Phía nam cầu Cửa Đại

Ký sự TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 06/02/2016 14:53

Cầu Cửa Đại bắc qua hạ lưu sông Thu Bồn là chiếc cầu lớn và đẹp. Tôi dùng những mỹ từ ấy không chỉ để nói riêng về vật thể, mà còn để nhấn mạnh rằng nó lớn và đẹp ở một quyết tâm: nối dài đường ven biển, mở ra tương lai phát triển cho cả vùng cát chạy dọc sông Trường Giang…

Tôi đứng trên cầu Cửa Đại, nhìn về phía nam lộng gió, vẫn là rừng phi lao, những dải cát lặng thầm ôm làng mạc như vừa thức giấc, chờ đợi một ngày mới bắt đầu, bung nở những cánh hoa xuân…  

1.Phía đông của Quảng Nam có con sông chạy dài ven biển từ Hội An đến Chu Lai. Sông dài khoảng 70km, như một đường thông nhau giữa hai cửa biển An Hòa ở phía nam và Cửa Đại ở phía bắc. Dọc hai bên sông là những làng chài, ruộng lúa, rừng dừa xanh ngát. Từ bắc vào nam, hai bên sông còn có những địa danh nổi tiếng: làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Bàn Thạch, làng khoai lang Trà Đõa, làng chài lưới Tỉnh Thủy, các làng nước mắm Cửa Khe, An Hòa, làng chài Tam Hải, bãi biển Tam Thanh, bãi Rạng Chu Lai… Lại có nhiều chợ quê sầm uất và gắn liền với nhiều sự kiện văn hóa - lịch sử như chợ Lạc Câu, chợ Nồi Rang, chợ Bà, chợ Được, chợ Tây Giang, chợ Bến Đá nức tiếng từ hàng trăm năm nay.

Trong quy hoạch phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, vùng ven biển và dọc sông Trường Giang sẽ là các khu du lịch sinh thái cao cấp, các làng nghề được xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường. Để thực hiện mục tiêu này, một dự án đầu tư hàng chục triệu USD để xây dựng hệ thống cầu đường hiện đại vượt cửa sông Thu Bồn nối liền Hội An với vùng đông các huyện ở phía nam đô thị cổ đã và đang triển khai thực hiện. Hàng ngàn héc ta đất vùng cát trong tương lai sẽ trở thành các khu đô thị, du lịch sinh thái cao cấp mà vốn đầu tư dự tính lên trên 10 tỷ USD trong vòng 50 năm.

Đi dọc Trường Giang nhiều lần bằng ghe máy, nhưng lần nào tôi cũng thấy lạ lẫm với những khám phá và hiểu biết mới. Đó là chưa kể được tắm gội trong một môi trường tự nhiên trong lành, yên tĩnh và cảnh quan tuyệt đẹp. Dừng ghe cạnh làng rau Nồi Rang, bước chân lang thang trên những cây cầu tre dài vài trăm mét, ghé thăm chợ Bà, chợ Được ăn những tô mỳ Quảng chính hiệu với loại nhưn là những con tôm đất ngọt lịm; hoặc xem cảnh thuyền bè khai thác hàu, nghêu ven sông rồi thưởng thức mấy bát cháo hàu, những tô canh bầu nấu nghêu sông nóng hổi, ngắm cảnh những vuông tôm bạt ngàn dưới ánh hoàng hôn như tranh vẽ… Đi dọc Trường Giang, ai yêu mến lịch sử còn có thể dừng chân ở xã Bình Dương 3 lần anh hùng vẫn còn đậm nét trong những trang hồi ký của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý và đến Cây dương thần để tưởng nhớ và chiêm nghiệm một thời binh lửa đã qua. Cũng có thể về thăm xã Tam Giang, quê hương của Thủ Thiệm để nghe người dân ở đây kể những giai thoại nhớ đời về ông, không kém gì chuyện Ba Giai, Tú Xuất. Vùng đất dọc sông Trường Giang còn có những sinh hoạt văn hóa cổ truyền như hát bả trạo trong lễ cầu ngư, rước cộ chợ Bà, hát bội…
2.Tôi theo bạn về vùng cát Thăng Bình, ăn một bữa khoai lang Trà Đõa với canh bầu nấu hào và câu chuyện về loại nhuyễn thể này bắt đầu rôm rả… Bạn kể, điều đặc biệt là ngoài tôm cá, Trường Giang cón có một “kho tàng” các loại ốc, hến, hào (hàu sông), mang lại nguồn lợi quanh năm cho ngư dân và là món ăn bổ dưỡng... Thịt hào nước lợ sông Trường Giang nổi tiếng ngon ngọt, thường được dùng dưới dạng thức ăn như nấu canh với các loại rau vườn hoặc cháo. Cả vỏ và thịt hào đều có vị thuốc rất được ưa chuộng. Hồi nhỏ, đi học về, nhảy xuống sông mấy phút bắt hào là có ngay nồi canh nấu rau lang...

Đi dọc các tuyến đường vùng cát hoặc các chợ phía đông huyện Thăng Bình trong những ngày cuối thu, rất dễ nhận ra những chỗ bán hào nguyên vỏ hoặc thịt hào làm sẵn. Nhiều trẻ em ở các xã Bình Dương, Bình Minh cũng làm sẵn thịt hào để bán cho khách vãng lai dọc con đường bê tông liên xã rộng thênh. Các em lấy riêng thịt hào, ngâm nước trong cái thau nhỏ, bán cho khách mỗi ký với giá 20 - 30 nghìn đồng. Thấy tôi ngây ngô, có em còn hướng dẫn cách xào nấu với các loại gia vị hoặc nấu cháo hào với hành lá, rau húng để ăn giải nhiệt trong những ngày oi bức... “Nhưng chú nhớ không dùng nước mắm nghe. Có nước mắm, cái dị (vị) nó chát lắm!” - em dặn đi dặn lại.

Trường Giang không chỉ có con hào bổ dưỡng mà còn có một “mỏ” hến tự nhiên… Làng Tân Phú bên sông Trường Giang, thuộc xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) là một ví dụ. Làng có 150 gia đình làm nghề khai thác hến. Từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, làng hến lại vào mùa tất bật. Mỗi sáng, có hơn 100 ghe thuyền với hơn 500 người tỏa đi các ngả sông để cào hến. Các lò luộc hến bốc khói lan tỏa cái mùi ngai ngái rất đặc trưng. Người dân nói đầy hình tượng: cào hến là nghề “đi thụt lùi”, thu nhập chẳng bao nhiêu, chỉ độ 80 - 100 nghìn đồng/ngày. Một chị ở Tam Tiến (Núi Thành) có lần nói với tôi: “Ngó vậy, nhưng nhiều gia đình ven sông từ nghề cào hến, bắt hàu vất vả ấy đã nuôi nhiều đứa con ăn học thành tài. Tôi có mấy anh bạn ở Bình Dương, Bình Đào, Tam Thăng… cả ấu thơ ăn canh hến với khoai lang Trà Đõa, nhưng sau này đã thành những kỹ sư, doanh nhân, nhà báo thành danh, là những con người tiêu biểu.

Nhưng những bạn tôi chưa phải là tất cả những người dân phía nam cầu Cửa Đại! Tôi tự hỏi, rồi đây con đường ven biển nối với chiếc cầu mới qua Cửa Đại thông tuyến, từ ngả Bình Dương, Bình Đào đi phố cổ Hội An chỉ còn chục cây số với nhiều dự án đầu tư và du lịch, khi đó liệu những sản vật “trời cho” của Trường Giang sẽ xích lại gần thị trường hơn chăng?
3.Nhiều năm đi dọc vùng cát ven sông Trường Giang, tôi đã đến thăm trang trại chăn nuôi của những cựu chiến binh ở Trảng Trầm, Bình Dương; nghe chuyện phụ nữ ở Bình Hải, Bình Minh, Bình Đào được mùa cá cơm để chế biến hải sản khô xuất khẩu. Các xưởng chế biến hải sản mọc lên ở vùng biển ngang đã giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo, nhưng lương tháng của các chị vẫn chỉ trên dưới vài ba triệu đồng, chưa đủ trang trải cho gia đình. Người đầu tư xưởng chế biến thì không thu lợi bao nhiêu vì chi phí vận chuyển vòng vo tốn kém, chưa kể những bất trắc vì thời tiết, mưa bão… Nhiều xưởng chế biến sau vài năm cũng thu hẹp dần quy mô vì nhiều lý do!

Đời sống người dân ven biển phía nam cầu Cửa Đại vẫn còn đầu tắt mặt tối với những bươn chải chân biển chân đồng. Trước khi thông cầu Cửa Đại một năm, tôi đã có dịp theo bạn về thôn 5 xã Bình Dương, vẫn gặp những đứa bé bán hàu ven đường, những phụ nữ lam lũ quét lá dương liễu quanh đồi cát… Vườn mẹ anh tuy rộng đến gần 2.000m2, nhưng cũng chỉ có đàn gà lội trên cát bỏng. Bữa cơm khách vẫn là những con cá, bát canh hến bắt vội từ sông Trường Giang như muôn đời vẫn vậy…

Mang theo dư âm buồn ấy, cuối năm, tôi chạy xe một mạch từ Tam Kỳ về Hội An theo đường Thanh niên ven biển qua Tam Thanh, Tỉnh Thủy, Bình Hải, Bình Minh. Gần đến khu vực Trảng Tràm thuộc xã Bình Dương, rẽ phải theo con đường mới mở rộng gần 30m đã đến cầu Cửa Đại. Mừng! Đèn đường sáng choang, những hàng quán đã bắt đầu mở ra. Anh bạn cùng đi là một cựu lãnh đạo TP.Hội An nói: “Giá đất hai bên đầu cầu Cửa Đại hai tháng nay tăng lên chóng mặt. Chắc chắn các dự án đầu tư vào du lịch ven biển lâu nay trùm mền sẽ khởi động lại thôi!”.

 Ký sự TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phía nam cầu Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO