Tiễn biệt trinh nữ). Ngay trong những truyện viết về chiến tranh (Ven đô, Người của thời gian, Vừa đúng giao thừa, Trong khu vườn ký ức...), văn Lê Trâm cũng nhẹ, cũng hiền. Anh không chú tâm đặc tả cảnh chết chóc tang thương hay bom đạn, máu lửa ngất trời. Thế nhưng chiến tranh trong văn anh vẫn thật khủng khiếp và đầy chết chóc: “Cuộc chiến càng ác liệt thì tuổi đời các xã đội trưởng ngày càng trẻ” (Vừa đúng giao thừa).
Đọc “Phía gió biển không còn ai”, sẽ thấy những “cơn gió” thấm đẫm vị đời ngọt mặn chua cay thổi chao chát, triền miên từ muôn phương; để thấy thấp thoáng một hình bóng quê hương dữ dội và bình yên, bình dị mà lộng lẫy. Đọc, để còn nhìn thấy những hồi ức miên man với bao khát khao và tiếc nuối, hụt hẫng và hy vọng của riêng tác giả, và cũng là của cả một thế hệ từng nếm trải cả bom đạn chiến tranh lẫn những cuộc “oanh tạc” tàn khốc giữa bon chen thời bình. Và, đọc để thấy Lê Trâm là người chung thủy và vẫn rất “đằm duyên” trong lối viết hiền lành, ít phô phang của mình: không cố ý sắc nhọn mà nhói; ít bung phá trong câu chữ, giọng điệu nhưng vẫn nghe loảng xoảng của vỡ đổ; từ tốn, nhẹ nhàng mà thấm, mà sâu...
___________
(*) NXB Trẻ, quý III.2016.
BẢO ANH