Tôi gọi họ là những người đàn bà “đợi”, cả đời chỉ biết đợi chờ. Đợi người yêu về sau một đêm phục kích, đợi chồng về sau những chuyến xuất quân bí mật. Và rồi, dù những người đàn ông đi mãi không về, họ vẫn ở vậy đợi chờ, nhưng chưa bao giờ gục ngã trước cuộc sống.
Ở vùng cát cháy Bình Dương (Thăng Bình), nhiều phụ nữ ở lứa tuổi xấp xỉ 60 là những người góa chồng, đơn thân. Họ chính là những “cô du kích nhỏ” ngày trước, là vợ hay người yêu của những chàng bộ đội đã từng đóng quân vùng này. Vết thương trên cơ thể, cộng với thương tổn tâm hồn, họ quyết định ở vậy, đến bây giờ. Ông Đặng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, ở Bình Dương, những người phụ nữ sống một mình sau chiến tranh khá nhiều, họ là tấm gương sáng về tinh thần vượt qua nghịch cảnh, khó khăn để xây dựng một cuộc sống mới.
Đi qua thời chiến
Những trận đòn tra tấn của địch năm xưa, nay vẫn còn in dấu trên gương mặt cô Phan Thị Minh. |
Gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, thời gian đã in hằn dấu vết lên dung nhan họ. Những cô Phan Thị Minh, Trần Thị Bờ, Nguyễn Thị Hôn… vẫn một mình tảo tần chăm lo cho cuộc sống. Bình Dương - xã 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng (2 trong thời chiến, 1 trong thời bình) với sự quật khởi và kiên cường của những con người nơi đây. Một xã anh hùng với những người con anh hùng. Gần 40 năm, cuộc sống mới, vận hội mới mở ra, xã anh hùng đã và đang từng ngày thay da đổi thịt. Duy, một điều không bao giờ có thể thay đổi, đó là phận đơn côi của những phụ nữ đã từng tham gia chiến tranh trên vùng cát cháy này.
Mùa này, đi trên những nổng cát Bình Dương, gió và nắng như muốn quật lấy thân người. Vậy mà cô Phan Thị Minh (hơn 60 tuổi) hàng ngày vẫn băng qua không biết bao nhiêu nổng cát để chữa bệnh cho người dân trong vùng. Trong những năm chiến cuộc diễn ra ác liệt trên đất Bình Dương (1971 - 1973), người nữ du kích này đã từng trải qua nhiều dông gió, hứng chịu nhiều đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Khi phong trào cách mạng ở Bình Dương dâng cao, Phan Thị Minh là cái tên chịu sự truy lùng gắt gao của địch. Tám lần bị bắt, cô đã 7 lần vượt ngục. Lần không thể thoát, dù địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn, người phụ nữ kiên trung này vẫn không hé lộ một lời khai nào. Hòa bình lập lại, nỗi đau thể xác bấy giờ mới hoành hành người phụ nữ ấy. Mang thương tật do bị tra tấn trong chốn lao tù của địch, cô không còn khả năng làm mẹ. Mang trong mình đầy vết tích chiến tranh, lại thêm nỗi đau tinh thần, ngày ấy cô mới gần 30 mà đã toan về già. Nay đã ngoài 60, cô vẫn phải một mình toan lo cuộc sống, chăm sóc đứa con nuôi.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Dương. Ảnh: SONG ANH |
Ở Bình Dương, còn nhiều phụ nữ đơn thân như cô Minh. Họ phần lớn là những người đã từng tham gia chiến tranh, hứng chịu nhiều đòn tra tấn, dẫn đến việc không thể có con. Đó là lý do khiến khá nhiều phụ nữ phải ở một mình. Số khác, vì người yêu hoặc chồng hy sinh trong những cuộc chiến ác liệt, họ ôm trọn tình cảm và quyết định ở vậy. Cô Phan Thị Phượng, năm nay cũng đã ngoài 50, sống một mình cùng chòm xóm và họ hàng. Cô cho biết, có khá nhiều phụ nữ ở Bình Dương lứa tuổi xấp xỉ 60 sống một mình do góa chồng, không chồng con hoặc ở cùng con nuôi. “Phụ nữ lứa tuổi tôi bây giờ, phần đông là sống một mình. Một số chị xin con nuôi, số khác ở với gia đình, em út, mà nguyên nhân là do chiến tranh, thời cuộc. Người thì ở vậy thờ chồng đã hy sinh, người quyết không lấy chồng để giữ lời thề son sắt với người yêu trước khi ra chiến trường” - cô Phượng tâm sự.
Vượt lên chính mình
Bản lĩnh của những nữ thanh niên xung phong, những cô du kích… không chỉ thể hiện trong thời chiến. Ngay thời bình, chính bản lĩnh ngoan cường, vượt qua mọi thách thức đã vực họ đứng dậy, vượt lên chính mình. Cô Phan Thị Minh kể, ban đầu, khi biết mình không thể có con, cứ ngỡ cánh cửa cuộc sống đã khép lại. Nhưng nhớ lại những lần vượt ngục, những trận đòn bán sống bán chết của địch mà mình vẫn vượt qua được, vậy hà cớ gì lại không thể đứng lên, dù nỗi đau này quá lớn. Kiến thức y học được truyền dạy thời còn làm du kích, giao liên… đã giúp ích cho cô. Mày mò học thêm, cộng với những kinh nghiệm làm y sĩ từ người mẹ, giúp cô đủ sức nuôi thân.
Khi tôi tìm đến căn nhà ngay giữa ngã ba thôn Bàu Bính Thượng, người bệnh đang xếp hàng chờ cô Minh cho thuốc. Với người dân vùng này, cô Minh là một thầy thuốc mát tay. Khi mắc phải những bệnh thông thường, họ chủ yếu tìm đến cô. Và cô cũng lấy đó làm niềm vui để vượt qua những éo le cuộc sống đã gieo.
Bình Dương hôm nay, những cánh đồng lúa nặng trĩu bông, cây đã nở hoa, chợ đã đông đúc từ buổi sớm mai đến xế chiều. Những người phụ nữ với cuộc đời gánh chịu hậu quả của chiến tranh, với những cơn bão lòng đau đớn đã dần dịu lại, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Cô Minh, cô Cúc, cô Hiền… những đồng đội một thời, nay cùng chung hoàn cảnh, thường tìm gặp nhau hàn huyên chuyện cũ. Nỗi buồn trống vắng vì thế cũng vơi đi rất nhiều.
Không chỉ riêng Bình Dương, rất nhiều địa phương khác của Quảng Nam hay cả nước vẫn còn rất nhiều những người phụ nữ sống một mình sau chiến tranh. Họ “lặng lẽ hy sinh cái hạnh phúc làm vợ, dâng hiến nốt quãng đời có thể làm mẹ cho nghĩa lớn” - như nhà văn Phan Tứ đã từng viết. Chỉ có phụ nữ Việt mới có hình tượng “lấy chồng 3 ngày đợi chồng 10 năm” hoặc đợi cả đời như những phụ nữ ở Bình Dương. Một vùng đất có đến 6.475 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 18 nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 9.000 nữ tù yêu nước… Chỉ chừng đó cũng đủ để hình dung về những hy sinh thầm lặng của phụ nữ đất này.
SONG ANH