Phía hạ nguồn sông Thu

VĨNH LỘC 09/08/2015 08:03

Hạ nguồn Thu Bồn gắn liền với sự hình thành phát triển của 3 địa phương Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, có nhiều tài nguyên thiên nhiên cùng các giá trị nhân văn sâu sắc. Phát triển du lịch hạ nguồn sông Thu không chỉ mang đến cho khách sự trải nghiệm mới lạ mà còn góp phần giải tỏa áp lực cho di sản văn  hóa phố cổ Hội An.

Việc phát triển du lịch đường sông vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: VĨNH LỘC
Việc phát triển du lịch đường sông vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: VĨNH LỘC

Hội tụ những tiềm năng

Nằm trên bờ bắc Cửa Đại, Hội An có đầy đủ đặc trưng sinh thái của vùng đất hợp lưu của 3 con sông Thu Bồn, Cổ Cò, Trường Giang đổ về phía biển. Xen giữa các kênh, lạch chằng chịt là khung cảnh hoang sơ và những làng quê, thôn xóm yên ả. Đó là Cẩm Thanh mênh mang sông nước, là Nam Diêu nằm ven tả ngạn hạ lưu Thu Bồn nổi tiếng với nghề gốm Thanh Hà; là Cẩm Kim với nghề mộc Kim Bồng cùng những sản phẩm điêu khắc tinh xảo, qua bao thăng trầm danh tiếng vẫn còn lan truyền về nét tài hoa của những người thợ  nơi này. Không xa về phía bắc sông Thu Bồn, làng Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) qua hàng trăm năm vẫn lưu giữ nét đặc trưng của làng quê xứ Quảng với những con đường làng uốn lượn quanh co dưới hàng cau cùng tiếng cười giòn tan của cô thôn nữ dệt chiếu dưới hiên nhà. Ngược về hướng thượng nguồn đối diện gốm Thanh Hà làng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) nằm bình yên như tách biệt thế giới bên ngoài cùng bao tiềm năng chưa được khám phá.

Những năm qua vùng đất phía hạ nguồn Thu Bồn đã trở thành điểm tham quan của nhiều du khách khi đến Hội An. Những địa danh như rừng dừa Bảy Mẫu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà dường như không thể thiếu trong các chương trình tham quan của các công ty lữ hành. Khách đến Cẩm Thanh ngoài đi thuyền thúng khám phá sông nước, luồng lạch trong rừng dừa Bảy Mẫu còn được trải nghiệm những trò chơi dân dã như trượt phao chuối, câu cá, kéo rớ, sinh hoạt cộng đồng… Nhiều tour trải nghiệm như “Một ngày làm nông dân trồng lúa”; các tour dạy nấu ăn với những món ăn dân dã làng quê hay tham gia những hoạt động, chương trình hấp dẫn như thi lắc thúng, múa hát bả trạo, bơi thuyền thúng, chèo thuyền kayak… cũng đã phát huy kết quả tốt.  Tuy nhiên, hiệu quả nhất phải kể đến làng gốm Thanh Hà. Với vị trí đặc thù và những lợi thế nơi đây luôn đón nhận nhiều du khách, riêng giai đoạn 2011 - 2014, bình quân lượng khách tăng mỗi năm trên 53%, không chỉ giúp làng nghề hồi sinh mạnh mẽ, tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần mang đến cho khách trải nghiệm khác lạ bên ngoài di sản Hội An. Ngoài ra, tại các điểm như Trà Nhiêu, Triêm Tây cũng đang dần khẳng định được sức hút, hứa hẹn sẽ có nhiều đột phá mạnh mẽ trong thời gian đến nếu được quy hoạch và đầu tư đúng hướng…

Tìm hướng phát triển

Những năm qua, cùng với doanh nghiệp, các địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư vào vùng hạ lưu sông Thu Bồn, nhất là khai thác du lịch gắn với cộng đồng. Việc thành lập Ban quản lý du lịch tại các làng quê  như Kim Bồng, Trà Nhiêu, Triêm Tây… tuy chưa phải đã hoàn hảo nhưng cũng đã bắt đầu mang đến những tín hiệu tích cực. Theo ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An, định hướng phát triển du lịch vùng này gắn cơ sở bảo tồn, làm giàu từ tài nguyên thiên nhiên, môi trường của địa phương và khu vực, hướng đến nâng cao lợi ích cộng đồng và chia sẻ trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia của người dân. Thời gian qua, dù đã có nhiều sản phẩm được đưa vào khai thác nhưng nhìn chung du lịch các điểm hạ lưu sông Thu Bồn vẫn đối mặt với không ít thách thức, khó khăn như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp… Tại một số điểm như rừng dừa Bảy Mẫu, mộc Kim Bồng chất lượng dịch vụ còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa có những sản phẩm thật sự ấn tượng thu hút khách… “Riêng với du lịch rừng dừa Cẩm Thanh còn xuất hiện hiện tượng kinh doanh không lành mạnh, chèo kéo khách, không đảm bảo các điều kiện an toàn khi tham gia đi thuyền. Đặc biệt, đa số các công ty và khu du lịch tại làng đều do người dân địa phương thành lập nên có sự hạn chế về kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ…” - ông Linh cho biết.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Lê Hồ Phước Vĩnh – Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn cho rằng, dù tiềm năng của các vùng đất phía hạ nguồn khá phong phú nhưng không thể dễ dàng phát huy hiệu quả vì điều này còn tùy vào quan điểm kinh doanh của mỗi đơn vị. Những năm trước đây, Công ty Lê Nguyễn cũng đã tổ chức cho khách đi thuyền tham quan trên sông. Tuy nhiên, thời gian gần đây bắt đầu thưa dần do dòng sông đang bồi cạn. “Theo tôi việc sông bồi lấp phía hạ nguồn sẽ là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp khi tổ chức cho khách tham quan bằng đường sông”, ông Vĩnh nhìn nhận. Thực tế, việc sông bồi lấp không chỉ gây khó cho doanh nghiệp khi tổ chức các hoạt động du lịch trên sông mà còn hạn chế các tàu lớn tiếp cận bờ để đổ khách tham quan. Trong Hội nghị bàn giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đường sông khu vực hạ lưu sông Thu Bồn vừa diễn ra mới đây, ông Hồ Tấn Cường  - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đề xuất: “Để phát huy tiềm năng và lợi thế khu vực hạ lưu sông Thu Bồn, ngoài tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư chúng ta cần đưa ra được nhiều giải pháp đồng bộ như phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển du lịch đường sông; cải tạo cảnh quan, môi trường, vệ sinh, trật tự an toàn; phát triển sản phẩm và các điểm đến du lịch ven sông; phát triển nguồn nhân lực cho du lịch đường sông, kể cả đội ngũ lái tàu, đặc biệt là liên kết hợp tác phát triển du lịch đường sông khu vực hạ lưu sông Thu Bồn giữa các địa phương… Khi đó, du lịch đường sông chắc chắn sẽ có những khởi sắc hơn”.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phía hạ nguồn sông Thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO