(ĐS 21/6) - Mỗi lần tìm cơn cớ để được đi, tôi hay ngược về núi, nơi mình thường may mắn bắt gặp những câu chuyện thú vị cho nghề. Nơi đó, những người bạn núi chân tình luôn đón đợi...
Nằm nghe mưa núi
Briu Quân đón tôi và hai người bạn cùng lớp đại học, trong căn nhà gỗ ở xã A Tiêng (Tây Giang). Đó là năm 2011, khi cả ba chúng tôi vừa mới tốt nghiệp, đang thử việc cho tòa soạn.
Tôi may mắn biết anh từ vài năm trước, khi còn là sinh viên. Một người ở núi tử tế và hào sảng. Anh cho chúng tôi ở nhờ trong căn nhà anh cũng đang... ở nhờ, cơm nước nấu sẵn, lại còn tận tình chỉ dẫn đường đi, kể cho chúng tôi những câu chuyện để gợi mở đề tài.
Chúng tôi đi, ngược vào lòng hồ thủy điện A Vương để đến làng Alua, Kala của xã Dang, rồi lên Lăng, Tr’Hy, mê mải bằng lòng ham muốn của tuổi trẻ khi được đặt chân đến một vùng đất mới. Đi và viết. Xong việc, lại vòng về căn nhà gỗ. Khi nào cũng có một vài thức “đặc sản” của rừng và cơm đã được nấu sẵn.
Đêm nọ, mưa núi đổ xuống ầm ào trên mái tôn, ngồi bên nhau nhưng phải nói như hét vào tai người bên cạnh mới nghe rõ. Anh kể về những ước mơ, về khát khao của chính mình. Về ước muốn quê hương phải đổi khác, bà con bớt đi khó nghèo.
Trong đêm mưa núi đổ xuống 12 năm trước, tôi nhìn anh thật khác, trái với vẻ giản dị và kiệm lời vốn thấy. Có những suy tư, có cả ước mơ lớn rộng trong anh, một người trẻ của núi rừng, khi chọn về với bản làng, sống cùng bà con mình ở nơi khởi đầu đã là bộn bề gian khó. Chúng tôi say túy lúy, trong những ân tình...
Mười hai năm, có quá nhiều chuyện đã xảy ra từ sau buổi đầu gặp gỡ ấy. Briu Quân chuyển công tác qua nhiều đơn vị, cũng long đong lận đận biết bao lần. Nhưng lần nào gặp, anh cũng bảo, ở đâu, làm gì cũng là vì quê hương, vì chính bà con mình. Vẫn kiệm lời và mộc mạc. Qua nhiều câu chuyện mà tôi nghe được, tôi biết, anh vẫn đang theo đuổi ước mơ lớn của mình, như lời anh kể trong đêm mưa năm ấy.
Hai lần vào viện, chiến đấu với hai cuộc đại phẫu liên tiếp, nhưng Briu Quân không gục ngã. Anh hồi phục, trở về, lại vùi đầu vào công việc và những chuyến đi. Khắp miền rừng biên giới, hình như, hiếm chỗ nào chưa có dấu chân anh, như cách để hiện thực giấc mơ lặng lẽ mà đầy khao khát, về rừng núi bừng sáng...
Lời hẹn
Tôi có nhiều mối duyên lành với những người bạn Tây Giang. Năm 2013, tôi vào xã Dang. Con đường đất mới mở, đất đỏ hòa mưa núi, tơi ra thành thứ bùn quánh đặc bám đầy bánh xe, chúng tôi đánh vật với đoạn đường chỉ chừng hơn 10 cây số, đi xe máy mà mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ.
Sau khi tác nghiệp, anh Nguyễn Thanh Tâm, khi đó vừa được điều chuyển tăng cường vào làm chủ tịch xã, dẫn chúng tôi về căn nhà tập thể cũ kỹ cuối hành lang của trụ sở UBND xã. Bộn bề khốn khó. Xã Dang lúc ấy là một trong 6 xã vùng thấp của Tây Giang, nhưng nghèo khó không kém gì vùng cao Khu 7.
Cán bộ chủ chốt được tăng cường xuống xã, cầm tay chỉ việc cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Xử lý từ thủ tục tư pháp đến xây dựng nghị quyết, kế hoạch, mọi thứ đều xắn tay áo làm, vừa làm vừa hướng dẫn cho anh em cán bộ địa phương. Những buổi cuối tuần, anh em lại lặn lội đi xuống thôn, vừa gặp gỡ, lắng nghe, vừa tìm cách gỡ khó...
Đêm trở xuống nhanh, không thể ra lại trung tâm huyện khi mưa núi đã đổ xuống, chúng tôi về trú nhờ ở căn phòng tập thể, vừa là nơi làm việc, vừa là chỗ ở tại UBND xã. Những câu chuyện chắc chỉ có ở... vùng cao. Anh Nguyễn Thanh Tâm kể về những chuyến đi, về việc xử lý thông tin từ bà con sau các chuyến đi đó.
“Cán bộ thôn không hoàn thành nhiệm vụ, quan liêu, hạch sách, chúng tôi họp dân, đề nghị bầu người thay thế. Anh cán bộ bị mất chức, sau đó vác súng săn vào tận UBND xã đòi gặp tôi. Anh em thấy nguy hiểm, can ngăn, nhưng tôi vẫn ra gặp.
Bình tĩnh và ôn hòa, tôi nói chuyện xong, anh cán bộ kia trở về nhà và sau đó trốn lên rẫy. Anh ta có thể không sợ chúng tôi đâu, nhưng anh ta phải sợ dân, sợ bà con, vì bà con luôn ủng hộ chúng tôi. Từ đó, cán bộ ở làng không còn là ông trời con nữa, có việc gì, bà con sẽ báo” - anh Tâm kể.
Hai năm sau chuyến đi đó, anh Tâm nhắn cho tôi, gửi lời mời trở lại. Xã Dang đã khác lắm. Sáu năm trời anh trụ lại ở làng, cùng khốn khó, lần lượt từng khu tái định cư mọc lên, điện đường, trường trạm về với xã. Cán bộ xã kết nối, vận động hàng tỷ đồng để xây trường, làm hệ thống nước sạch.
Trước thềm kỷ niệm 20 năm tái lập huyện, tôi gặp anh, khi anh đã được điều chuyển về làm việc tại Trung tâm VHTT-TTTH Tây Giang. Ngồi bên nhau, lại ôn câu chuyện cũ. “Bây giờ tôi về đó, bà con vẫn nhớ, vẫn thương lắm. Có dịp, mình cùng về đó, để gặp lại bà con, thăm lại làng” - anh bắt tay tôi, gửi một lời hẹn cùng nhau trở lại...